Lũ lượt đi 'xem' thơ

8h30, trong lúc hàng loạt nghi lễ trang trọng diễn ra tại sân Văn Miếu, như lễ thắp lửa, múa trống đồng, rước Chiếu dời đô…, thì ở ngoài cổng, từng đoàn người vẫn nối đuôi nhau xếp hàng một cách rất trật tự đợi mua vé vào xem hội.

Giới trẻ không quay lưng Trong những đoàn người, có rất đông bạn trẻ, học sinh, sinh viên, những người chị, người mẹ dắt theo các em nhỏ, và cả bóng áo xanh của những anh lính trẻ. Nhìn những gương mặt trẻ chăm chú vào các tác phẩm thơ sắp đặt, Nguyễn Thị Ánh Hồng (công tác tại Phòng Chính trị của Công an tỉnh Hà Tĩnh), một trong những cây bút tham gia Sân thơ trẻ, lạc quan cho rằng giới ngày nay không quay lưng với thơ. Năm nay, Ban tổ chức cũng dành nhiều ưu ái cho thơ trẻ, với số cây bút được tham gia tăng lên gấp ba. Đỗ Hàn, một thành viên xông xáo trong Ban tổ chức, Chánh văn phòng Hội Nhà văn cho biết: “Năm nay, chúng tôi cố gắng đa dạng hóa Sân thơ trẻ bằng cách kết hợp ba hoạt động, gồm đọc thơ truyền thống, trình diễn thơ và thơ sắp đặt, thay vì chỉ có một trong ba hoạt động đó như những năm trước”. Còn một số sơ suất Ngày thơ năm nay được tổ chức quy mô, trang trọng hơn các năm trước, được nhiều người đánh giá cao. Theo nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, ngày lễ khá thành công, đặc biệt là Sân thơ trẻ đã “dung hòa được những giá trị truyền thống và hiện đại”. Nhà thơ, nhà báo Hồ Bất Khuất thì tếu táo: “Chất lượng thơ trẻ thì… củ chuối. Nhưng củ chuối mà om với lươn thì thành một món tuyệt vời!”. Ông cũng ghi nhận Ngày thơ ở khía cạnh thu hút công chúng: “Chưa thể đánh giá là thành công đến đâu nhưng điều nhận thấy ngay là Ngày thơ năm nay thu hút số lượng người tham dự rất lớn”. Ông Lê Đức Mỹ, hội viên CLB thơ Hà Nội, đánh giá: “Phần triển lãm thơ trên gốm sứ hay và độc đáo. Những bài thơ trong vườn thơ của miền Trung được lựa chọn khá đặc sắc”. Tuy nhiên, ông Mỹ nhận xét có những lúc thời gian chết quá lâu, do “công tác tổ chức còn kém chuyên nghiệp”. Ông cũng phàn nàn về một sơ suất nhỏ của nhà thơ Đỗ Trung Lai: thay vì giới thiệu nhà thơ Nguyễn Hoa lên đọc quyết định khen thưởng như kịch bản thì lại mời nhà thơ Hữu Thỉnh, khiến khán giả ngỡ ngàng khi thấy Hữu Thỉnh cứ ngồi yên ở hàng ghế đại biểu trong khi Nguyễn Hoa bước lên sân khấu.

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/vanhoa/Lu-luot-di-xem-tho/20103/82328.datviet