Lời cảnh báo từ việc gãy tượng, đổ phác thảo phù điêu quảng trường

Xôn xao vụ gãy, đổ tượng đài chiến thắng tại TP Bắc Kạn Bắc Kạn: Đã khôi phục nguyên trạng cụm tượng đài Chiến thắng tại quảng trường tỉnh Thái Nguyên: Sẽ không xây dựng bãi đỗ xe phía sau Quảng trường Võ Nguyên Giáp Thái Nguyên: Chính thức đề xuất quy mô phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp Thái Nguyên khởi công xây dựng Quảng trường Võ Nguyên Giáp

Những sự cố liên tiếp liên quan đến các công trình tại quảng trường ở Bắc Kạn và Thái Nguyên khiến dư luận hoang mang, nghi ngờ về vấn đề chất lượng và công tác quản lý của chủ đầu tư.

Trận gió không quá lớn rạng sáng 24/8 làm một bức phác thảo phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên bị đổ.

Quảng trường là một khái niệm không xa lạ trong cuộc sống đô thị. Hiểu một cách nôm na quảng trường là một không gian công cộng mở nơi giống như phòng khách trong một căn nhà, mọi người tụ họp lại với nhau để cùng tham gia một hoạt động chung nào đó.

Ngày nay, quảng trường đã không còn đơn giản chỉ là nơi thể hiện quyền lực tôn giáo, hay là nơi những nhà chính trị, nhà diễn thuyết đến thể hiện quan điểm của mình, đưa ra luận điểm để tranh cãi. Công năng của quảng trường đã biến đổi theo nhiều hướng khác nhau, nhưng đều có 2 vai trò chính trong một đô thị hiện đại đó là nơi người dân đến tập hợp, tham gia vào các hoạt động nghỉ ngơi, văn hóa hay nói cách khác là địa điểm chung cho người dân thành phố; Và với vai trò là điểm nhấn trong đô thị, quảng trường là nơi diễn ra các hoạt động có mục đích về thương mại, chính trị và tôn giáo.

Chính vì thế, việc xây dựng bất cứ công trình nào trong quảng trường cũng đều mang ý nghĩa đặc biệt.

Ở bài viết này, chúng tôi chỉ xin được nói tới một khía cạnh nhỏ từ việc xảy ra các sự cố gãy, đổ bức tượng trong cụm tượng đài Chiến thắng ở quảng trường Nhà văn hóa TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) và đổ phác thảo bức phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) khiến rất nhiều người quan tâm vì tầm quan trọng của các công trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về văn hóa, xây dựng hay lịch sử… được báo chí và cư dân mạng loan truyền thời gian gần đây.

Tại quảng trường Nhà Văn hóa tỉnh Bắc Kạn khoảng 20h40 ngày 9/8/2017 xảy ra sự việc gãy đổ 1 nhân vật tượng trong cụm tượng đài Chiến thắng Bắc Kạn làm 1 cháu bé bị thương. Nguyên nhân do cháu Lường Văn Chân, 12 tuổi, trú tại TP Bắc Kạn trong lúc chơi đùa tại sân nhà văn hóa đã đu lên cánh tay của bức tượng nhỏ nhất (tượng anh Kim Đồng) trên cụm tượng 5 nhân vật, đồng thời có 1 bạn của cháu trèo ở phía trên tượng Kim Đồng có thể đã đồng thời tạo thêm lực đẩy làm cho tượng bị gãy xuống.

Sau đó không lâu, rạng sáng 24/8 tại quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) do ảnh hưởng của cơn bão số 6 bức phác thảo Phù điêu “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đồng bào các dân tộc tỉnh Thái Nguyên” phía bên phải bị đổ.

Phù điêu bị đổ là bức phác thảo được dựng bằng khung sắt, in bằng bạt để xin ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà quản lý và nhân dân về quy mô và nội dung phù điêu cho phù hợp với kiến trúc cảnh quan của Quảng trường. Ngay sau khi các sự cố trên xảy ra, chính quyền các địa phương và ngành chức năng đã khẩn trương có giải pháp khắc phục.

Cụ thể, tỉnh Bắc Kạn yêu cầu nhà thầu khôi phục nguyên trạng bức tượng trong cụm tượng; còn tỉnh Thái Nguyên cho thực hiện tháo dỡ toàn bộ cả hai bức phác thảo phù điêu tại Quảng trường.

