Lợi ít, hại nhiều

Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm (Donald Trump) vừa công bố một số thay đổi trong chính sách của Oa-sinh-tơn đối với Cu-ba. Theo đó, nước này sẽ siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cu-ba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Mặc dù chính sách mới của Tổng thống Đô-nan Trăm tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao giữa hai nước, duy trì hoạt động của hai đại sứ quán, cũng như cho phép các hãng hàng không và vận tải biển của Mỹ khai thác dịch vụ tới đảo quốc Ca-ri-bê này, nhưng nếu nhìn vào chặng đường phát triển của quan hệ Mỹ-Cu-ba 3 năm qua, động thái mới của chính quyền Tổng thống Đô-nan Trăm rõ ràng là một bước thụt lùi đáng tiếc, và chắc chắn nó sẽ tạo một rào cản không nhỏ với mối quan hệ song phương.

Cách đây hơn một năm, đứng trên sân khấu của một nhà hát tại thủ đô La Ha-ba-na với sự tham dự của Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô (Raul Castro), Tổng thống Mỹ khi đó là Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) đã tuyên bố muốn "chôn vùi tàn tích cuối cùng của Chiến tranh lạnh" và "bỏ lại phía sau cuộc chiến ý thức hệ trong quá khứ ".

Tuy nhiên, trong bài phát biểu ngày 16-6 tại thành phố Mai-a-mi, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Cu-ba sinh sống đông nhất nước Mỹ, Tổng thống Đô-nan Trăm dường như đang tìm cách “làm sống lại” những bất đồng đó, với việc chỉ trích các chính sách của Chính phủ Cu-ba trong hơn 5 thập kỷ qua.

Trên thực tế, chính sách mới của Tổng thống Đô-nan Trăm không gây bất ngờ quá lớn. Bởi lẽ, trong quá trình tranh cử, ông Đô-nan Trăm từng tuyên bố sẽ đảo ngược tất cả những gì mà tổng thống lúc đó là ông Ba-rắc Ô-ba-ma đã làm được nhằm cải thiện và bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với Cu-ba, trừ khi Chủ tịch Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô chấp nhận nới lỏng thêm các vấn đề về tự do chính trị.

Khác với người tiền nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma, người vốn khởi xướng cách tiếp cận mới của Oa-sinh-tơn đối với La Ha-ba-na trong đó hướng về tương lai của mối quan hệ với đảo quốc Ca-ri-bê, dường như Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ lại chỉ nhìn về quá khứ đã trôi xa hàng thập kỷ. Có lẽ, dưới con mắt của một nhà kinh doanh, ông luôn đòi hỏi một “thỏa thuận tốt hơn” với La Ha-ba-na và chưa bao giờ ghi nhận “thành công” của người tiền nhiệm: Đó là đạo diễn một cuộc "phá băng" mang tính lịch sử trong quan hệ Mỹ-Cu-ba trên các phương diện ngoại giao, trao đổi văn hóa cũng như thương mại.

Bằng chứng là Tổng thống Đô-nan Trăm luôn cho rằng, việc cải thiện quan hệ với Cu-ba dưới thời cựu Tổng thống Ô-ba-ma là “chính sách một chiều”. Theo lý giải của Cố vấn đặc biệt kiêm Giám đốc Phụ trách báo chí của Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm, bà Hê-len A. Phê-rê (Helen Aguirre Ferré), quan điểm của ông Đô-nan Trăm là “Cu-ba vẫn chưa có bất kỳ sự nhượng bộ nào, bất chấp tất cả những gì được Mỹ hành động liên quan tới bình thường hóa, tái thiết lập các thỏa thuận và hành xử ngoại giao”. Dường như Tổng thống Đô-nan Trăm đã quên mất rằng, chính nước Mỹ đã đơn phương áp đặt những biện pháp trừng phạt và cấm vận kinh tế với Cu-ba, gây thiệt hại to lớn ước tính lên tới 753 tỷ USD cho đảo quốc Ca-ri-bê này trong gần 6 thập kỷ qua. Như vậy, yêu cầu “trao đổi ngang bằng”, buộc Cu-ba thay đổi chính sách để đổi lấy việc tiến tới bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước bỗng trở thành một đòi hỏi hết sức phi lý.

Chẳng dễ dàng gì để quan hệ giữa Mỹ và Cu-ba phát triển được như ngày hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ đối địch. Việc Oa-sinh-tơn một lần nữa quay lại với những biện pháp ngăn cấm trong quá khứ, không chỉ gây ra thương tổn và tước đoạt nhiều quyền lợi của nhân dân Cu-ba, cản trở nền kinh tế của đảo quốc này phát triển bình thường, mà còn ảnh hưởng tới chủ quyền và quyền lợi của nhiều nước khác, thậm chí ngay cả quyền lợi của công dân Mỹ. Chính sách mới của Tổng thống Đô-nan Trăm chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế Mỹ, phá vỡ nhiều triển vọng hợp tác giữa hai quốc gia láng giềng vốn chỉ cách nhau 150km đường biển. Trước mắt, về mặt kinh tế, những biện pháp siết chặt này đặt ra những rào cản mới cho những cơ hội vốn đã rất hạn chế của giới doanh nghiệp Mỹ muốn có quan hệ thương mại với Cu-ba. Trong khi đó, việc chỉ cho phép tiến hành các chuyến đi thăm thân cản trở quyền đi lại của công dân Mỹ tới Cu-ba, đồng thời gây thiệt hại không nhỏ cho ngành du lịch đang khai thác tối đa tiềm năng ở đảo quốc Ca-ri-bê của Mỹ. Đó là còn chưa kể tới quyết định của Tổng thống Đô-nan Trăm được cho là đi ngược lại sự ủng hộ của đại đa số dư luận Mỹ, kể cả cộng đồng kiều dân Cu-ba tại Mỹ đối với việc dỡ bỏ cấm vận chống “hòn đảo tự do”.

Điều đó giải thích vì sao, không chỉ các nghị sĩ của Đảng Dân chủ mà các nghị sĩ Đảng Cộng hòa cũng đang hối thúc Tổng thống Đô-nan Trăm thay đổi quyết định trên. Thậm chí ngay cả các hãng hàng không và các công ty du lịch của Mỹ cũng bày tỏ sự không đồng tình đối với việc áp đặt lại các quy định mới về Cu-ba, vốn bị xem là "chính sách tồi" và không có lợi cho các doanh nghiệp Mỹ. Tất nhiên, chính sách mới này cũng ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới.

Chung sống hòa bình để hợp tác và phát triển từ lâu đã trở thành một quy luật không thể đảo ngược trong quan hệ giữa các quốc gia trong thế giới ngày nay. Chính bởi vậy, ngay cả các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tích cực thúc đẩy mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại với Cu-ba. Con số 191/193 thành viên Liên hợp quốc nhất trí ủng hộ việc dỡ bỏ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cu-ba đã cho thấy đây là một chính sách lỗi thời của chính quyền Oa-sinh-tơn.

Đảo ngược lại tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cu-ba đồng nghĩa với việc Mỹ đi ngược lại xu thế phát triển chung của thế giới. Nhìn dưới góc độ nào, mọi bước đi nhằm quay trở lại với chính sách cô lập Cu-ba, mà sự thất bại đã được chứng minh trong quá khứ, đều sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường. Mỹ chắc chắn sẽ mất nhiều hơn được!

THƯ ANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/loi-it-hai-nhieu-510237