Lợi nhuận Vinamilk tiếp tục tăng mạnh

Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 1/2017 tăng 35,77% so với cùng kỳ năm trước là do tổng doanh thu tăng 16,06% nhưng chi phí bán hàng được thực hiện có hiệu quả.

Thông tin từ Vinamilk còn cho biết, tỷ trọng và cơ cấu các nhóm sản phẩm bán ra tiếp tục có sự thay đổi, theo hướng tập trung vào các nhóm ngành hàng có giá trị gia tăng cao, hiệu quả hơn.

Với trang trại bò sữa tiêu chuẩn organic châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, Vinamilk đã tiên phong dẫn đầu xu hướng organic nhằm mang đến những sản phẩm organic cao cấp giàu dinh dưỡng từ thiên nhiên tốt cho sức khỏe.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017 của Vinamilk cho biết, doanh thu đạt 12.074 tỷ đồng, tăng trưởng 16,06% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu doanh thu quý 1/2017 so với quý 4/2016 tăng 2,04%.

Mặc dù doanh thu trong quý 1/2017 tăng 16,06% so với cùng kỳ nhưng chi phí bán hàng lại giảm 2%. Nếu so với quý liền kề, chi phí bán hàng còn giảm mạnh tới 27,9%. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế đạt 3.476 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.935 tỷ đồng, tăng 35,77% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 2.935 tỷ đồng, tăng 36,07% so với cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu của Vinamilk ngay trong quý đã đạt 1.799 đồng.

Với doanh thu đạt 12.074 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.935 tỷ đồng, Vinamilk 23,7% và 30,1% kế hoạch năm 2017.

Hiện nay, vốn điều lệ của Vinamilk đạt 14.515 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 25.019 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 7.878 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 31.069 tỷ đồng.

Vinamilk là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết có nguồn tiền dồi dào. Tại ngày 31/3, tiền và các khoản tương đương tiền trị giá 2.217 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn trị giá 9.577 tỷ đồng.

Nhờ nguồn tiền dồi dào nên Vinamilk đầu tư 490 tỷ đồng (300 tỷ đồng ngắn hạn và 190 tỷ đồng dài hạn) vào trái phiếu do Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) phát hành. Các trái phiếu này không được đảm bảo, lãi suất từ 8,1-8,4%/năm và có thể thu được lần lượt trong tháng 6 năm nay và tháng 9/2018.

Nhờ nguồn tiền gửi ngân hàng và sở hữu trái phiếu nên trong quý Vinamilk đã có 176 tỷ đồng lãi tiền gửi và 10 tỷ đồng lãi trái phiếu.

Doanh nghiệp sữa hàng đầu cũng là doanh nghiệp sử dụng vốn vay ít khi chỉ cón 174 tỷ đồng vay ngắn hạn và 327 tỷ đồng vay dài hạn.

Công ty đang có khoản đầu tư 442 tỷ đồng mệnh giá tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt và đã ký một thỏa thuận mua bán cổ phiếu để chuyển phần góp vốn này.

Hội đồng quản trị Vinamilk nhiệm kỳ 2017-2021

Mới đây, Vinamilk đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. Điểm nổi bật của đại hội là đánh giá hoạt động của của kế hoạch 5 năm 2011-2016 và định hướng 5 năm 2017-2021.

Định hướng 5 năm 2017-2021, Vinamilk sẽ giành thế dẫn đầu áp đảo ở tất cả các ngành sữa, trở thành công ty sữa tạo ra giá trị gia tăng nhiều nhất tại Đông Nam Á. Công ty đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu 10%/năm và đến năm 2021 sẽ đạt 80.000 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu trong nước chiếm 75% (61.000 tỷ đồng), doanh thu tại thị trường nước ngoài chiếm 25% (19.000 tỷ đồng).

Để thực hiện kế hoạch trên, Vinamilk sẽ đầu tư 17.000 tỷ đồng vào tài sản cố định, công suất sản xuất bình quân tăng lên 2,8 triệu tấn/năm vào năm 2021. Tổng số lượng đàn bò tại các trang trại của công ty đạt 44.400 con với lượng sữa 157.000 tấn. Ngoài ra, Vinamilk còn thu mua từ các hộ nông dân 251.000 tấn sữa.

Đại hội đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2017-2021 9 thành viên: bà Lê Thị Băng Tăm, bà Mai Kiều Liên, ông Lee Meng Tat, ông Nguyễn Hồng Hiển, bà Đặng Thị Thu Hà, ông Lê Thành Liêm, ông Michael Chye Hin Fah, ông Nguyễn Bá Dương và ông Đỗ Lê Hùng. Trong đó, bà Lê Thị Băng Tâm giữ chức Chủ tịch HĐQT. Vinamilk là công ty đầu tiên thay đổi cơ cấu quản trị từ mô hình Ban Kiểm soát sang mô hình Tiểu ban Kiểm toán (Ban Kiểm toán nội bộ trực thuộc HĐQT) nên từ nay trở đi, chức danh Ban Kiểm soát sẽ không còn tồn tại ở công ty.

Như Nguyễn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/loi-nhuan-vinamilk-tiep-tuc-tang-manh-d57496.html