Loay hoay kiềm chế nhập siêu

(ANTĐ) - Sáng 25-3, Bộ Công Thương đã họp với các tập đoàn, tổng công ty về việc đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Ước tính 3 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập siêu khoảng 3,51 tỷ USD, bằng 25% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mục tiêu trung bình năm nay 5%.

Ông Nguyễn Tiến Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Giấy Việt Nam cho biết: “60% nguyên liệu sản xuất giấy của các công ty trong nước là nhập khẩu. Trong đó, bột giấy nhập khoảng 100 triệu USD và giấy loại khoảng 200 triệu USD mỗi năm”. Theo ông Đức, ngành giấy phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu là vì doanh nghiệp trong nước không mặn mà với việc thu mua giấy tái chế trong nước. Giá giấy loại trong nước không thấp hơn giá nhập khẩu, nhưng phân loại giấy kém hơn và thủ tục thuế thu gom rất rườm rà. Mặt khác, ý thức tận dụng giấy thải để tái chế của người dân Việt Nam còn thấp. Ngành giấy kiến nghị Bộ Công Thương xem xét lại những quy định để công tác thu gom giấy loại trong nước thuận lợi hơn, nhằm hạn chế nhập khẩu. Theo ông Nguyễn Quang Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), để hạn chế nhập khẩu, doanh nghiệp này đã tích cực phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) mua dài hạn sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất. Tuy nhiên, trong giao dịch, thu mua hàng hóa giữa 2 bên đang gặp một số khó khăn. Đại diện Vụ Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đưa ra quan điểm: “Giải pháp kiềm chế nhập siêu không phải là việc hạn chế tỷ lệ nhập mặt hàng này, mặt hàng khác mà phải nằm ở giải pháp công nghiệp, tức là phải tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ”. Vị đại diện này phân tích, các giải pháp thương mại chỉ là nhất thời và không khéo sẽ vi phạm quy định WTO. Do đó, quy hoạch phát triển công nghiệp phụ trợ cần được phê duyệt sớm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cũng tán đồng quan điểm này. Tuy nhiên, đại diện của Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công Thương bày tỏ, đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ hiện là công việc khó khăn! Bộ Công Thương đang áp dụng các biện pháp kiềm chế nhập khẩu như: kiểm soát nhập khẩu, quy trình thông quan, đặt ra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa nhập khẩu, dùng hàng rào thuế quan… nhưng có ý kiến cho rằng, các biện pháp này chưa đủ mạnh để mang lại hiệu quả, làm giảm nhập siêu. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, 2 tháng đầu năm nay, tỷ lệ hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2009, tương đương 11 tỷ USD. Và số liệu ước tính 3 tháng cho thấy, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 17,525 tỷ USD, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, nhóm hàng nguyên nhiên vật liệu cần nhập khẩu tăng 35,3%; nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu dự báo tăng khoảng 60,2% và nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết: “Thời gian này năm ngoái đang là thời điểm khủng hoảng sâu nhất nên nhu cầu và giá cả hàng hóa thấp hơn. Tuy nhiên, những con số của 3 tháng đầu năm rất đáng lo ngại”. Trong cơ cấu hàng nhập khẩu của quý I-2010 so với quý I-2009, hầu hết hàng hóa ở nhóm hàng cần nhập khẩu đều tăng mạnh. Điển hình như: bông, cao su các loại, thức ăn gia súc và nguyên liệu; nguyên, phụ liệu thuốc lá... Riêng tỷ lệ nhập khẩu mặt hàng phân bón giảm 17,2%. Đối với nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu, thủy sản là mặt hàng duy nhất có mức tăng nhập khẩu âm, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2009. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Nguyễn Gia Tường bày tỏ: “Tuy là ngành chiếm tỷ trọng nhỏ trong kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng phân bón NPK. Sản lượng NPK trong nước đang dư thừa nhưng nhập khẩu có xu hướng tăng. Công suất cho phép của các nhà máy sản xuất NPK trong nước đạt khoảng 2,5 triệu tấn/năm và một số doanh nghiệp chỉ sản xuất 1,7 triệu tấn/năm”. Tập đoàn Hóa chất đề nghị Bộ Công Thương kiểm soát chặt nguồn phân bón NPK nhập khẩu. Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nhận định: “Việc nhập khẩu gia tăng, đặc biệt là nhập khẩu các loại nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất chứng tỏ sản xuất trong nước đang trên đà phục hồi rõ rệt”. Mặc dù vậy, mục tiêu nhập khẩu của năm 2010 là kiềm chế nhập siêu ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu, tương đương với 12,2 tỷ USD. Với tình hình xuất nhập khẩu trong quý I này, việc đạt được mục tiêu này trong 9 tháng còn lại sẽ rất khó khăn.

Nguồn ANTĐ: http://www.anninhthudo.vn/tianyon/index.aspx?articleid=70599&channelid=6