"Lói" ngọng thì không là người Thủ đô!

"Nói ngọng, nhầm lẫn 'l' và 'n' sẽ không được gọi là người Thủ đô". Đó là ý kiến đánh giá của PGS,TS nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái khi trao đổi với PV báo điện tử Infonet về vấn đề này.

PV: Có nhiều ý kiến trái chiều về kế hoạch “chữa ngọng” của Sở GD&ĐT Hà Nội, có người nói do văn hóa mỗi nơi khác nhau, có ý kiến lại cho rằng đó là do thói quen? Là một người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa và “làm việc với con chữ” ý kiến của bà như thế nào ạ?

PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái: Tôi thấy tồn tại tình trạng nói ngọng, ngọng líu, ngọng lô đã quá lâu rồi, đến giờ mói nghĩ đến chuyện sửa là quá muộn. Nhưng muộn vẫn còn hơn không, bởi sẽ là rất phản văn hóa nếu như tự nhận mình là người Thủ đô mà nói ngọng, nhầm lẫn giữa “l” và “n” là điều không thể chấp nhận được.

Vẫn biết hàng bao đời nay ở những huyện ngoại thành Hà Nội và Hà Nội mở rộng vẫn tồn tại tình trạng này, nhưng với xu thế chung hiện nay, với sự hội nhập về văn hóa thì phải sửa cách nói này. Trên thực tế để “ chữa ngọng” rất khó, bởi những nhóm người giao tiếp với nhau đều cùng nói như thế. Vì vậy, có thể những người lớn tuổi thì thôi, nhưng đặc biệt lớp thế hệ trẻ, những người làm chủ xã hội trong tương lai thì phải cố gắng để sửa.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Tôi đã từng gặp nhiều người nói ngọng, và thú thực, tôi không có cảm tình lắm với những người phát âm không chuẩn, nghe rất phản văn hóa và lố bịch.

Việc “chữa ngọng” đối với các bạn trẻ là cách để các bạn tiếp cận được với những cơ hội nghề nghiệp, bởi chẳng có đài Phát thanh hay truyền hình nào tuyển dụng những bạn nói ngọng vào làm việc. Sẽ là hạn chế nếu học tiếng Anh hay làm ở những cơ quan, đơn vị truyền thông chẳng hạn, giao tiếp với nhiều người mà giữ cách nói ngọng thì sẽ gây khó chịu đối với người nghe. Tự mỗi cá nhân cần nhận thức “chữa ngọng”, nếu quy đổi nói ngọng thành tiền, mỗi lần nói ngọng, phát âm sai mà bị phạt tiền thì tôi nghĩ chắc các bạn sẽ quyết tâm sửa được cách nói không gây thiện cảm này.

PV: Cần làm gì để trẻ ngay từ nhỏ đã không mắc phải những lỗi về nói ngọng? Cần sàng lọc những giáo viên làm công tác giáo dục để sửa cho các em?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Những em học sinh cấp 1, 2, 3 cần phải được rèn luyện ngay từ nhà trường, tôi hoàn toàn ủng hộ việc Sở GD & ĐT đưa ra đề xuất không tuyển giáo viên nói ngọng dạy học, những thày, cô giáo chính là chiếc gương để các em học sinh học tập và noi theo.

Nếu những giáo viên trẻ này nói ngọng sẽ ảnh hưởng đến số đông học sinh, sau này sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Những bạn trẻ đam mê và muốn gắn bó với nghề dạy học thì càng cần quyết tâm nhiều hơn để chữa ngọng. Có như vây, các bạn mới có cơ hội gắn bó với công việc mà mình theo đuổi.

PV: Có bạn nêu ý kiến rằng nói ngọng nhưng khi viết, các bạn ấy vẫn viết đúng. Nhận xét của bà như thế nào ạ?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Nói như thế là cãi chày, cãi cối. Ngoài việc viết đúng chính tả thì khi giao tiếp với mọi người cũng cần nói và phát âm sao cho chuẩn, cho đúng. Đó cũng chính là thể hiện sự tôn trọng đối với người đối người nghe.

PV: Lời khuyên của bà về cách “chữa ngọng” này?

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Những nhà triết học cổ đại luôn phải thuyết trình, hùng biện trước quảng trường, trước đám đông hàng nghìn người. Không phải nhà triết học nào cũng có khả năng nói được như vậy. Những tật như: nói ngọng, nói lắp, nói lí nhí đều phải sửa, thời đó, những nhà triết học phải ra biển, tự nói, tự gào thét một mình để sửa được những lỗi mà mình mắc phải.

Lời khuyên ở đây dành cho các bạn trẻ là gì, hãy quyết tâm, tự mình sửa những lỗi trong văn hóa nói, có như vậy các bạn mới thực sự thành công ở mỗi lĩnh vực mà các bạn đang theo lựa chọn và theo đuổi.

Xin cám ơn PGS.TS !

Nguyễn Quỳnh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/Detail.aspx?ArticleID=2746