Luật an toàn thực phẩm lỏng lẻo, “độc tố” vẫn tung hoành

“Chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại nhanh chóng và dễ dàng như bây giờ” là phát biểu của đại biểu Trần Trọng Vinh (Hải Phòng) tại phiên chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát ngày 17.11. Theo thống kê, Việt nam nằm trong 18 quốc gia mắc ung thư cao nhất thế giới và mỗi năm có khoảng 3 triệu ca ngộ độc thực phẩm. Thực phẩm không an toàn chính là thủ phạm giết người và gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe của chúng ta.

Hội thảo "Đóng góp chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm" vừa diễn ra sáng nay (2.12) tại Hà Nội.

Tất cả chỉ vì lợi nhuận

Tại Hội thảo : “Đóng góp chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm” vừa diễn ra sáng nay (2.12) tại Hà Nội, theo PGS.TS Ngô Tiến Hiển - Chủ tịch Hội KHCN lương thực thực phẩm Việt Nam: “Chỉ tốn vài nghìn đồng mua “thuốc làm chín trái cây”, những kẻ làm ăn bất chính đã “biến hóa” vài tạ chuối, dứa, sầu riêng…từ xanh sang chín vàng, đẹp mắt, đây là hóa chất độc hại, gây ung thư cao”.

Các chất cấm chưa bao giờ được sử dụng rầm rộ đến thế, tất cả chỉ nhằm mục đích kiếm lời bất chính. Cụ thể, heo được cho ăn chất tạo nạc salbutamol khiến người tiêu dùng bị ngộ độc thần kinh, suy thận, ung thư...Trong thức ăn của gà đươc trộn chất vàng ô (hóa chất nhuộm công nghiệp) nhằm tạo màu vàng đẹp mắt cho da và chân gà, về lâu dài sẽ gây bệnh ung thư cho người tiêu dùng. Hay như cốm bị nhuộm hóa chất độc; giá đỗ dùng thuốc kích thích sinh trưởng từ Trung Quốc; rượu pha chế từ cồn công nghiệp; hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng “tuồn” vô tội vạ vào nước ta…cũng đều gây hiểm họa nghiêm trọng cho sức khỏe và giống nòi của chúng ta.

Theo kết quả điều tra, thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong sản xuất rau, quả, chè đã chỉ ra một số tồn tại và nguyên nhân chính về mất an toàn thực phẩm (ATTP) có liên quan đến thuốc BVTV. Người sản xuất còn lạm dụng vô tội vạ thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại. Do chưa có Thông tư quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV trong thực phẩm nên việc sử dụng còn tràn lan, không đúng liều lượng, khiến hóa chất BVTV còn tồn dư và gây tổn hại sức khỏe cho người tiêu dùng. Mặt khác, công tác quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV còn nhiều hạn chế, nguyên nhân do số lượng cán bộ làm công tác thanh tra, quản lý thuốc còn thiếu và thiếu kiến thức chuyên môn.

Bất cập trong luật ATTP

Luật ATTP đã được ban hành từ năm 2010 nhưng văn bản hướng dẫn thi hành luật còn chậm trễ, nhiều bất cập, chồng chéo và mâu thuẫn. Những chế tài xử phạt vệ sinh ATTP chưa đủ mạnh để răn đe nên vi phạm vẫn tiếp diễn trắng trợn, vai trò của nhà nước trong quản lý luật còn mờ nhạt, thiếu tính đồng bộ.

“ Hệ thống văn phản pháp luật về ATTP đang bất cập trong 4 chữ “C”, đó là: chậm trễ, chồng chéo, cấu trúc có vấn đề và chế tài xử lý không tương thích”, đây là nhận định của Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải. Cụ thể, để triển khai nội dung ATTP thì luật ATTP có một hệ thống “rườm rà” và phức tạp các luật, thông tư liên tịch, thông tư của từng bộ, quyết định của từng bộ, quy chuẩn kỹ thuật của từng bộ và tỉnh. Luật ATTP ra đời vào năm 2010 đến tháng 7.2011 mới có hiệu lực và cuối năm 2012 mới có Nghị định hướng dẫn thi hành, sự chậm trễ kéo dài đến 2-3 năm. Đến khi thực hiện thì chồng chéo giữa các văn bản với nhau, không có tính khả thi và không có sự liên kết chặt chẽ, tạo nhiều “lỗ hổng” khiến không thể kiểm soát chặt chẽ các quy định về ATTP.

Bên cạnh đó, kiến thức về ATTP của cán bộ quản lý nhà nước chưa chuyên môn và không đồng bộ. Chúng ta chưa xây dựng được một giáo trình ATTP chuẩn quốc gia thống nhất giữa các bộ, chưa quy định cán bộ làm về ATTP phải có kiến thức về ATTP nên việc đào tạo còn thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống quản lý nhà nước có “chân rết” đến tận địa phương hiện nay quá đông.

Mặt khác, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải: “Hiện nay, chế tài xử phạt vi phạm về vệ sinh ATTP không đủ sức răn đe, vẫn chỉ là “phạt cho qua”. Theo Luật dân sự quy định: “Nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý” (Điều 244). Thế tức là phải lăn ra chết ngay thì mới xử lý được”. Vậy những chất độc hại như chất vàng ô, chất tạo nạc salbutamol, thuốc bảo vệ thực vật còn dư…mà chúng ta "nạp" vào rồi tích tụ dần trong cơ thể, sau 5 năm, 10 năm mới phát bệnh thì luật nào, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm (?).

Video: Giới thiệu đại biểu tham gia Hội thảo : "Đóng góp chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm" ngày 2.12 tại Hà Nội.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/chinh-tri/luat-an-toan-thuc-pham-long-leo-doc-to-van-tung-hoanh-402612.bld