Lớp lớp cột mốc sống giữ biển - Bài 3: Những phận người ở lại

Không phải ngẫu nhiên mà lời hát: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về” vẫn còn được nhiều người mẹ, người bà trên đảo chiều chiều ru con, ru cháu. Chỉ tính từ năm 1990 trở về đây, ít nhất có khoảng 90 ngư dân của xã An Hải vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa hoặc Trường Sa. Họ mãi mãi không về, để lại những khoảng trống xa xót không gì bù lấp nổi trong lòng người ở lại...

Mẹ góa con côi

Trời tối, ngọn hải đăng trên đảo Lý Sơn vẫn cần mẫn quay theo nhịp báo hiệu cho tàu thuyền đi biển. Thôn Đông, xã An Hải chỉ le lói vài ánh đèn hắt ra từ những căn nhà thấp lè tè. Đường vào nhà em Nguyễn Văn To, học sinh lớp 4E Trường Tiểu học An Hải, phải đi ngoằn ngoèo qua mấy ruộng dưa hấu. Trong căn nhà chỉ có một bóng đèn tiết kiệm điện, ba mẹ con vừa ăn xong bữa tối. Góc học tập của To không có đèn riêng như những bạn khác ở trường. Chị Phạm Thị Khuân vừa dọn dẹp vừa thúc con học, nhưng To cùng em gái Nguyễn Thị Nhiều chỉ mải trêu đùa nhau.

Ngư dân huyện đảo Lý Sơn giặt lưới chuẩn bị cho chuyến vươn khơi bám biển.

Hai anh em vẫn tuổi ăn tuổi chơi nên chẳng thể hiểu thấu nỗi khổ của người mẹ đã phải tần tảo nuôi con từ ngày bố của chúng, anh Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1981) mất khi đang đánh bắt ở Hoàng Sa vào năm 2007. Anh Chiến mất khi To mới 2 tuổi, còn đứa con gái vẫn đang ở trong bụng mẹ. Giờ thì cả To cũng không nhớ nổi mặt bố, may còn tấm ảnh trên bàn thờ, hai anh em mới biết.

Từ ngày chồng mất, chị Khuân phải gánh vác mọi việc trong nhà. Được ít ruộng trồng tỏi, trồng hành mà bố mẹ để lại, chị chuyển cho mấy người anh trồng hộ, lấy chút ít đủ tiền sữa cho con. Còn tự mình thì sáng sáng, chạy lên chợ An Vĩnh lấy thịt lợn về bán lại cho bà con lối xóm ở xã An Hải. “Hôm nào đắt thì bán được khoảng gần trăm nghìn, bữa nào rẻ thì bán được khoảng năm mươi nghìn”, chị Khuân cho biết. Số ấy trừ đi tiền lấy hàng, lãi chẳng được bao nhiêu, chị gom góp mua gạo, còn lại lo chuyện học cho hai đứa con. Cuộc sống gia đình chị năm nay khó hơn mấy năm trước. “Tỏi thì mất mùa, hành được mùa thì lại mất giá”, chị Khuân thở dài, “năm nay chắc chúng nó chẳng được bịch sữa nào”. Đồ đạc trong nhà đều được anh sắm sanh từ ngày còn đi biển. Từ khi anh mất, căn nhà của mấy mẹ con không có thêm thứ gì mới.

Ở xã An Hải, cũng như trên đảo Lý Sơn, những trường hợp như gia đình chị Khuân không phải là hiếm. Chỉ riêng lớp 4E của To đã có 2 học sinh mồ côi cha. Thầy Đặng Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Hải thống kê tỉ mỉ, Trường Tiểu học An Hải có 751 học sinh chia làm 25 lớp, trong đó có 220 em có cha đi biển. Trong số đó, có 32 em chịu cảnh mồ côi, vì cha đi biển không về.

Ngay ở Trường THCS An Hải cũng có nhiều em mồ côi cha. Em Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 8E rụt rè kể: “Ba mất ở đâu con không biết. Mẹ con kể là ở quần đảo Hoàng Sa, ngay cái lúc đang lặn xuống biển”. Năm cha mất, Mai đang học lớp 4. Từ khi ấy, cuộc sống của 3 mẹ con chật vật hơn. Mọi nguồn sống đều trông vào mảnh ruộng nhỏ và một cửa hàng tạp hóa ở cổng nhà. Mai cùng chị phải cố gắng vừa học vừa phụ giúp mẹ, lúc thì ra ruộng làm tỏi, lúc thì trông coi tiệm tạp hóa. Căn nhà tuềnh toàng đến nỗi, mỗi khi có mưa là bị dột khắp nơi, 3 mẹ con lại phải căng bạt để chống chọi.

