“Lời nguyền” đã ở phía sau?

Sau tám năm bất thành, cuối cùng đầu tháng 7-2016 VN-Index cũng bứt phá qua “lời nguyền” 640 điểm. Sự vui mừng tuy không ồn ào, nhưng được thể hiện rõ trên gương mặt của những lãnh đạo Hose, Hnx, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và nhất là giới đầu tư cũng như các công ty môi giới.

Có thể VN-Index sẽ còn dao động quanh mốc 640 điểm vài phiên, thậm chí vài tuần để kiểm nghiệm dòng tiền, mà cái chính là kiểm nghiệm tâm lý nhà đầu tư liệu niềm tin đã thật sự quay trở lại. Ảnh TL

Có thể VN-Index sẽ còn dao động quanh mốc 640 điểm vài phiên, thậm chí vài tuần để kiểm nghiệm dòng tiền, mà cái chính là kiểm nghiệm tâm lý nhà đầu tư liệu niềm tin đã thật sự quay trở lại. Tuy nhiên xu thế rõ ràng là khó đảo ngược, bất chấp áp lực chốt lời cao và ngày càng cao khi chỉ số “nhảy” qua vùng 650 điểm. Điều đáng nói nhất là dòng tiền nội đang tập trung vào những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có triển vọng tăng trưởng ổn định trong dài hạn, trong khi khối ngoại tiếp tục bơm vốn vào các blue-chips. Khi mà MSN, VIC, HPG và một số mã khác bị một số quỹ đóng chốt lời do đến thời điểm đóng quỹ, thì vốn ngoại mới vẫn len lỏi vào cổ phiếu ngân hàng - bảo hiểm như VCB, BID, CTG, BVH và nhóm dầu khí.

Tháng 6-2016 cũng là tháng ghi nhận các tổ chức, cá nhân nước ngoài được cấp mã số giao dịch nhiều. Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho biết riêng trong tháng này 34 tổ chức và 95 cá nhân ngoại được cấp mã số giao dịch. 34 tổ chức vào thị trường trong một tháng là một sự cải thiện không thể bỏ qua, nâng tổng số tổ chức được cấp mã số giao dịch ở Việt Nam lên 2.974 đơn vị.

Theo thông tin từ một số nhà môi giới lớn trên thị trường, các quỹ nhỏ vào Việt Nam gần đây tăng lên tương đối khá, nhưng do quy mô nhỏ, họ không khuếch trương tên tuổi. Các quỹ này phần lớn do một vài cá nhân chung tay lại và họ tỏ ra năng động, lướt sóng không thua nhà đầu tư trong nước. Một môi giới nhận xét các quỹ ngoại nhỏ bám rất sát diễn biến thị trường và họ giải ngân không ít tiền vào các cổ phiếu cơ bản tầm trung.

Ở chuyển động phía sau thị trường, cuối tháng 6 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chính thức quyết định đặt trụ sở của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam tại TPHCM. Việc tập hợp các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, thanh khoản cao, dẫn đầu ngành nghề vào một bảng và hình thành nên bộ chỉ số chung chỉ còn là vấn đề thời gian. VN30 sẽ có những thay đổi. Giờ đây thị trường sẽ được chứng kiến cuộc chạy đua của các công ty niêm yết để được vào rổ VN30.

Các nguồn tin hành lang cho thấy sẽ có những cuộc sáp nhập (M&A) tầm cỡ diễn ra trong vòng ba tháng tới giữa các công ty niêm yết cùng ngành nghề với số vốn điều lệ lên tới vài ngàn tỉ đồng/doanh nghiệp. M&A sẽ hình thành nên những tập đoàn tư nhân quy mô vốn chủ sở hữu lớn, có thị phần chi phối trong lĩnh vực của mình và đặc biệt mở room ở mức tối đa 100% cho nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà một số tổ chức đầu tư ngoại chưa từng bỏ vốn vào Việt Nam đang tiến hành những cuộc khảo sát kỹ lưỡng các đối tác Việt tiềm năng mà họ quan tâm.

Sự phân hóa cổ phiếu đã diễn ra và sẽ còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Những công ty không có lợi nhuận hoặc hiệu quả kinh doanh thấp, lời lãi vài tỉ đồng hay hòa vốn sẽ không đón nhận được dòng tiền ghé chân lưu trú. Những doanh nghiệp bất động sản với số nợ vay hàng ngàn tỉ đồng cũng sẽ bị dòng tiền từ chối. Khi mà tiền thật của nhà đầu tư đang quyện chặt với giá trị hơn 1 tỉ đô la Mỹ cho vay ký quỹ (margin) từ các công ty chứng khoán, những cổ phiếu thanh khoản yếu do khối lượng cổ phiếu có thể giao dịch thấp, sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Một sự quan sát kỹ chỉ ra thanh khoản của các cổ phiếu MidCap đang được cải thiện rõ rệt từ đầu năm nay. Nên nhớ lọt vào được rổ VN30, thì con đường để được lựa chọn vào danh mục của các quỹ ETFs sẽ trở nên rộng mở.

Trong khi VN-Index đã “thức giấc”, trên thị trường vẫn còn vô số những cổ phiếu tiềm năng chưa bao giờ tăng giá kể từ khi chào sàn. Thị giá cổ phiếu của “ông lớn” Cảng Sài Gòn (SGP-UpCom) với các cổ đông chiến lược là VPBank và VietinBank cùng mối “giao duyên” với Vingroup, đang ở mức thấp chưa từng có, thấp hơn gần 20% so với giá đấu giá thành công IPO. Hoặc một số tổng công ty mới đăng ký giao dịch gần đây có sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt hơn hẳn khi chưa cổ phần hóa như Viglacera đã không được chú ý.

Thay vào đó, đã manh nha hình thái mới của “đội lái” khi mà một vài công ty chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản, bỏ tiền mua cổ phần của những công ty vật liệu xây dựng, rồi gắn tên mình vào đó để tạo nên những liên minh của một doanh nghiệp “đẹp”. Những “đôi đũa lệch” như vậy lâu ngày rồi cũng lộ rõ bản chất, nhưng chúng đang làm méo mó hình ảnh của các cuộc M&A thật sự mà thị trường đánh giá cao và chờ đợi.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/148563/loi-nguyen-da-o-phia-sau.html/