LRIT hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển

LRIT cung cấp vị trí các tàu thuyền, hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, an toàn, bảo vệ môi trường biển.

Thiết bị LRIT hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển

Việt Nam là một trong những quốc gia có đường biển dài, có số lượng lớn tàu thuyền hoạt động trên biển cả tuyến nội địa và tuyến quốc tế. Hàng năm, lượng tàu thuyền này không ngừng gia tăng dẫn tới mật độ của tàu thuyền hành trình trên biển cũng tăng theo. Với số lượng tàu thuyền hành hải trên biển như vậy sẽ làm tăng nguy cơ gặp tai nạn, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm ô nhiễm môi trường biển.

Xuất phát từ thực trạng trên, ngày 19/5/2006, tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua nghị quyết MSC.81, bổ sung sửa đổi công ước SOLAS-74 thiết lập hệ thống nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền (gọi tắt là hệ thống LRIT). Hệ thống LRIT là hệ thống cung cấp dịch vụ nhận dạng và dõi theo hành trình tàu thuyền trên phạm vi toàn cầu, có chức năng giám sát vị trí các tàu thuyền mang cờ quốc tịch của các quốc gia hoạt động trên các vùng biển cũng như thông tin về các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài dự kiến cập cảng quốc gia và các tàu hoạt động trong vùng biển được quyền thu nhận thông tin LRIT của quốc gia.

Thông tin LRIT được sử dụng với mục đích tìm kiếm cứu nạn, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển. Để hỗ trợ tối đa cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn, an toàn an ninh, bảo vệ môi trường biển, thông tin LRIT phải luôn ở trạng thái sẵn sàng cung cấp bất cứ khi nào nhận được yêu cầu. Để đảm bảo tính sẵn sàng, thiết bị LRIT lắp đặt trên tàu phải được duy trì hoạt động liên tục và đáp ứng các tiêu chí: Tuân thủ tiêu chuẩn hoạt động và các chức năng theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); được Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt; Kết nối trực tiếp với thiết bị định vị vệ tinh (theo hệ tọa độ WGS-84) lắp đặt trên chính tàu biển đó hoặc thiết bị LRIT phải có khả năng tự xác định vị trí của tàu; Được cấp điện từ nguồn điện chính và nguồn điện sự cố của tàu...

Để đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng thông tin LRIT, ngày 6/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 62/2014/QĐ-TTg về việc ban hành quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền, trong đó đã yêu cầu các tàu thuyền thuộc đối tượng phải trang bị thiết bị LRIT phải có nghĩa vụ duy trì thiết bị LRIT hoạt động theo chế độ 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần. Đồng thời, các thiết bị LRIT này phải duy trì việc truyền phát tự động thông tin LRIT về trung tâm dữ liệu với tần suất là 06 tiếng 01 lần. Trong những trường hợp tàu thuyền đang sửa chữa hoặc tạm dừng hoạt động, chủ tàu phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử cho Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (Vishipel) để giảm tần suất phát thông tin.

Công tác cứu hộ được triển khai nhanh chóng, kịp thời nhờ hệ thống LRIT

Thông tin LRIT đang dần khẳng định mục tiêu hỗ trợ đắc lực cho công tác tìm kiếm cứu nạn, an toàn an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường biển tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, cũng theo Quyết định 62/2014/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các đối tượng lắp đặt thiết bị LRIT bao gồm: tàu chở khách, tàu chở khách cao tốc hoạt động tuyến quốc tế; tàu chở hàng, tàu chở hàng cao tốc có tổng dung tích từ 300 tấn trở lên, hoạt động tuyến quốc tế; giàn khoan di động; ngoài ra các loại tàu thuyền khác cũng có thể lắp đặt thiết bị LRIT nếu chủ tàu có yêu cầu.

Với số lượng tàu thuyền ngày một tăng, các nguy cơ gây mất an toàn an ninh luôn hiện hữu, các chủ tàu nên lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị LRIT trên các tàu do mình sở hữu để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền khi hoạt động trên biển và hỗ trợ tối đa cho các tàu lân cận trong các tình huống tìm kiếm cứu nạn trên biển.

PV

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/lrit-ho-tro-dac-luc-cho-cong-tac-tim-kiem-cuu-nan-tren-bien-d180267.html