Lộc nhung không phải… thuốc tiên!

Dùng lộc nhung không đúng chỉ định chủ trị có thể làm bệnh lý nặng thêm, lại thêm tốn tiền mà không khỏi bệnh.

“Mặc dù lộc nhung (nhung hươu, nhung nai) là vị thuốc quý (nằm trong “tứ bảo”: nhân sâm, nhung nai, nhục quế, phụ tử) nhưng không phải thuốc tiên, không có tác dụng trị bá bệnh. Đã là thuốc thì có thể tốt cho người này nhưng không tốt cho người khác” - bác sĩ Lê Văn Hải, Trưởng khối Y, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, khuyến cáo.

Nhung hươu trị bá bệnh?

Gần đây, nhung hươu được đăng tải trên trang web http://nhunghuou.very.to với những câu chữ dễ gây chú ý. Theo quảng cáo, nhung hươu phù hợp với mọi lứa tuổi, từ già trẻ, lớn bé, gái trai. Nhung hươu có tác dụng đối với trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn, chậm phát triển về trí tuệ và thể lực. Nhung hươu cũng tốt cho những ông thiếu tinh trùng, bất lực về sinh lý, hoạt tinh, mệt mỏi, váng đầu, ù tai, hoa mắt, lạnh tứ chi. Đối với phụ nữ hiếm muộn do lạnh tử cung, thận suy, đau lưng, tiểu tiện khó, xuất huyết tử cung… thì nhung hươu là liều thuốc tuyệt vời.

Nhung hươu được quảng cáo trên trang web http://nhunghuou.very.to. Ảnh: TRẦN NGỌC

Nhung hươu được quảng cáo trên trang web http://nhunghuou.very.to. Ảnh: TRẦN NGỌC

Chưa hết, trang web này còn khẳng định nhung hươu có tác dụng chống loét, dưỡng cốt, an thai, kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra, nhung hươu còn có tác dụng trị hư lao, sốt rét, gầy ốm, đau thắt lưng, tán sỏi đường tiểu, ung nhọt… Nhung hươu làm làn da người phụ nữ mịn màng, hồng hào, tươi tốt. Giúp cơ thể phụ nữ thon thả, cân đối, săn chắc… Nhung hươu giúp nam giới bổ thận, bổ gan, chống già, máu huyết tuần hoàn…

Theo như quảng cáo thì nhung hươu quả là… thuốc thần, tác dụng tốt cho nhiều loại bệnh. Từ số điện thoại 0975538..., chúng tôi liên lạc với Tuấn, người phân phối nhung hươu. Theo Tuấn, 100 g nhung hươu có giá 1 triệu đồng, tặng kèm một chai huyết ngâm rượu. Tuấn cho biết từ đầu năm đến nay anh ta bán hơn 3 kg nhung hươu, chứng tỏ nhu cầu sử dụng nhung hươu khá nhiều. “Tôi cho ông số điện thoại của những người từng sử dụng nhung hươu để liên lạc và dò hỏi hiệu quả” - Tuấn trấn an.

Không tốt cho trẻ em

Bác sĩ Lê Văn Hải, Trưởng khối Y, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, nhận định qua thử nghiệm trên bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và bệnh nhân viêm gan siêu vi B, C cho thấy lộc nhung có tác dụng cải thiện chất lượng sống, giúp người bệnh khỏe, ăn ngủ khá hơn, tăng hồng cầu, tăng số lượng tế bào miễn dịch CD4, CD8, giúp cơ thể tăng sức đề kháng, thải trừ siêu vi. “Do lộc nhung có tính ôn, ấm thuộc dương dược nên chỉ sử dụng cho lứa tuổi trung niên trở lên và có cơ thể thuộc hư hàn. Hạn chế sử dụng trên những người có cơ thể thuộc nhiệt và trẻ em (vì cơ thể trẻ em thuần dương)” - bác sĩ Hải lưu ý.

