Luân chuyển cán bộ ở Quảng Nam

Công tác luân chuyển cán bộ (LCCB) ở tỉnh Quảng Nam những năm qua đã đạt một số kết quả tích cực, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cho địa phương. Tuy nhiên, để LCCB đạt hiệu quả cao hơn nữa, Quảng Nam cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp.

Thuận lợi ở cấp tỉnh

Tháng 4-2014, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu được luân chuyển làm Chủ tịch UBND huyện miền núi Nam Trà My. Là huyện nghèo nhất nước (với hơn 70% số hộ nghèo), địa hình và giao thông đi lại khó khăn, các điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của Nam Trà My rất thiếu thốn. Thời điểm ấy, trung tâm huyện vẫn chưa có chợ, chưa có nước sạch,... Để gửi công văn, thông báo đến các xã, huyện phải cử cán bộ trực tiếp mang đi, có khi cả tuần mới đến nơi.

Được sự giúp đỡ của cấp ủy, đồng chí Hồ Quang Bửu khẩn trương tiếp cận các lĩnh vực, cùng tập thể cấp ủy, cán bộ tại chỗ quyết tâm tạo chuyển biến trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Năm 2015, từ đề xuất của đồng chí Hồ Quang Bửu, huyện Nam Trà My ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Theo Bí thư Huyện ủy Lê Thanh Hưng, qua một thời gian làm quen, hầu hết cán bộ, công chức của huyện đã biết sử dụng hộp thư điện tử, phần mềm quản lý điều hành, hệ thống quản lý văn bản điện tử. Cán bộ xã sử dụng thiết bị di động thông minh để phục vụ tương tác công việc. Ứng dụng này giúp huyện tiết kiệm mỗi năm vài trăm triệu đồng chi phí in giấy tờ, vận chuyển văn bản, đồng thời là công cụ giám sát tính minh bạch trong cơ quan hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Từ năm 2015, với quyết tâm làm thay đổi, cải thiện đời sống người dân, UBND huyện Nam Trà My đã phát động chương trình cán bộ kèm dân thoát nghèo, nay phát triển thành phong trào “Ba cán bộ, công chức, viên chức giúp một hộ nghèo”. Huyện thành lập Đoàn xung kích, gồm 50 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, cùng đội xung kích các xã dành hai ngày cuối tuần để hướng dẫn hộ nghèo nhân rộng diện tích trồng chuối mốc, quế Trà My, dược liệu,... Nhờ đó, hơn 750 hộ đã thoát nghèo. Với cây sâm Ngọc Linh, từ khi Đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh của huyện được Chính phủ phê duyệt (tháng 9-2015) đến nay, bằng cách hỗ trợ cây giống, huyện đã có thêm hàng nghìn hộ tham gia, góp phần phát triển và bảo vệ rừng hiệu quả nhờ trồng cây sâm dưới tán rừng. Đồng chí Hồ Quang Bửu cũng đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin quản lý sâm Ngọc Linh từ lúc trồng đến khi thu hoạch, để từng sản phẩm sâm Ngọc Linh được chứng nhận là có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tăng giá trị trên thị trường.

Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Quảng Nam luân chuyển 26 lượt cán bộ do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh xuống huyện giữ các chức vụ chủ chốt, nhiều đồng chí về nơi phong trào yếu, đã nhanh chóng cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời kiện toàn, củng cố và xây dựng, từng bước ổn định, phát triển. Nhiều đồng chí trưởng thành, được tín nhiệm bầu vào cấp ủy, HĐND các cấp và giữ chức vụ chủ chốt ở địa phương. Tháng 9-2012, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Văn Anh Tuấn được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, và đến cuối năm 2014 được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố. Từ vị trí thứ tư trong khối thi đua đồng bằng của tỉnh, năm 2015 thành phố Tam Kỳ vươn lên thứ nhất. Hai năm qua, Tam Kỳ đứng đầu về cải cách hành chính, và năm 2016, thành phố được nhận Huân chương Độc lập hạng ba, trở thành đô thị loại hai.

