Lời kêu cứu 'khẩn thiết' của lao động Việt từ Ả Rập Xê Út

Một ngày làm việc khoảng 15 tiếng; chỉ ăn được một bữa; ngủ dưới gầm cầu thang; bị lạm dụng tình dục và ngược đãi… đó là những thông tin hết sức sốc mà chúng tôi nhận được từ đơn kêu cứu của những gia đình có người thân đang làm “giúp việc nhà” tại Ả Rập Xê Út.

Hiện tại, những gia đình có người thân cầu cứu từ Ả Rập Xê Út đã gửi đơn kêu cứu trực tiếp đến Bộ LĐ,TB&XH – Cục Quản lý Lao động Ngoài nước… (Ảnh – Chính Kỳ)

Những gia đình ngồi trên đống lửa

Liên quan đến vấn đề lao động Việt kêu cứu từ Ả Rập Xê Út, cách đây vài ngày, một số cơ quan báo chí đã lên tiếng phản ánh. Và chính Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) Đào Ngọc Dung sau khi nắm bắt thông tin, cũng đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan trực thuộc lập tức vào cuộc.

Mới đây, báo NB&CL đã tiếp nhận 3 đơn thư kêu cứu khẩn thiết khác cũng liên quan đến vấn đề trên. Đặc biệt, sau khi phóng viên xác minh và liên lạc được với những đối tượng đang cầu cứu từ Ả Rập Xê Út thì mới biết còn rất nhiều trường hợp kêu cứu khác của lao động Việt tại đây nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được.

Trao đổi với một trường hợp có chị ruột đang liên tục nhắn tin cầu cứu em trai, anh Trương Văn Bông (quê ở Thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) kể với phóng viên: “Chị tôi qua bên đó (Ả rập Xê út) được gần 3 tháng, nhưng hơn tháng nay chị tôi là Trương Thị Huệ (sinh năm 1971) liên tục nhắn tin, gọi điện cầu cứu tôi, nói tôi làm cách nào đó phải đưa chị về lại Việt Nam cho bằng được chứ chị không thể chịu đựng được nữa rồi. Bởi theo hợp đồng ký kết, một ngày chỉ làm việc không quá 12 giờ/ngày và thời gian nghỉ ngơi không ít hơn 8 giờ liên tục/ngày. Thế nhưng chị Huệ kể, một ngày làm việc tới hơn 15 tiếng, từ sáng sớm đến tận khuya mới được nghỉ, đã vậy một ngày họ cho ăn chỉ có một lần. Tay chị do tiếp xúc nhiều với hóa chất tẩy rửa nên bị thương nhưng chủ nhà vẫn bắt làm việc nếu không sẽ bị đánh đập, nhiều lúc chị còn bị chủ nhà lạm dụng tình dục nữa. Mỗi khi đêm về chị phải ngủ dưới gầm cầu thang vì họ không cho người làm công phòng riêng để ngủ, vì vậy khi trời lạnh chỉ biết bận nhiều áo quần vào thì mới chịu được”.

Anh Bông nói thêm: “Mỗi lần chị tôi phản ánh với chủ và không chịu làm việc thì liền bị trả ngược trở lại trung tâm môi giới. Tại đây mọi người sẽ đợi chủ lao động mới tới nhận về làm, nếu ai không chịu đi thì sẽ bị người của bên môi giới lấy roi bằng dây cáp đánh. Chị tôi cũng bị họ đánh rồi nên sợ lắm. Hiện tại tinh thần của chị tôi rất hoảng sợ”.

Cũng theo anh Bông, sau khi nhận thông tin từ chị, anh đã nhiều lần liên hệ với phía Công ty CP Du lịch và Dịch vụ Quốc tế Tân Hoàng Minh (có trụ sở đặt tại 118 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) do ông Hoàng Nhật Cường làm giám đốc – nơi đưa chị tôi đi xuất khẩu lao động nhằm tìm cách đưa chị về nhưng ông Cường chỉ trả lời rằng: “Nếu chị của anh không làm được chỗ đó thì đợi đổi chỗ khác thôi”. “Vì vậy, thấy không ổn nên tôi chỉ biết tìm cách liên lạc đến báo chí mong nhờ các anh lên tiếng để cứu chị tôi”- anh Bông nói.

