Lộn xộn chợ đêm Đồng Xuân

Nước hoa đồng loạt 80 ngàn đồng. Giày, quần áo, ví… tất cả đều đại hạ giá. Tiếng nhạc dân tộc réo rắt vang lên từ sân khấu ở góc cổng chính của chợ không át nổi tiếng loa xập xình từ 1 hiệu chụp ảnh Hàn Quốc gần đó...

Một nét văn hóa đẹp nhưng hiếm ở chợ đêm: Hát xẩm. Từ năm 2003, Chợ đêm Đồng Xuân nối liền với tuyến phố đi bộ Hàng Ngang hàng Đào đã được xây dựng và đi vào hoạt động, với mong muốn trở thành một địa chỉ du lịch thu hút du khách trong, ngoài nước. Một ý tưởng lớn và đẹp nếu được hiện thực hóa, thế nhưng sau vài năm hoạt động thì kết quả lại không được như ý muốn. Dạo một vòng quanh tuyến phố này, giờ đây, những người mong được đắm mình trong không khí của Hà Nội xưa sẽ không khỏi chạnh lòng, bởi vẫn khu phố ấy, khách mua, khách xem đông đúc, nhưng sao quá thưa vắng những sản phẩm thủ công truyền thống của Hà Nội, một không gian Hà Nội cổ như ý tưởng ban đầu, mà thay vào đó là các mặt hàng giá rẻ. Sẽ khó lòng để phân biệt được một khu chợ đêm mang ý nghĩa văn hóa ở vị trí trung tâm Hà Nội với những chợ đêm tương tự mọc lên ngày càng nhiều ở các con phố khác. Dọc lòng đường của các khu phố đi bộ, đâu đâu cũng thấy la liệt gánh hàng rong. Nước hoa đồng loạt 80 ngàn đồng. Giày, quần áo, ví… tất cả đều đại hạ giá. Tiếng nhạc dân tộc réo rắt vang lên từ sân khấu ở góc cổng chính của chợ không át nổi tiếng loa xập xình từ 1 hiệu chụp ảnh Hàn Quốc gần đó. Càng chẳng đủ để người ta nhận ra, đây là khu chợ đêm từng được kỳ vọng sẽ là một điểm đến văn hóa thu hút du khách như ý tưởng ban đầu. Sân khấu xẩm “Hà thành 36 phố phường” 5 năm qua vẫn tồn tại như một phần không thể thiếu của không gian chợ. Nhưng, dù rất trân trọng nỗ lực của Công ty cổ phần Đồng Xuân để duy trì sân khấu này, các nghệ sĩ cũng vẫn ao ước, giá như họ được trình diễn trong một bối cảnh đậm nét văn hóa hơn. kính Gucci, D&G có giá 30.000 - 50.000 đồng một chiếc... Nhạc sĩ Thao Giang, Phó GĐ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc VN cho biết: "Rất tiếc là ở đây không có một bối cảnh phù hợp hơn, ví dụ như xung quanh là các mặt hàng của làng nghề như thời gian đầu, vì ngay trong những bài hát của chúng tôi cũng có những phố cổ, chợ Đồng Xuân cổ... Văn hóa dân gian là một tổng thể hoàn chỉnh". Đã đành là chợ thì người ta có thể thỏa sức mua bán, và tất yếu là mặt hàng nào chạy thì được bày bán nhiều. Nhưng không ít người, từ tâm lý háo hức đến chợ đêm để được đắm mình trong không gian văn hóa Hà Nội, lại chuyển thành thất vọng bởi sự lộn xộn trong sắp xếp quầy hàng tại đây. Dạo một vòng qua chợ, tìm mỏi mắt mới thấy 3-4 quầy bán đồ thủ công mỹ nghệ lọt thỏm ở những góc khuất. Anh Phạm Văn Hạnh, Chuôn Thượng, Phú Xuyên: "Bây giờ ở đây rất ít hàng mỹ nghệ, toàn đồ Trung Quốc thôi. Chúng tôi vẫn bán mặt hàng này vì gia đình có sẵn nghề, không muốn bán thứ hàng khác...". Việc bố trí các cửa hàng ăn uống rất thiếu tổ chức và thẩm mỹ. Ảnh: baodatviet.vn Mỗi ngày, những nhân viên vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn làm việc, dọn từng cọng rác để chợ đêm luôn sạch đẹp. Các nghệ sĩ vẫn mệt mài mỗi tối thứ bảy để mang đến đây những tiết mục nghệ thuật dân tộc hấp dẫn. Nhưng, chỉ từng ấy thứ hình như quá bé nhỏ giữa một tổng thể không gian không mang tính truyền thống. Sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu ban đầu người ta không đặt quá nhiều kỳ vọng vào khu chợ đêm này, không gán cho nó nhiều ý nghĩa văn hóa đến thế. Và phải chăng, những mặt hàng đậm hồn Hà Nội sẽ có cơ hội xuất hiện nhiều hơn, nếu Ban quản lý chợ có một ưu đãi nào đó cho các làng nghề, thay vì cào bằng để mạnh ai nấy sống. Tác giả : Hoàng Trang

Nguồn VTV: http://www.vtv.vn/article/get/lon_xon_cho_dem_dong_xuan___bbe757bf91.html