Nói về kinh nghiệm đi luân chuyển, đồng chí Văn Anh Tuấn cho rằng, để cùng cán bộ tại chỗ làm tốt công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, bản thân phải chịu khó tìm hiểu, lăn lộn thực tiễn địa phương, khăng khít với tập thể, gần gũi với cán bộ cấp dưới, gắn bó với nhân dân. Từ đó xây dựng phương pháp công tác phù hợp, mà cốt lõi là luôn phát huy dân chủ, đồng thời dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Những “nút thắt” ở cấp huyện

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, giai đoạn 2010 - 2015, tỉnh luân chuyển 161 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, 153 đồng chí lãnh đạo cấp huyện luân chuyển về xã, phường, thị trấn. Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, công tác LCCB lãnh đạo, quản lý bước đầu đã đạt mục đích, có điều kiện đào tạo, rèn luyện, thử thách ở những địa bàn, lĩnh vực mà cán bộ cần tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cho chức danh đã quy hoạch sau khi luân chuyển. Phần lớn cán bộ luân chuyển tiếp cận nhanh công việc và môi trường công tác mới, thể hiện rõ năng lực, đáp ứng yêu cầu công vụ, tạo được uy tín...

Đến nay, sau luân chuyển, tất cả 26 cán bộ cấp tỉnh và 95 cán bộ cấp huyện của Quảng Nam trở về được bố trí chức vụ cao hơn, đúng quy hoạch. Tuy nhiên, một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, yêu cầu và chưa quan tâm đúng mức công tác LCCB; nhầm lẫn giữa luân chuyển với điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ. Sự nhầm lẫn ấy dẫn đến hệ quả là làm khó cho nơi cán bộ luân chuyển đến, gợi “tâm tư” cho cán bộ do sau luân chuyển về không được bố trí chức danh đúng quy hoạch, nhất là với những cán bộ trẻ có trình độ, năng lực và triển vọng phát triển. Mặt khác, do nhận thức chưa đầy đủ về công tác LCCB, cho nên việc đánh giá năng lực thực tiễn của cán bộ trước khi luân chuyển chưa sát, dẫn đến khi luân chuyển từ huyện xuống xã, một số đồng chí không phát huy được hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí có trường hợp bị kỷ luật.

Thực tế, việc LCCB từ xã lên huyện rất hạn chế, do tiêu chuẩn công chức xã và huyện khác nhau, phải thực hiện theo quy định về xét tuyển công chức. LCCB từ huyện về xã bị vướng quy định về định biên theo Nghị định 92 của Chính phủ; việc tăng thêm chức danh phó chủ tịch UBND cấp xã để thực hiện luân chuyển cũng bị vướng do quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; còn tăng thêm chức danh phó bí thư đảng ủy xã thì vướng Điều lệ Đảng (số ủy viên ban thường vụ không quá một phần ba số cấp ủy viên)...

Công tác LCCB phải xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt, mà còn lâu dài; cần có cái nhìn toàn diện để thực hiện tốt LCCB, nhằm rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn; mạnh dạn bố trí, bổ nhiệm cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp. Phải có kế hoạch, hướng dẫn, quy định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có cán bộ trước, trong và sau khi đi luân chuyển về. Nhiệm kỳ này, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 12-8-2016) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó đề cập rất rõ về công tác LCCB, như: đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả công tác luân chuyển để đào tạo cán bộ trong thực tiễn, tăng cường hơn nữa luân chuyển cán bộ nữ, cán bộ trẻ; thực hiện chủ trương tăng thêm chức danh lãnh đạo cấp ủy và chính quyền cấp xã; xây dựng, thực hiện quy định về LCCB; thực hiện tốt công tác bố trí, sử dụng cán bộ sau thời gian luân chuyển; bố trí một số chức danh cán bộ chủ chốt cấp huyện không phải là người địa phương, từng bước nghiên cứu thực hiện ở cấp xã... để vừa kết hợp luân chuyển, vừa đào tạo cán bộ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/32870102-luan-chuyen-can-bo-o-quang-nam.html