Trao đổi thêm về những nghi vấn trong bản hợp đồng đưa người đi lao động tại Ả Rập Xê Út mà gia đình còn giữ được, anh Bông thắc mắc: “Không hiểu sao từ đầu tới cuối khi tuyển người đi lao động tại Ả Rập tất cả đều do công ty Tân Hoàng Minh tuyển, khám sức khỏe, làm thủ tục, đào tạo và đưa đi. Nhưng trong bản hợp đồng thì lại để là Công ty CP Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt (có trụ sở tại số 36 – BT8, Khu đô thị mới Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP. Hà Nội). Đặc biệt, trong bản hợp đồng không có số, cũng không có chữ ký và đóng dấu của bên công ty Nam Việt mà chỉ có chữ ký và lăn tay của chị tôi thôi”. Vừa rồi, tôi đã gọi điện cho ông Lê Hồng Việt, giám đốc công ty này để phản ánh những vấn đề của chị tôi thì được ông Việt hứa hẹn sẽ làm việc lại với phía chủ lao động tại Ả Rập Xê Út để cho chị tôi về sớm” – anh Bông kể trong lo lắng.

Một Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Ả Rập Xê Út của Công ty Nam Việt nhưng không có số, không có chữ ký, đóng dấu của công ty (Ảnh – Chính Kỳ)

Tiếp xúc với một trường hợp khác có mẹ gọi điện về cầu cứu con gái, chị Ngô Thị Ngọc Dung (ấp Hải Lộc, Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà rịa Vũng Tàu) cho biết: Mẹ chị là Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1971) được tuyển đi lao động tại Ả Rập Xê Út vào đầu tháng 1 năm 2017. Nhưng chỉ một tháng sau là đã gọi điện về cho em nói là mẹ bị chủ lao động đánh đập, không cho ăn còn lấy điện thoại của mẹ không cho liên lạc về Việt Nam. Sau đó mẹ bị chủ lao động trả lại cho bên trung tâm môi giới. Ở đó một ngày họ chỉ cho ăn một lần mà ăn cơm với muối nữa, có ngày thì cho ăn mì tôm. Mẹ nói, ở đó họ bắt nhốt lại không cho đi đâu hết”.

Chị Dung kể tiếp: “May mà khi bị nhốt ở trung tâm môi giới có mấy người bị nhốt cùng giấu được điện thoại nên mới mượn gọi về nhà để cầu cứu. Nhưng mấy ngày nay em không còn thấy mẹ gọi về nhà nữa. Em cũng có gọi lại nhưng không liên lạc được, em lo lắm. Hiện tại em đã gọi điện cho bên công ty môi giới Nam Việt gì đó để xin đưa mẹ em về Việt Nam nhưng họ nói phải có 60 triệu mới đưa về, số tiền này lớn quá gia đình em không có khả năng lo được”.

