Luật hóa cấm tự ý thay màu sơn ô tô, xe máy

Giống như biển số, màu sơn là thông tin nhận dạng xe máy, ô tô. Việc tự ý thay đổi màu sơn khiến lực lượng chức năng khó khăn trong quản lý phương tiện, người lái.

Bị từ chối kiểm định

Tháng 4/2024, anh Nguyễn Văn N (trú tại Hà Nội) đưa ô tô khách giường nằm đến Trung tâm Đăng kiểm 2922D (Đan Phượng, Hà Nội) để đăng kiểm định kỳ nhưng không đạt do màu sơn xe thực tế không đúng với màu sơn ghi trên giấy đăng ký xe.

Tự ý thay đổi màu sơn xe cơ giới là hành vi bị nghiêm cấm quy định tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Anh N cho biết, việc thay đổi màu sơn là do đơn vị kinh doanh vận tải muốn tạo nét riêng biệt cho phương tiện của công ty. "Bị từ chối đăng kiểm, sau khi báo công ty, tôi liền đưa xe đi sơn lại màu cũ để khắc phục, vừa tốn chi phí lại mất thời gian", anh N nói.

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cho biết, khi Thông tư 02/2023 được ban hành, rất nhiều chủ xe tự ý thay đổi màu sơn ô tô đã bị từ chối kiểm định. Đến nay vẫn không ít trường hợp chưa nắm rõ quy định này, dẫn đến khi đưa xe đi đăng kiểm lại phải quay về.

Không chỉ ô tô, việc thay đổi màu sơn nhằm nâng đời xe, tạo sự khác biệt còn được nhiều chủ mô tô, xe máy ưa chuộng, đặc biệt là giới trẻ. Dạo một vòng quanh các tuyến phố ở Hà Nội như: Hàng Mã, Hàng Ngang, Hàng Đào, Cao Bá Quát, Điện Biên Phủ, Bà Triệu, Phố Huế, không khó để bắt gặp hình ảnh những thanh niên tuổi teen điều khiển xe tay ga, xe côn đắt tiền được phun sơn, dán đề can lòe loẹt.

Nhiều hệ lụy

Lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2908D (Hà Nội) cho biết, thay đổi màu sơn xe không ảnh hưởng đến tính năng an toàn của phương tiện. Trường hợp chủ xe muốn thay "áo" cho ô tô nếu làm thủ tục đổi màu sơn xe theo đúng quy định của cơ quan công an sẽ không bị nghiêm cấm, cũng không bị từ chối kiểm định xe.

Thông tư 58/2020 của Bộ Công an quy định, trước khi cải tạo xe, thay đổi màu sơn (kể cả kẻ vẽ, quảng cáo), chủ xe phải khai báo trên trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc trực tiếp đến cơ quan đăng ký xe và được xác nhận thì mới thực hiện và làm thủ tục đổi lại giấy chứng nhận đăng ký xe khi xe đã được cải tạo.

Lãnh đạo Đội CSGT đường bộ số 9, Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết, việc tự ý thay đổi màu sơn xe không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều hệ lụy liên quan đến tội phạm hình sự. Chẳng hạn, thay đổi màu sơn để tiêu thụ tài sản do phạm pháp mà có, dùng xe không đúng màu sơn nguyên bản để "né" lực lượng chức năng, thực hiện hành vi cướp giật tài sản…

Thực tế, đã có những vụ việc tương tự xảy ra. Đơn cử, năm 2021, Công an TP Huế đã khởi tố, bắt tạm giam Phan Đình Bình (SN 1998, trú tại TP Huế) về hành vi trộm cắp tài sản. Theo hồ sơ vụ án, đối tượng này đã gây ra 7 vụ trộm cắp tài sản có giá trị, trong đó, có một vụ trộm cắp xe mô tô Honda BKS 75B-001.90. Đáng chú ý, sau khi trộm xe, Bình đã thay đổi màu sơn hòng qua mặt lực lượng chức năng nhưng cuối cùng vẫn bị bắt giữ.

"Màu sơn là thông tin nhận dạng, là cơ sở quan trọng để xác định, quản lý phương tiện cũng như người lái xe, nhất là trong việc xử lý phạt nguội, điều tra các vụ tai nạn, các vụ án liên quan đến phương tiện. Việc tự ý thay đổi màu sơn sẽ gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi thực hiện các thủ tục liên quan đến xác minh, thẩm định", vị này nói.

Cần thiết luật hóa quy định

Theo lãnh đạo Trung tâm Đăng kiểm 2922D, trước đây, Thông tư 16/2021 quy định về kiểm định xe cơ giới, ô tô có màu sơn không đúng màu sơn ghi trong đăng ký xe được xếp là khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng (MiD) - đồng nghĩa với việc xe vẫn được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Luật hóa quy định cấm tự ý thay màu sơn xe, nâng cao ý thức của chủ xe trong việc làm thủ tục thay đổi màu sơn xe trên đăng ký, đảm bảo sự nhận dạng phương tiện.

Nhưng tại Thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 16/2021 có hiệu lực từ ngày 22/3/2023, ô tô có màu sơn không đúng màu sơn ghi trong đăng ký lại được xếp vào loại khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD).

Do đó, ô tô có màu sơn không đúng theo đăng ký xe khi đến trung tâm đăng kiểm sẽ bị trượt kiểm định. Chủ xe cần phải khắc phục bằng cách đổi lại màu sơn nguyên bản giống trên đăng ký xe hoặc đến cơ quan công an làm thủ tục thay đổi màu sơn trên giấy đăng ký xe, sau đó đưa xe đi đăng kiểm lại.

Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc đưa nội dung thay đổi màu sơn xe vào hạng mục hư hỏng khiếm khuyết quan trọng còn nhằm phù hợp với quy định tại Thông tư 58/2020 của Bộ Công an, giúp nâng cao trách nhiệm của chủ phương tiện.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp Quốc hội tới đã quy định rõ một trong những hành vi bị nghiêm cấm là "Tự ý thay đổi màu sơn xe cơ giới, xe máy chuyên dùng".

Nghị định 100/2019 cũng quy định phạt tiền từ 100-200 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 200-400 nghìn đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe máy; phạt tiền từ 300-400 nghìn đồng đối với cá nhân và từ 600-800.000 nghìn đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô nếu tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong giấy đăng ký xe.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, mức phạt hiện nay chưa đủ răn đe dẫn đến nhiều người vẫn vi phạm. Do đó, việc luật hóa quy định sẽ giúp người dân nhận biết rõ hơn tầm quan trọng của việc duy trì màu sơn ô tô thực tế so với thông tin trên đăng ký xe. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để nghiên cứu tăng nặng chế tài.

Yến Chi

Nguồn ATGT: https://atgt.baogiaothong.vn/luat-hoa-cam-tu-y-thay-mau-son-o-to-xe-may-192240510190829039.htm