Bác sĩ Hải cho rằng lộc nhung có tác dụng điều trị hỗ trợ những bệnh nặng cần phải bổ dưỡng, nâng đỡ tổng trạng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, dùng lâu với liều thấp có tác dụng kéo dài tuổi thọ. “Riêng tác dụng hỗ trợ về tình trạng suy nhược sinh dục nam và nữ thì khá hiệu quả. Chính vì thế lộc nhung được thổi phồng quá đáng” - bác sĩ Hải giải thích.

Bác sĩ Hải lưu ý lộc nhung không hoàn toàn có tác dụng tốt với quá nhiều loại bệnh. Dựa trên tác dụng chủ trị của lộc nhung, những bệnh lý suy nhược mạn, tình trạng suy dinh dưỡng nặng, những bệnh lý suy nhược sinh dục nam và nữ đều có thể dùng lộc nhung. Tuy nhiên, người bệnh cần được thăm khám xem có mắc những bệnh lý có chống chỉ định của lộc nhung. Những người cao huyết áp, đái tháo đường, xơ cứng mạch máu, hẹp van tim, độ quánh máu tăng, viêm thận nặng, tiêu chảy, máu nóng sinh mụn nhọt, lở ngứa… thì không được sử dụng lộc nhung. “Dùng lộc nhung không đúng chỉ định chủ trị có thể làm bệnh lý nặng thêm, lại thêm tốn tiền mà không khỏi bệnh” - bác sĩ Hải nhắc nhở.

Bác sĩ Hải đúc kết: “Muốn sử dụng lộc nhung nên tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Thuốc bổ mà uống nhiều, uống vô tội vạ có thể gây những rối loạn sinh lý bất thường về sau”.

TRẦN NGỌC

Lộc nhung (nhung hươu, nhung nai) có tên khoa học là Cornu Cervi parvum. Lộc nhung là sừng non của hươu đực hoặc con nai. Lộc nhung chứa 52,5% protid; 2,5% lipid; khoảng 34% chất keo (keratin), muối gồm Ca và amoni dưới dạng phosphat, carbonat, Fe, Mg, chất đạm và một chất nội tiết tố gọi là lộc nhung tinh. Lộc nhung có vị ngọt, mặn, tính ôn, không độc. Hiện nay, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM đã bào chế nhung nai thành dạng viên nang, hàm lượng 0,5 g/viên, giá từ 15.000 đến 16.000 đồng/viên. Liều dùng từ một đến hai viên, dùng từ một đến hai lần/ngày. Trường hợp bệnh suy nhược nặng có thể dùng từ bốn đến sáu viên/ngày.

. Lộc nhung không gây tác dụng phụ?

+ Sai. Thí nghiệm trên động vật cho thấy tác dụng phụ của lộc nhung là đỏ da, ngứa, rối loạn tiêu hóa, chu kỳ kinh kéo dài.

. Lộc nhung được sử dụng liều cao sẽ không tốt cho sức khỏe?

+ Đúng. Tùy bệnh lý mà sử dụng lộc nhung với liều lượng thích hợp. Cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.

. Lạm dụng lộc nhung quá mức sẽ làm nứt da?

+ Sai. Nghiên cứu cho thấy chưa xảy ra bất kỳ trường hợp bị nứt da do sử dụng lộc nhung.

. Sử dụng nhiều lộc nhung sẽ nóng trong người?

+ Đúng. Ngoài ra còn gây cảm giác khó chịu.

. Phụ nữ có thai dùng lộc nhung sẽ tốt cho thai nhi?

+ Sai. Hiện chưa có nghiên cứu cho thấy phụ nữ mang thai sử dụng lộc nhung sẽ ảnh hưởng tốt đến thai nhi.

Bác sĩ Lê Văn Hải, Trưởng khối Y, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100326122218580p1060c1104/loc-nhung-khong-phai-thuoc-tien.htm