Trước thực tế trên, ngày 31/8/2017, Bộ VHTT&DL đã ban hành Công văn số 3671/BVHTTDL-MTNATL do Thứ trưởng Vương Duy Biên ký gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng tượng đài.

Bộ VHTT&DL yêu cầu các tỉnh, thành quản lý chặt chẽ các dự án xây dựng tượng đài, thiết kế kỹ thuật, mỹ thuật, đảm bảo chất lượng cho các công trình tượng đài được xây dựng. Đồng thời, triển khai Quy hoạch các công trình tượng đài tại địa phương theo quy định của pháp luật; xác định nội dung, vị trí, địa điểm xây dựng và quy mô phù hợp…

Phác thảo phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp TP. Thái Nguyên bị đổ lộ rõ nhiều vấn đề trong thiết kế và thi công.

Có thể thấy, việc khắc phục sự cố không quá khó khăn, nhưng từ việc gãy tượng, đổ phác thảo phù điêu quảng trường có thể thấy rõ lời cảnh báo đối với cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu và địa phương quản lý công trình quảng trường. Đó là vấn đề chất lượng xây dựng cần phải được tính toán kỹ lưỡng.

Theo thông tin chúng tôi có được, hai bức phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) trong dự án chất liệu dựng phù điêu được đề xuất là đá nguyên khối.

Chưa nói đến việc dùng từ nguyên khối có chính xác hay không; ở đây chúng tôi chỉ nói đến việc ghép các khối đá lại với nhau thành phù điêu như nhà đầu tư đã thực hiện tại cụm tượng Đài Chiến thắng TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn) cần có sự gắn kết chặt bởi bức phù điêu tại quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) có hình khối lớn hơn gấp nhiều lần cụm tượng Đài Chiến thắng TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn).

Theo thiết kế chiều cao mỗi phù điêu khoảng 12 mét và chiều dài khoảng 37 mét, mỗi phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên có diện tích đến gần 400 m² - tương đương một ngôi nhà 4 tầng.

Đó là chưa kể với một khối đá lớn gồm nhiều khối nhỏ ghép lại có trọng lượng nhiều trăm tấn thì vấn đề móng công trình cũng khác hoàn toàn với móng thi công dang dở phù điêu chỉ bằng bê tông cốt thép như thiết kế ban đầu.

Trong khi đó địa thế dựng phù điêu tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) lại nằm cách sông Cầu không xa nên lượng gió, lực gió cũng không hề nhỏ, đặc biệt là khi chuyển mùa hoặc giông bão mà việc đổ bức phác thảo hôm 24/8 bởi trận gió không quá mạnh là một minh chứng.

Cũng giống như quảng trường ở TP Bắc Kạn (tỉnh Bắc Kạn), quảng trường Võ Nguyên Giáp TP Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) chắc chắn sẽ là điểm đến của đông đảo người dân địa phương mỗi ngày, mỗi tối bởi thành phố này còn khá thiếu những địa điểm công cộng như vườn hoa, công viên.

Do đó, việc đảm bảo an toàn cho công trình, an toàn tính mạng cho người dân khi dạo chơi hoặc tham gia các hoạt động tại quảng trường nơi có công trình xây dựng lớn như hai bức phù điêu sẽ dựng là mối quan tâm hàng đầu.

Chính vì lẽ đó, trong một thông điệp mới được đưa ra, những nhà thiết kế công trình đã không nhất trí với việc thay đổi quá nhiều cảnh quan phía sau quảng trường Võ Nguyên Giáp - dù biết rằng bãi đỗ xe đối với TP Thái Nguyên cũng là rất cần thiết.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng, các nhà chuyên môn mong rằng những sự cố gãy tượng, đổ phác thảo phù điêu nói trên dù không mong muốn, nhưng là lời cảnh báo rõ rệt nhất cho cả chủ đầu tư, nhà thầu lẫn chính quyền địa phương trong việc hoàn thiện các công trình cũng như việc tổ chức, quản lý các công trình phù điêu, tượng đài… tại các quảng trường.

Thái Nguyên Nhân

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/loi-canh-bao-tu-viec-gay-tuong-do-phac-thao-phu-dieu-quang-truong.html