Lũ qua đi, làng quê xơ xác và những cái chết đau lòng

Lũ dần rút, nhiều làng quê ở miền Trung trở nên xác xơ, trơ trọi. Hàng vạn ngôi nhà chìm trong biển nước, những cái chết đến buốt lòng. Cơn lũ muộn một lần nữa khiến dân miền Trung khốn đốn.

Nước đã rút, nhưng những tiếng khóc đau đớn vẫn chưa dứt trong những căn nhà người dân có nạn nhân bị nạn dưới dòng lũ dữ. Họ đang rất cần những sẻ chia…

Xót xa đầu bạc tiễn đầu xanh

Lũ vừa rút, cơn mưa ngày đông lại cứ rả rích nên con đường vào nhà ông Trần Văn Thành (47 tuổi, trú thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định) trở nên lầy lội. Căn nhà nhỏ, mái ngói đã nhuốm màu rêu phong nằm ở gần sông Kôn, nơi thường xuyên “đối đầu” với lũ dữ. Sống ở mảnh đất này, hiểu được hậu quả thiên tai khó lường nên ông Thành luôn khuyên dạy các con của mình kỹ năng tránh lũ để bảo tồn sự sống. Thế nhưng, điều không may mắn đã đến khi dòng lũ ghé thăm vào cuối tháng 11.

Nước lũ đang là nỗi khiếp sợ của người dân Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn

Hôm ấy ngày 30, lũ bắt đầu đổ về tấn công miền quê Bình Định, em Trần Thị Lệ Thủy (15 tuổi, con gái ông Thành) đi qua cầu Phú Phong (cũ) chẳng may bị trượt chân rơi xuống nước. Tận mắt chứng kiến, nhiều người dân gần đó lao ra ứng cứu nhưng tia hy vọng cuối cùng đã bị dập tắt vì nước lũ về trên sông Kôn với tốc độ chảy rất kinh hoàng, dòng nước cuồn cuộn dữ dội, em Thủy bị cuốn trôi chỉ trong chớp mắt.

Lũ cuốn con, gia đình ông Thành cứ thơ thẩn cả ngày, đôi vợ chồng già níu nhau, đứng nhìn về hướng sông Kôn với khuôn mặt gầy gò, buồn bã. Người trong làng kéo đến nhà động viên, hỏi thăm nhưng vợ chồng ông Thành không nói nên lời, thi thoảng đôi mắt đỏ ửng, ông mặc kệ hai hàng nước mắt mặn chát cứ chực chờ tuôn trào. Chắp tay đưa cao trước mặt, đưa đôi mắt nhìn bầu trời xám xịt, ông Thành lắp bắp: “Ấm áp nhé, con gái của ba”.

Nghe tin dữ, bà Nguyễn Thị Bước (45 tuổi, vợ ông Thành) tâm trạng cũng không khá hơn, bà liên tục ngất xỉu, niềm nhớ thương của người mẹ bỗng chốc trở nên vô vọng. “Vợ chồng tôi làm nông nên cuộc sống luôn khó khăn. Đứa con gái lớn đã lấy chồng, đứa con trai thứ 2 cũng nghỉ học sớm, chỉ còn cháu Thủy đang học lớp 9. Biết cha mẹ khó khăn nên cháu hay đỡ đần việc nhà, chăm sóc bà nội. Bây giờ lũ cướp nó đi mất rồi...”- bà Bước rưng rưng hai dòng nước mắt.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tính đến sáng 4.12, mưa to lũ lớn đã làm 10 người chết (Bình Định 6 người, Quảng Ngãi 4 người); mất tích 1 người ở Quảng Ngãi; 3 người ở Bình Định bị thương.
Mưa lũ cũng đã làm sập đổ 51 ngôi nhà (Quảng Ngãi 1, Bình Định 50); nhà bị ngập 10.160 nhà (Quảng Ngãi 1.212 nhà; Bình Định 8.948 nhà). Diện tích lúa bị ngập, úng 9.782ha (Quảng Ngãi 468ha; Bình Định 9.314ha).
Diện tích rau, hoa màu bị ngập, hư hại 2.790ha (Quảng Ngãi 1.264ha; Bình Định 1.526ha). Gia súc bị chết 713 con (Quảng Ngãi 8 con; Bình Định 705 con). Gia cầm chết 18.086 con (Quảng Ngãi 3.284 con; Bình Định 14.802 con).

Nhìn cảnh chồng mất nhưng 2 đứa con vẫn vô tư vui đùa vì không biết chuyện, chị Trương Thị Yến (32 tuổi, trú thôn Hưng Nhượng, xã An Hòa, huyện An Lão, Bình Định) không cầm được nước mắt. Chị Yến và chồng là anh Phạm Hồng Kiệt (32 tuổi) đều là những nông dân chân chất, “đầu tắt mặt tối” với ruộng đồng trang trải cuộc sống nên việc chăm lo cho hai đứa con (đang học lớp 4 và lớp 1) luôn thiếu thốn.

Phải chạy ăn từng bữa, vợ chồng chị góp tay đào thêm một ao thả nuôi cá ngay trong vườn nhà để cải thiện thu nhập. Nhưng chiều 30.11 định mệnh, lũ bất ngờ lên nhanh, ao cá trong vườn sắp bị ngập, sợ gia tài sẽ cuốn trôi theo dòng chảy, anh Kiệt liều mình lội giữa mưa lớn để gia cố bờ ao. Thế rồi không may, anh bị trượt chân rơi xuống ao, tử vong.

