Lòng dân trong Mặt trận

Trong chặng đường 86 năm hình thành và phát triển, Mặt trận cho phép không chỉ những cá nhân tiêu biểu, trí thức có điều kiện được nói lên tiếng nói của mình mà là một nơi mà bất cứ người dân nào cũng có điều kiện để tạo nên tiếng nói. Tiếng nói trong Mặt trận là tiếng lòng của dân. Lắng nghe nhân dân nói và đi thẳng vào những vấn đề con người là một cách để Mặt trận tiếp tục hoàn thành sứ mệnh đại đoàn kết.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân biểu dương
tinh thần đại đoàn kết dân tộc của các vị chức sắc, sư sãi
và đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh. (Ảnh: Hoàng Long).

1. Trong một buổi chiều muộn, khi dẫn đầu đoàn đại biểu Phật giáo đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Hòa thượng Thích Chân Quang, Phó trưởng ban Kinh tế tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Phật Quang, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã chân tình chia sẻ rằng, đến Mặt trận như trở về nhà.

Vì trong tâm tưởng của ông, Mặt trận chính là mái nhà chung của mọi tôn giáo, dân tộc, người Việt Nam yêu nước ở trong và ngoài nước. Bất cứ ai mang trong mình dòng máu con dân đất Việt khi nghĩ về tình cảm dân tộc là nghĩ đến Mặt trận tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, thông qua Mặt trận, Hòa thượng Thích Chân Quang và phật tử chùa Phật Quang muốn bày tỏ tình yêu nước, yêu đồng bào của mình, gửi gắm tấm lòng của mình đến với đồng bào miền Trung đang gặp khốn khó.

Theo Hòa thượng Thích Chân Quang, ngay sau khi UBTƯ MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi đồng bào cả nước hướng về miền Trung bị lũ lụt, chùa Phật Quang đã phát đi thông điệp này tới toàn thể tăng ni, phật tử. Mỗi người một chút gửi đến nhà chùa, người có nhiều thì ủng hộ nhiều, người có ít thì ủng hộ ít. Nhưng điều đáng quý là chỉ trong vòng hơn 1 tuần, con số ủng hộ đã lên tới 2 tỷ đồng.

Để chuyển tới đồng bào miền Trung số tiền này, điều đầu tiên mà Hòa thượng Thích Chân Quang nghĩ tới là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vì Mặt trận tổ quốc Việt Nam luôn là đầu tàu quy tụ những tấm lòng thiện nguyện.

Những chia sẻ chân tình của vị hòa thượng đáng kính khiến tôi lại nhớ đến cuộc diện kiến bất ngờ với Linh mục Đỗ Hiệu, Quản hạt vùng Kon Tum.

Ông rất kiệm lời khi nói về bản thân mình và nhiều việc đã làm được trong suốt những năm tháng qua chỉ khi nói về sứ mệnh yêu thương của một người công giáo, ông mới thực sự mở lòng.

Tháng 11 là tháng kết thúc Năm Thánh kính lòng thương xót của Chúa trên toàn thế giới. Đối với người Công giáo đây là một điều hết sức quan trọng. Đức Giáo hoàng đã mở Năm thánh này để kêu gọi tất cả những người Công giáo hướng về trái tim chúa Giê su hãy sống nhân hậu và thương xót những người sống xung quanh mình. Không chỉ trong tư tưởng mà trong cả hành động là chia sẻ cơm áo với người nghèo khó.

Linh mục Đỗ Hiệu cho rằng, lời mời gọi đó tương trùng với thông điệp của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi đến Kon Tum và nói rằng “chúng ta đoàn kết yêu thương để có mục đích chung làm sao để sống phồn vinh cả nước trong đó có đồng bào công giáo ngày càng ấm no, đáng sống hơn”.

Trong các kỳ cuộc của Mặt trận, Linh mục Đỗ Hiệu đều bày tỏ quan điểm của mình, phải làm sao để đồng bào công giáo cũng như đồng bào tất cả các tôn giáo hợp tác chặt chẽ cùng với chính quyền và muốn vậy chính quyền phải tạo điều kiện cho tôn giáo hoạt động.

Bởi nếu không sẽ chỉ có đoàn kết trên giấy tờ chứ không có đoàn kết trong trái tim.

Và để làm được điểu này chỉ có Mặt trận mới là cầu nối xứng đáng nhất. Mặt trận giúp đồng bào tôn giáo nói lên tiếng nói của mình và giúp chính quyền lắng nghe tiếng nói của đồng bào tôn giáo.

“ Tôi luôn khuyên bảo đồng bào công giáo, nếu có thể tham gia Mặt trận thì hãy tham gia. Bởi vì Mặt trận là nơi để tiếng nói của mình được đưa đến chính quyền những bức xúc, những điều mắt thấy tai nghe”, Linh mục Đỗ Hiệu khẳng định.

