Lớn lên từ bữa cơm gia đình

Trong thời buổi nhịp sống công nghiệp bận rộn, nhiều người mải mê kiếm sống, học hành... mà bỏ bê bữa cơm sum họp gia đình. Họa hoằn mới có một bữa cơm chiều ăn chung ở nhà, còn bữa trưa thì “xóa sổ” hẳn.

Minh họa: DAD

Mẹ đi làm lệch giờ con đi học, bố đi “ngoại giao” về thì con đã lên giường ngủ, sáng mai con ngủ dậy thì bố mẹ đã ra khỏi nhà… nên quanh năm ít khi vợ chồng, bố mẹ con cái gặp mặt nhau, cũng vì vậy mà tình cảm gia đình thờ ơ, nhạt nhẽo, mai một dần.

Nếu như trong một năm có ngày tết cổ truyền là dịp sum họp, đoàn tụ, nhớ về nguồn cội nhất thì trong một ngày, có thể nói bữa cơm là khoảng thời gian sum vầy, gần gũi, ấm áp nhất giữa các thành viên trong gia đình. Lúc này mới đầy đủ ông bà, bố mẹ, con cháu quây quần quanh mâm cơm, ông bà hỏi con cháu tình hình làm việc, học hành trong một ngày như thế nào, con cái tâm sự với bố mẹ những thuận lợi, khó khăn trong một ngày làm việc, học tập với các mối quan hệ ngoài xã hội, từ đó những bậc cao niên, bậc sinh thành biến những kinh nghiệm và kiến thức đã trải qua trong đời thành những lời khuyên nhủ thấu tình đạt lý cho lớp hậu sinh.

Gia đình tôi bao nhiêu năm nay, bố tôi quy định, dù ai bận rộn thế nào vẫn phải duy trì hai bữa cơm trong ngày là bữa trưa và bữa tối. Bố tôi bảo: “Cả ngày ở ngoài xã hội, chỉ có hai bữa cơm là dịp tốt nhất để cả gia đình sum họp, quan tâm, hỏi han tình hình công việc, học hành... của nhau. Dù cả ngày có bận rộn thế nào thì cũng phải cố gắng có mặt”. Cũng từ những bữa cơm đầm ấm tình cảm gia đình như vậy mà từ nhỏ tôi đã được bố mẹ dạy dỗ những điều hay lẽ phải trong cuộc sống. Từ những việc nên hay không nên trong giao tiếp, cư xử cho đến việc nhận thức đúng đắn lẽ sống ở đời. Từ những ứng xử đơn giản thông thường cho đến những nguyên tắc trong đối nhân xử thế.

Ngay trong bữa cơm gia đình, tôi được dạy những điều thiết thực nhất: nào là “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, trước khi dùng cơm phải có lời mời những người đang có mặt ở đó xơi cơm, khi dùng xong, cũng có lời xin phép rời mâm, mời mọi người tiếp tục dùng cơm; nói rộng ra hơn là thái độ lễ phép, tôn trọng nhau trong giao tiếp xã hội. Nào là “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, là người chị cả trong bữa cơm phải dọn mâm đầy đủ chu đáo ra làm sao? Ngồi đầu nồi phải quan sát như thế nào? Phải chăm sóc người trên, nhường nhịn người dưới... Nào là “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, khi ăn uống phải nhai nhẹ nhàng, điềm đạm, khép miệng, tránh phát ra tiếng; khi gắp thức ăn không nên gắp kẹp mấy miếng một lúc; chấm rau vào bát nước chấm cẩn thận tránh để nhỏ nước chấm ra ngoài; không khuấy tung đĩa thức ăn chung lên...

Cũng từ những món ăn, gia vị trong bữa cơm gia đình như thế, tôi đã được bố dạy về những “mặn - ngọt - đắng - cay” của cuộc đời thế thái nhân sinh. Bố tôi dạy rằng: Mọi gia vị đều là “thuốc” chữa bệnh. Thuở xưa, các cụ làm gì có thuốc tây như bây giờ, mọi bệnh tật đều được chữa bằng đông y. Ngay cả thời nay, chữa bệnh bằng phương pháp đông y vẫn được coi trọng. Chẳng hạn như muối (vị mặn) có thể dùng để phòng ngừa hoặc chữa được một số bệnh như: viêm họng, đau mắt, sát trùng vết thương nhẹ... Hay như mật ong (vị ngọt) cũng dùng để chữa đau họng, ngừa ho; buồn nôn, chóng mặt khi say tàu, xe... Gừng (vị cay) có lợi cho tiêu hóa, chữa đầy bụng, cảm lạnh, hạ đường huyết... Nghệ đen (vị đắng) trị chứng trào ngược dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa...

Tôi cảm ơn những bữa cơm gia đình đầm ấm và hữu ích như thế! Cảm ơn bố mẹ đã dạy dỗ con lẽ sống ở đời bằng cách rất giản dị qua những bữa cơm sum họp đầm ấm tình cảm gia đình!

Bùi Thúy Hạnh

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140304/lon-len-tu-bua-com-gia-dinh.aspx