Lọc dầu Dung Quất dọa đóng cửa: Công bằng cho hàng Việt

Điều quan trọng nhất giúp NMLD Dung Quất có lãi trong những năm qua là nhờ việc khai thác tài nguyên của đất nước.

Lãi nhờ hút tài nguyên trong nước

Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất nhiều lần thông báo nguy cơ dừng sản xuất vì tồn kho, không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Gần đây nhất, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Văn phòng Chính phủ về nguy cơ tạm dừng sản xuất nếu không được giảm thuế.

Dù nhiều lần 'dọa' đóng cửa nhưng liên tiếp trong 3 năm NMLD Dung Quất đều có lãi. Cụ thể, năm 2013, nhà máy này lãi 2.932 tỷ đồng, năm 2014 là 149 tỷ đồng, đặc biệt năm 2015 lãi tới gần 6.000 tỷ bất chấp đây được coi là năm đen tối của thị trường dầu khi giá dầu thế giới lao dốc mạnh.

Theo PVN, nhà máy lọc dầu Dung Quất đang trước nguy cơ tạm dừng sản xuất. Ảnh: VnExpress

Lý giải điều này, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, NMLD Dung Quất trong mấy năm qua lãi là đương nhiên bởi lẽ thời điểm đó Việt Nam chưa ký FTA với Hàn Quốc, giá dầu thế giới còn cao, trong khi giá trong nước cao hơn thế giới.

"Dầu khí cũng giống như than, thủy điện..., tất cả đều là khai thác tài nguyên của đất nước nên không có cớ gì để lỗ cả. Ngay trong năm 2015, trong bối cảnh khó khăn, Dung Quất vẫn lãi gần 6.000 tỷ đồng, đó là nhờ dư âm của những ưu đãi trước đây và Nhà nước yêu cầu các đơn vị tiêu thụ xăng dầu trong nước vẫn phải mua sản phẩm của Dung Quất.

Thuế suất trước đây và bây giờ khác nhau, đồng thời trước đây có các ưu đãi, bây giờ các ưu đãi đó đã bị giảm đi, Dung Quất cố gắng gồng gánh để vượt qua giai đoạn khó khăn này nên tiết giảm các chi phí để đủ sức cạnh tranh về giá với thị trường thế giới, để tiêu thụ được sản phẩm", ông nhấn mạnh.

Vì thế, ông đánh giá giai đoạn nói trên không chỉ tốt cho Dung Quất mà còn cho cả ngành dầu khí và đất nước; lãi của NMLD Dung Quất là cái lãi có lợi cho đất nước, còn bản thân Dung Quất hay Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị trực tiếp quản lý NMLD Dung Quất), PVN không lấy lãi đó để chia nhau.

Nhiều ý kiến cho rằng NMLD Dung Quất được áp dụng hàng loạt ưu đãi lớn, đặc biệt là họ được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% đối với xăng dầu. Nếu mức thuế Nhà nước áp dụng thấp hơn giá trị ưu đãi trên, PVN sẽ cấp bù và số tiền cấp bù được PVN hạch toán vào lợi nhuận trước thuế.

Thậm chí trong báo cáo của PVN năm 2015, tập đoàn này thừa nhận NMLD Dung Quất lãi lớn là nhờ ưu đãi. Nếu tính sòng phẳng, loại trừ trợ giá bằng thuế ra khỏi giá sản phẩm, PVN cho biết NMLD Dung Quất chưa bao giờ có lãi, thậm chí liên tục thua lỗ. Tính chung từ năm 2010-2014 nếu không có ưu đãi, Dung Quất lỗ tới 27.600 tỷ đồng.

Trước câu hỏi: Liệu có phải Việt Nam đang phải bỏ tiền ngân sách để NMLD Dung Quất có lãi?, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phủ nhận và cho rằng: "NMLD Dung Quất nói riêng và ngành dầu khí nói chung luôn nộp ngân sách rất cao, Nhà nước không bù cho Dung Quất một đồng nào cả.

Trước đây, Nhà nước có áp dụng chính sách ưu đãi cho Dung Quất giữ lại 7% thuế nhập khẩu đối với xăng dầu nhưng bây giờ không còn nữa. Hiện nay, bản thân NMLD Dung Quất và PVN không quan tâm tới chuyện này nữa và họ không hạch toán cái đó vào giá thành nữa.

NMLD Dung Quất cũng được áp dụng nhiều ưu đãi khác nhưng họ đang dùng nhiều cách để tiết giảm, thậm chí họ còn giảm cả tiền lương của cán bộ nhân viên. Ngành dầu khí nói chung, NMLD Dung Quất nói riêng đã phải giảm giá thành xăng dầu của mình để bảo hộ trong nước gần như không còn nữa, để sòng phẳng, ngang bằng với giá xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc. Tại thời điểm này, kể cả Dung Quất và ngành dầu khí đang thực hiện theo lộ trình đó và theo cơ chế đó.

Có thể thấy Dung Quất đã cố gắng hết sức mình nhưng nhiều đầu mối xăng dầu trong nước chỉ ký kết hợp đồng ngắn hạn 2-3 tháng, giảm khối lượng mua sản phẩm của Dung Quất. Ngay như Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), khách hàng lớn nhất của PVN cũng chỉ đồng ký ký hợp đồng 2 tháng đầu năm và giảm khối lượng mua dầu diesel từ 120.000 m3 xuống còn 80.000 m3 một tháng.

Khi giá sản phẩm của Dung Quất đã trở về thế sòng phẳng, công bằng và ngang với giá cả thị trường rồi, tại sao khách hàng trong nước không mua cho họ? Dung Quất đang đứng trước áp lực lớn là không tiêu thụ được sản phẩm, từ đầu vào đến đầu ra của họ sẽ bị bế tắc, dẫn tới việc nhà máy không có tiền để tái sản xuất, chưa nói đến đời sống của hàng trăm nghìn lao động".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/loc-dau-dung-quat-doa-dong-cua-cong-bang-cho-hang-viet-3301512/