2. Trong không khí của ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc- kỷ niệm 86 năm ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, từ khi MTTQ Việt Nam được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc đã được nâng lên và phát huy mạnh mẽ.

Ngày nay, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn là một nguồn lực bên trong quan trọng để nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, người đứng đầu Mặt trận cho rằng, bên cạnh việc phải thông tin cho nhân dân về tình hình và đường lối phát triển đất nước thì việc lắng nghe ý kiến của nhân dân về mọi mặt của cuộc sống ở địa phương, hỗ trợ sáng kiến và tự quản của nhân dân để chăm lo cuộc sống của mỗi gia đình, sự phát triển của mỗi địa phương có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Còn nhớ, ông Nguyễn Phước Hoàng, tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo, thành viên tổ từ thiện ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, trong không khí ấm cúng của ngày hội đại đoàn kết, đã đứng lên kêu gọi bà con ấp mình, mỗi người hãy tùy tài, tùy sức để đóng góp cho cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Nông thôn mới tạo môi trường để con người sống, làm việc và ngày càng hòa nhập với cộng đồng hơn với một quan niệm mở không bó hẹp trong lũy tre làng như cái cách chân tình của người nông dân Nguyễn Phước Hoàng muốn kêu gọi những người xung quanh mình hãy “tùy tài tùy sức”.

Tuy nhiên, một trong những cái khó nhất của nông thôn mới hiện nay là thách thức dài hạn của hội nhập quốc tế và thách thức ngắn hạn có thể lặp lại của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương.

Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần đẩy mạnh thực hiện đường lối lớn của Đảng, Nhà nước tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Và hai con đường chủ yếu là hiện thực hóa liên kết của người sản xuất đơn lẻ thông qua liên kết mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, chính quyền An Giang cần hỗ trợ Mỹ An 2 chuyển đổi mô hình tổ hợp tác thành hợp tác xã, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đưa sản phẩm nông sản của mình tham gia vào chuỗi siêu thị này vì tất cả những sản phẩm khi đã tham gia vào chuỗi siêu thị phải được chứng nhận an toàn.

Từ ấp Mỹ An 2, người đứng đầu Mặt trận đã gửi thông điệp đến với bà con nông dân đang nặng lòng với đồng đất của mình: Muốn sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ tốt buộc phải có chứng nhận an toàn. Muốn bán hàng tốt phải vào hợp tác xã.

3. 86 năm hình thành và phát triển, trong tiến trình đó, Mặt trận có sự đoàn kết, tập hợp tất cả những lực lượng dân tộc và trong các mục tiêu chung của dân tộc, trong những phong trào thi đua yêu nước. Do đó, Mặt trận gắn bó với Đảng một cách rất mật thiết. Nhưng bên cạnh sự gắn bó, đồng hành, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp chung của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam thì Mặt trận vẫn có vị trí riêng, đặc biệt và duy nhất trong tất cả những tiến trình đó.

Với quan điểm như vậy, người làm Mặt trận luôn đề cao việc phải làm tốt vấn đề tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng nhân dân để xây dựng và bảo vệ đất nước. Mặt trận không chỉ là ngôi nhà chung của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân khi trực tiếp tham gia “sân chơi” chính trị lớn của đất nước thông qua vai trò giám sát và phản biện.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã từng nói về một “sân chơi chính trị” rộng lớn mà ở đó, Mặt trận ngày càng khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt và duy nhất của mình. Bởi bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của con người.

Mặt trận đang thực sự hướng về cuộc sống chứ không chỉ là ý chí chính trị đoàn kết. Trong đó Mặt trận đã biết chọn ra những điểm nóng trong cuộc sống như giám sát người có công- lần đầu tiên sau 40 năm chúng ta mới làm được.

Hay như việc hỗ trợ và giám sát hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng cá chết do ô nhiễm từ Công ty Formosa ở Hà Tĩnh, đồng bào bị hạn hán ở Nam bộ và Tây Nguyên cho đến việc tham gia giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm- tuyên chiến với “Quốc nạn” thực phẩm bẩn, vận động nhân dân tham gia các mô hình liên kết hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Tất cả những hoạt động này để thấy, bên cạnh trách nhiệm vận động nhân dân ở tầm vĩ mô, ở những phong trào có tính chất chính trị xã hội thì Mặt trận đã và đang đi thẳng vào những vấn đề của từng khu vực, từng nhóm, đến từng gia đình và chạm đến mong mỏi của mỗi một cá nhân con người.

Dạ Yến

Từ khóa

lòng dân mặt trận

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/long-dan-trong-mat-tran/138500