Nghĩa tình vùng biển

Mỗi lần các tộc họ có người mất vì đi biển thì người dân trên đảo Lý Sơn đều xúm lại quan tâm, giúp đỡ. “Trên đảo, truyền thống tương thân, tương ái, tương trợ mạnh lắm!”, cụ Hộ nhấn mạnh. Một người ngã xuống ngoài biển dù lý do gì đi chăng nữa thì bà con cũng coi như chính mình mất đi ruột thịt. Ở những vùng đảo như Lý Sơn, thông tin ấy lan đi rất nhanh. “Trên An Vĩnh có chuyện gì xảy ra thì dưới An Hải cũng biết hết. Bà con trong họ tộc chạy đi báo tin liền”, cụ Hộ chia sẻ. Cũng bởi một phần nguyên nhân là, cư dân trên đảo có mối quan hệ ràng rịt lấy nhau, người với người nếu không phải là bà con bên ngoại thì là bà con bên nội hay liên gia, thông gia.

Việc giúp đỡ lẫn nhau mỗi khi hoạn nạn không chỉ dừng lại ở trong họ tộc mà chính quyền các cấp cũng ý thức rõ về việc hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có người mất vì đi biển. Hiệu trưởng Đặng Thành nói: “Nhà trường thì không có kinh phí nhưng luôn quan tâm và tham mưu cho lãnh đạo để mỗi khi có những tổ chức từ thiện đến hỗ trợ là dành những suất đó cho những em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha”. Mục tiêu chính của nhà trường là tạo điều kiện cho các em đến trường, từng bước nâng cao sức học, đồng thời giáo dục sự bình đẳng trong các em, không phân biệt mất hay còn cha, nhà giàu hay nghèo.

Ông Lê Hoài Ân, Chủ tịch UBND xã An Hải khẳng định: “Đối với những ngư dân đi biển mà không may nằm lại Hoàng Sa, Trường Sa, xã có chế độ chính sách xếp gia đình họ vào dạng hộ nghèo để mỗi khi có các quỹ, các tổ chức đến tài trợ, xã sẽ tạo điều kiện bà con này nhận được quà”. Những chính sách nghĩa tình đó phần nào giúp các gia đình vượt qua khó khăn ban đầu. Bà con trên đảo kể cả người không làm nghề biển cũng rất đồng tình, ủng hộ cách làm này”.

Ngư dân Lý Sơn hay của các địa phương khác mỗi khi đi đánh bắt ở Hoàng Sa thì gặp nhiều rủi ro hơn đi đánh bắt ở Trường Sa. Bởi vì, dù sao đi nữa, ở Trường Sa còn có sự hiện diện của quân và dân Việt Nam. Bà Đinh Thị Lại, vợ ông Lê Phấn, nhà ở thôn Tây, xã An Hải vẫn chưa quên được cảm giác bủn rủn cả người khi nhận tin: “Chồng bà bị thương nặng ở gần đảo Song Tử Tây”. Lòng như lửa đốt vì không biết mức độ nặng nhẹ của chồng thế nào mà người ta báo, dù ông đã được bác sĩ trên đảo Song Tử Tây mổ cấp cứu nhưng quân đội vẫn phải điều máy bay trực thăng ra để đưa vào TP Hồ Chí Minh cấp cứu tiếp. Vay ngược, vay xuôi bà Lại gom được ít tiền để vào chăm sóc chồng khi ấy đang nằm trong Bệnh viện Chợ Rẫy. Sau hơn một tháng, ông Lê Phấn bình phục và được trở về nhà. “Cũng may được Nhà nước quan tâm chứ nằm viện cả tháng trời thì tui lấy chi mà trả”, bà Lại bày tỏ sự biết ơn.

Rõ ràng, sự giúp đỡ của quân đội, những chính sách nghĩa tình, tinh thần đùm bọc của họ tộc và làng xóm láng giềng cũng chỉ có thể góp phần giúp các gia đình mất người vì đi biển vơi bớt nỗi đau và khó khăn lúc ban đầu. Khi mọi người, mọi nhà quay lại với bộn bề lo toan thường ngày, những gia đình mất người thân vẫn phải đối mặt với khốn khó ngày một đè nặng.

Quả thực là bà Lại vẫn còn may hơn cô em dâu Ngô Thị Hường. Trong chuyến đi biển năm 2012 đó, em ruột của ông Lê Phấn là anh Lê Văn Thành đã chết trước khi ông Phấn được cứu. Chiều nay, chị Hường lại đưa 2 đứa con sang nhà bà Lại cùng ăn cơm. Ông Phấn đi biển, hai chị em dâu sang ăn cơm với nhau cho khuây khỏa. Đứa con nhỏ nhất không buồn ăn nữa khi thấy chị Hường nước mắt vắn, nước mắt dài kể lại những nhọc nhằn mà chị phải chịu đựng từ ngày chồng chị mất trên vùng biển Trường Sa...

(Còn nữa)

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Phong-su-Ky-su/844832/lop-lop-cot-moc-song-giu-bien---bai-3-nhung-phan-nguoi-o-lai