Giống với hai trường hợp trên, chị Trịnh Thị Huyền Trang (ngụ tại phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) cũng có mẹ đang làm việc tại Ả Rập Xê Út gọi điện thoại về cầu cứu gia đình hầu mong được trở về Việt Nam. Chị Trang kể: “Mẹ tôi là Đào Thị Hải Kim (sinh năm 1972), mẹ được công ty Tân Hoàng Minh (địa chỉ tại 118 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM) đưa đi xuất khẩu sang Ả Rập Xê Út vào ngày 09/01/2017. Theo hợp đồng lao động thì một ngày làm việc khoảng 8 đến 9 giờ, nhưng thực tế mẹ tôi gọi điện về báo là phải làm từ 4 – 5 giờ sáng đến tận 10 giờ đêm, có khi đến 12 giờ đêm mới được nghỉ. Làm nhiều như vậy nhưng họ chỉ cho ăn được một bữa thôi. Lúc vừa mới sang Ả Rập, sau khi được chủ nhà đón thì liền bị tịch thu điện thoại, hằng ngày sau giờ làm việc mẹ mới được chủ trả điện thoại để nói chuyện 5 phút. Qua bên đó, do tay mẹ thường tiếp xúc với hóa chất tẩy rửa nên bị thương nhưng chủ nhà vẫn bắt làm việc không cho nghỉ ngơi; nếu không, sẽ bị đánh. Hiện tại ngày nào mẹ cũng nhắn tin, gọi điện khóc lóc cầu cứu đòi về Việt Nam cho bằng được chứ không mẹ sẽ tự tử mất”.

Cũng theo chị Trang: Sau khi nhận thông tin cầu cứu từ mẹ, chị đã liên lạc với giám đốc công ty Tân Hoàng Minh là ông Hoàng Nhật Cường nhưng thấy ông ấy rất dửng dưng. “Khi chúng tôi qua làm việc tại công ty thì nhân viên bên đó nói phải có 79 triệu để bồi thường hợp đồng. Tôi nghĩ, họ đem con bỏ chợ, không có hướng bảo vệ người lao động khi bị vi phạm hợp đồng và bị đánh đập mà ngược lại còn đi đòi tiền bồi thường là hoàn toàn vô lý” – chị Trang nói.

Cung cấp thêm cho PV, chị Trang cũng nêu thắt mắc: Không hiểu sao lúc đầu tuyển mẹ tôi đi lao động là do công ty Tân Hoàng Minh, nhưng sau này trong hợp đồng ký lại để là công ty Nam Việt có trụ sở đặt tại Hà Nội. Tôi cũng đã gọi trực tiếp cho ông Việt giám đốc công ty này để trình bày về trường hợp của mẹ thì được ông Việt hứa hẹn sẽ làm việc lại và cho mẹ tôi về sớm” – chị Trang nói.

Sau khi chị Trịnh Thị Huyền Trang gửi đơn cầu cứu đến Bộ LĐ,TB&XH, ngay lập tức VP Đại diện của Bộ đã có phúc đáp và cho biết đã chuyển đơn của chị Trang sang Thanh tra Bộ để tiếp tục xử lý. (Ảnh – Chính Kỳ)

Từ Ả Rập Xê Út – người lao động gọi điện “cầu cứu” phóng viên

Sau khi nắm bắt thông tin phản ánh hết sức nóng bởi những gia đình có người thân đang cầu cứu từ Ả Rập Xê Út, ngay lập tức phóng viên đã tìm cách liên lạc với các đối tượng này.

Sau nhiều lần gọi điện, để lại tin nhắn, nhưng có lẽ vì khác múi giờ và giờ giấc lao động làm việc thất thường nên phóng viên vẫn chưa thể liên lạc được.

Tuy nhiên, chỉ sau một ngày để lại tin nhắn, những người lao động tại Ả Rập Xê Út đã chủ động gọi về Việt Nam cho phóng viên (PV) lúc 0 giờ, có lúc đến 1 – 2 giờ sáng.

Xác nhận với PV về những đơn thư phản ánh của người thân tại Việt Nam, các chị Nguyễn Thị Sáng, Trương Thị Huệ, Đào Thị Hải Kim đều khẳng định những đơn thư đó hoàn toàn chính xác và đúng với thực tế.

Chị Hải Kim nói trong tiếng khóc nghẹn: “Anh ơi cứu em về đi, bên này làm cực khổ lắm, 4- 5 giờ sáng làm đến 10 giờ tối, làm suốt làm suốt không được nghỉ ngơi…, em mà nói chủ xấu, chủ nó đưa ra lại mô giới thì tụi nó đánh em chết anh ơi…, bên này em khóc riết mà mờ cả mắt anh ơi…”. Vì sợ chủ biết gọi điện, nên đa phần các cuộc gọi điện của chị Kim cho PV đều rất ngắn chỉ vỏn vẹn 1 đến 2 phút là phải tắt máy.

