Loạt cây cổ Hà Nội khô héo tại vườn ươm: Dễ hiểu!

Từ khâu bưng lên, vận chuyển về vườn ươm, chăm sóc để cứu sống, giờ cây mà chết đi thì tốn kém bao nhiêu tiền ngân sách nhà nước?.

Lãng phí lắm

Theo phản ánh của báo chí, ngày 6/5, tại vườn ươm Yên Sở (Hoàng Mai, Hà Nội), rất nhiều cây xà cừ được di chuyển từ các con đường ở Hà Nội như đường Bưởi, Nguyễn Trãi, Trần Phú (Hà Đông), đường Láng về, nhưng không còn dấu hiệu sự sống, vỏ bong tróc, gốc cây trơ trọi.

Ông Nguyễn Đức Mạnh - Trưởng phòng kế hoạch Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội cho biết, vườn ươm Yên Sở rộng gần 7ha, chỉ là vườn ươm tạm, là nơi trung chuyển các loại cây bóng mát và tập hợp các loại cây rải rác khắp các tuyến đường của TP Hà Nội.

Sau khi được di chuyển về vườn ươm, các cây được bảo vệ và chăm sóc cẩn thận.

Tuy nhiên, tỷ lệ đâm trồi, nẩy lộc chỉ khoảng 60 – 70% vì đường kính các cây xà cừ rất lớn mà đánh chuyển từ trong đô thị, không phải là nơi lý tưởng nhất để đánh chuyển cây. Chính vì vậy khi về vườn ươm, tỷ lệ chết không thể tránh khỏi.

Nhiều cây xà cừ cổ thụ có dầu hiệu không còn sự sống

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, chiều ngày 6/5, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết:

"Những cây cổ thụ như xà cừ dọc đường Láng, đường Bưởi sau khi chặt và đem về vườn ươm, nếu làm đúng kỹ thuật thì sẽ sống, nhưng cực kỳ khó khăn.

Nghĩa là về kỹ thuật hoàn toàn có thể làm được, nhưng cần sự chu đáo trong quá trình vận chuyển, trồng lại và cả quá trình chăm sóc".

Theo ông Huỳnh, kỹ thuật bứng cây cổ thụ khó nhất là lúc đào lên, làm sao không được gây tổn thương đến bộ rễ. Bản thân ông tin các công nhân của Công ty TNHH MTV cây xanh Hà Nội có kinh nghiệm về việc này.

"Quan trọng nhất là đào giữ được đất xung quanh bộ rễ, như đường Bưởi khi đào phải rất cẩn thận, dễ bể đất, nhất định không được làm mất rễ nhiều, bởi vì cây xà cừ rễ của nó rất xa, phát triển rộng, nên cố gắng đừng ảnh hưởng, đặc biệt cây lâu năm.

Tất nhiên khi đào chắc chắn sẽ ảnh hưởng, nhưng phải cố gắng tác động ít nhất. Và khi đem đến vườn ươm không phải chăm sóc như trồng cây mới, mà phải trồng cho bộ rễ xuống sâu dưới đất, giữ hệ rễ dài, sau đó vừa bón phân, tưới nước đúng cách. Thời gian tiến hành ươm lại này đòi hỏi kỹ thuật rất cao", ông Huỳnh phân tích.

Thế nhưng, theo vị chuyên gia trên, biểu hiện thân cây khô, bong tróc vỏ thì rất khó có thể sống được, tỷ lệ chết là rất cao, có lẽ là do bộ rễ bị ảnh hưởng nhiều, cây cũng như cơ thể con người, bị tác động nhiều thì dễ bị tổn thương và bệnh nặng dĩ nhiên là khó chữa.

Thân cây bị khô và bong tróc

Quá trình chăm sóc rất tốn công, tốn của và phải làm bằng cả tâm huyết, thương nó, quý nó với mục đích cuối cùng là cứu nó sống và bảo vệ môi trường, thì mới làm được.

Hơn nữa, việc cây có sống hay không cũng còn phụ thuộc vào việc có phù hợp với khí hậu từng vùng, như Hà Nội, từng tuyến phố cũng có khí hậu, đất khác nhau, đó là lý do vì sao đường Láng, đường Bưởi lại nhiều xà cừ, nhưng phố Lò Đúc lại có cây sao đen chứ không phải xà cừ, vì mỗi cây có yêu cầu đặc điểm sinh thái khác nhau, nên chắc gì khu vườn ươm khí hậu phù hợp xà cừ.

"Nếu những cây xà cừ này mà chết đi thì lãng phí lắm, lãng phí vô cùng, chắc hẳn ai cũng còn nhớ mức giá tổng Hà Nội chi ra gần 30 tỷ đồng để chặt cây xà cừ, tính ra trung bình gần 36 triệu đồng/cây, giờ mà chết đi thì bao nhiêu tiền bỏ ra coi như mất hết.

Mà đó mới chỉ là tiền công để bưng nó lên, vận chuyển nó về vườn ươm, còn công sức, tiền của để chăm sóc cho nó khỏi bị chết thì sao?", ông Huỳnh nói rõ.

Cây cao tuổi kỹ thuật ươm càng khó

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, GS.TS Lê Đình Khả - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho rằng, nếu cây mà vỏ đã khô, bong tróc thì chắc chắn là chết, nếu sống thì vỏ phải tươi.

"Chuyện ươm lại các cây cổ thụ như xà cừ nó liên quan đến nhiều yếu tố, như bưng khỏi mặt đất thế nào, cây nhỏ bưng cách khác, cây to bưng cách khác; bưng vào mùa nào, có để cho nó ổn định rồi mới ươm lại không, để thấy kỹ thuật rất khó, mà cây càng già, càng to kỹ thuật yêu cầu càng cao.

Cây mà bưng vào cuối mùa sinh trưởng thì chỉ có chết, còn đầu mùa sinh trưởng, giữa mùa sinh trưởng mới đâm chồi được.

Các cây càng non tuổi thì chuyện bưng lên rồi di chuyển rất dễ sống, cây có tuổi thì kỹ thuật càng cao, nói chung kỹ thuật thì phải có hiểu biết không lại thành phá hoại".

Bên cạnh đó, theo ông Khả, vườn ươm chủ yếu là đất tốt, nhưng không phải cứ đất tốt là sống, vì cây già tuổi cần đất phù hợp. Làm việc gì cũng thế, trồng cây là vừa có trách nhiệm, vừa có hiểu biết.

"Trong trường hợp xấu, hàng loạt các cây xà cừ trên mà không sống sót được thì bao nhiêu công sức, tiền của mất hết", ông Khả nói.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/loat-cay-co-ha-noi-kho-heo-tai-vuon-uom-de-hieu-3334806/