“Thường ngày, cuộc sống thiếu trước hụt sau nhưng có anh Kiệt cùng đỡ đần nên tôi cảm giác rất yên tâm, bền vững. Nhưng giờ anh Kiệt mất rồi, còn một mình tôi, chắc chắn việc ăn học của hai con ngày càng khó khăn. Nỗi đau thiên tai thật sự quá đáng sợ, tôi thấy lo cho 2 đứa con của mình, tương lai của chúng rồi sẽ trôi dạt về đâu khi vắng đi tình thương của cha”- chị Yến chua xót.

Chia sẻ đau thương

Trong khi đó, nỗi buồn vẫn đang giăng kín vùng cao An Lão khi nước lũ đã cuốn trôi ông Đinh Văn Ước (32 tuổi, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã An Toàn, huyện An Lão) trên đường đi làm về (ngày 2.12). Vốn là người trẻ, có tiếng nói nên khi ông mất, rất nhiều người dân buồn bã, đau đớn.

Ông Đỗ Tùng Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão chia sẻ: “Anh Ước là cán bộ rất năng nổ, nhiệt huyết và lối sống rất giản dị, hiền lành. Vợ và 2 đứa con ở nhà, họ sống cuộc sống rất khó khăn vì có đứa con bị tật nguyền. Hiện tại, An Lão chúng tôi đã có 2 người tử vong do lũ, rất buồn nhưng đành chịu vì cơn giận dữ của thiên tai”.

Sau khi trực tiếp thị sát và thăm hỏi một gia đình có người chết do lũ (ở xã An Hòa, huyện An Lão), ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu: “Các địa phương cần tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết, bị thương do mưa lũ. Đồng thời, trích kinh phí dự phòng và huy động lực lượng, phương tiện khắc phục hậu quả mưa lũ. Phải đảm bảo cuộc sống an toàn và bình yên cho người dân”.

Quảng Nam: Dân không kịp trở tay

Lũ muộn cùng việc một số thủy điện xả lũ lưu lượng lớn khiến người dân không kịp trở tay, đằng sau đó là những cái chết tức tưởi… Theo ghi nhận tại Quảng Nam, đến nay đã có 4 người chết trong lũ, tất cả đều là trẻ em, học sinh, trong đó có nhiều trường hợp rất bi đát, những cái chết rất đau lòng từ người lớn gây ra cho con mình.

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Quảng Nam cho biết: Khi có mưa lớn gây ngập lớn, huyện đã yêu cầu các đơn vị rào chắn barie khu vực cầu Tây Yên, xã Tam Đàn, vì khu này đang ngập cục bộ, nguy cơ xảy ra nguy hiểm. Tuy nhiên, sáng 3.12 chị Trần Thị Vũ (36 tuổi, trú xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) chở theo đứa con trai 5 tuổi khi đi qua khu vực cầu Tây Yên thì bị nước lũ cuốn trôi, may mắn người dân đã cứu được chị Vũ, còn cháu bé bị nước lũ cuốn, sau đó được tìm thấy nhưng đã tử vong. “Để xảy ra cái chết đau lòng cho cháu bé và sự quá liều lĩnh của mẹ cháu bé, dù lực lượng chức năng đã cảnh báo bằng rào chắn rồi…” - ông Thạnh nói.

Theo ông Phạm Phú Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, chiều 1.12 thủy điện Sông Tranh 2 đã thông báo xả lũ từ từ 500 đến 1.200m3/s, rồi đến tối 2.12 họ gửi tiếp văn bản thông báo và điện trực tiếp cho lãnh đạo huyện về việc sẽ tăng thêm việc xả lũ từ 1.200 đến 2.000m3/s tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Được biết, việc xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2 khiến 7 xã của huyện bị chia cắt. Đây là trận lụt lớn đầu tiên trong năm nay nên huyện đã thông báo và cử lực lượng đến các xã bị ngập lụt để sơ tán người dân đến nơi cao.

Nước lũ tràn về, trong khi nhiều người dân đang cuống cuồng dọn dẹp đồ đạc thì sáng 3.12, trên địa bàn xã Quế Lộc của huyện có một cháu trai tên là Phùng Quốc Dũng (lớp 8 Trường THCS Quế Lộc, huyện Nông Sơn), trong lúc lội trong nước lũ đã bị nước cuốn trôi, tử vong. “Đây là sự việc đáng tiếc xảy ra đối với các em nhỏ khi có lũ, cùng là một phần trách nhiệm của các bậc phụ huynh khi để con em mình vui đùa quá trớn trong lũ rồi dẫn đến cái chết thương tâm. Ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện cũng đã bố trí lực lượng tìm, vớt thi thể và bàn giao cho gia đình tổ chức mai táng…” - ông Thủy nói.

Nước lũ dâng cao tại Quảng Nam. Ảnh: I.T

Cùng ngày, cháu Lê Thị Hồng Hạnh (SN 2003, trú xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) cũng bị nước lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi học. Trước đó, ngày 2.12, do mưa lớn kéo dài đã khiến một số xã phía Tây của huyện Núi Thành bị ngập nặng, giao thông bị chia cắt. Vào sáng cùng ngày, bà Phan Thị Hoa (SN 1957, trú thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành) đi vớt rong mơ thì bị trượt chân rơi xuống biển mất tích.

Trương Hồng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/lu-qua-di-lang-que-xo-xac-dau-long-nhung-cai-chet-tuc-tuoi-727981.html