Lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã triển khai trên toàn quốc được gần 2 năm, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.

Phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Lượng - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam.

Ông Lượng cho biết: Bản chất của chi trả DVMTR là thể hiện mối quan hệ kinh tế giữa bên cung ứng (người bán) và bên sử dụng (người mua) DVMTR. Theo quy định của Nghị định 99, DVMTR gồm các loại cơ bản: Thứ nhất là bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; thứ hai là điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; thứ ba là dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các - bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính...

Giữ và bảo vệ rừng tốt, chủ rừng sẽ có nhiều cơ hội được trả tiền DVMTR.

Vậy ai là người trả tiền và ai được nhận tiền DVMTR?

- Người trả tiền là tất cả các tổ chức, cá nhân có sử dụng và hưởng lợi từ 5 loại dịch vụ nêu trên, cụ thể gồm: Các cơ sở sản xuất thủy điện, các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước, các tổ chức, cá nhân có kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR, các đối tượng phải trả tiền DVMTR cho dịch vụ hấp thụ và lưu trữ các - bon của rừng, dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước cho nuôi trồng thủy sản.

Người nhận tiền DVMTR là các tổ chức, cá nhân có cung ứng DVMTR, cụ thể gồm: Các chủ rừng được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để sử dụng ổn định và lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các chủ rừng là tổ chức tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao; các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, cộng đồng dân cư thôn tự đầu tư trồng rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được Nhà nước giao; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định, lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước, gọi chung là hộ nhận khoán.

Hiện nay có sự chênh lệch rất lớn về đơn giá chi trả bình quân/ha giữa các lưu vực của các nhà máy thủy điện, liệu điều này có tạo ra sự bất công giữa những người bảo vệ rừng?

Ông Phạm Hồng Lượng cho biết: Theo quy định của Nghị định 99 thì rừng được trả tiền DVMTR là các khu rừng có cung ứng một hay nhiều DVMTR, gồm cả rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất. Chỉ những diện tích rừng được cơ quan nghiệm thu xác định đủ điều kiện cung ứng DVMTR mới được chi trả.

- Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, chính sách chi trả DVMTR không thuần túy giống như là các chính sách xã hội khác. Về bản chất, chính sách chi trả DVMTR là quan hệ giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ. Chủ rừng nào có cung ứng nhiều dịch vụ và có nhiều người sử dụng dịch vụ thực hiện chi trả thì người đó sẽ được hưởng nhiều tiền, nếu họ cung ứng ít dịch vụ thì hưởng ít, và nếu họ không cung ứng dịch vụ thì không hưởng. Đó là mối quan hệ rất công bằng.

Thực tế triển khai chương trình này đòi hỏi các địa phương, các cơ quan quản lý lâm nghiệp phải chủ động tham mưu cho các cấp chính quyền cân đối, điều phối, bổ sung kinh phí thông qua các chương trình, dự án và các nguồn kinh phí khác để đảm bảo mức chi trả bình quân không thấp hơn mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ rừng.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Hương (thực hiện)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/loi-ich-tuchi-tradich-vu-moi-truong-rung/20130815111630610p1c24.htm