Cung cấp cho PV về tình hình của mình, chị Trương Thị Huệ cho biết: “Hiện tại chị phải cố gắng làm việc dù tay chân bị nứt nẻ chảy máu cũng ráng làm chứ không để cho bị chủ trả về bên môi giới, vì về đó nó đánh chết, chị sợ đánh lắm… Đã vậy, ở đây ông chủ ngày nào cũng sàm sở hết em ơi, chị sợ quá không biết làm sao hết, thôi em cố gắng giúp chị cứu chị với em ơi…”.

Cũng trong tình trạng lo lắng sợ sệt, chị Nguyễn Thị Sáng khóc lóc cầu cứu PV giúp đỡ. Hiện tại theo chị Sáng, chị đã bị giữ lại tại nhà chờ môi giới gần hai tháng nay, vì chị yếu ớt nên không có ai nhận chị về làm, dù vậy bên môi giới cũng không cho chị về lại Việt Nam vì muốn về thì phải nộp tiền cho họ mới được về, nhưng vì gia đình nghèo nên tiền đâu mà nộp – chị Sáng nói.

Trong khi trò chuyện với chị Sáng, PV cũng đã tiếp cận được với chị Nguyễn Thị Thanh (sinh ngày 16/4/1976, quê xóm 4, Nam Trung, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Chị Thanh nói làm sao cứu chị về với chứ họ bắt ở bên trung tâm môi giới tới khi nào có tiền nộp vào họ mới cho về em ơi – chị Thanh nói trong tiếng nghẹn.

Cũng theo các đối tượng cầu cứu, hiện tại bên Ả Rập Xê Út có rất nhiều người cùng đi một lượt với họ và cũng đang cầu cứu nhưng vì bị bên môi giới hoặc giới chủ lao động lấy điện thoại nên chưa thể liên lạc được.

Cam kết sẽ làm thủ tục cho người lao động về nước sớm!

Trước hàng loạt thông tin cầu cứu khẩn thiết từ gia đình và từ những người lao động Việt tại Ả Rập Xê Út, phóng viên đã liên lạc và trực tiếp đến công ty Tân Hoàng Minh để làm rõ vấn đề. Tuy nhiên sau khi hẹn làm việc với phóng viên tại trụ sở, ông Hoàng Nhật Cường, giám đốc công ty Tân Hoàng Minh đã không có mặt. Khi PV gọi lại thì ông này tiếp tục hẹn, nói sẽ gọi lại và có cuộc làm việc sau với PV vì ông đang bận công tác ở Hà Nội.

Ông Cường cho biết thêm, công ty Tân Hoàng Minh không có liên quan gì với công ty Nam Việt và Tân Hoàng Minh cũng không có làm gì liên quan tới xuất khẩu lao động, có gì cứ liên hệ bên công ty Nam Việt…

Làm việc tại cơ quan của Báo NB&CL, ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty CP Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt hứa sẽ làm thủ tục để đưa người lao động về nước sớm (Ảnh – Chính Kỳ)

Trao đổi trực tiếp với PV về các thông tin trên, ông Lê Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt xác nhận những nhân vật có tên trong đơn cầu cứu đều do Công ty Nam Việt ký hợp đồng lao động. “Trước mắt, qua phản ánh của báo NB&CL, chúng tôi sẽ nhanh chóng liên lạc với phía chủ lao động tại Ả Rập Xê Út, đồng thời làm các thủ tục còn lại để sớm đưa những người này về nước theo nguyện vọng, chậm nhất là 10 ngày trở lại” – ông Việt khẳng định.

Chính Kỳ

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/loi-keu-cuu-khan-thiet-cua-lao-dong-viet-tu-a-rap-xe-ut/