Luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ: Dễ dẫn đến xung đột Luật

Tranh luận xung quanh việc luật sư có nghĩa vụ tố giác thân chủ, trao đổi với PV, Luật sư Lê Hồng Hiển - Văn phòng luật sư Lê Hồng Hiển và Cộng sự đã đưa ra quan điểm riêng.

Liên quan đến dự thảo Bộ luật Hình sự đang được Quốc hội thảo luận và xem xét thông qua nhận được sự quan tâm, chú ý của dư luận, đặc biệt là điều khoản quy định về việc Luật sư phải tố giác thân chủ của mình. Quan điểm của Luật sư về quy định này như thế nào?

Với tư cách là người chịu sự điều chỉnh trực tiếp từ quy định này và cả dưới góc độ pháp lý, tôi cho rằng quy định nêu trên tại dự thảo Bộ luật Hình sự về việc Luật sư phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác tội phạm, hay nói cách khác là Luật sư phải tố giác thân chủ của mình nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, vừa có dấu hiệu vi hiến, mâu thuẫn với các Luật khác, vừa không phù hợp trên thực tế.

Theo cá nhân tôi có một số nội dung như sau:

Thứ nhất: Quyền tự bào chữa hoặc quyền nhờ Luật sư bào chữa của Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam là quyền Hiến định đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013. Nếu quy định Luật sư phải tố giác thân chủ của mình thì liệu những thân chủ đó có nhờ luật sư bào chữa nữa hay không?

Tôi cho rằng không có vị thân chủ nào lại bỏ tiền ra để đi thuê Luật sư bảo vệ cho mình trong khi họ biết mình sẽ bị Luật sư đó tố giác, và vì thế quyền được nhờ Luật sư bào chữa của họ đã được quy định trong Hiến pháp sẽ bị ảnh hưởng, vi phạm.

Thứ hai, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Luật sư hiện hành quy định cấm Luật sư không được tiết lộ bí mật của thân chủ, không được làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa.

Nếu Điều khoản quy định Luật sư phải tố giác hành vi phạm tội của thân chủ mình được thông qua thì điều luật này sẽ mâu thuẫn với 02 Luật nêu trên. Đó là chưa kể Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam cũng quy định cấm luật sư tiết lộ bí mật của thân chủ, không làm xấu đi tình trạng của khách hàng do mình bào chữa như quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Luật sư.

Luật sư Lê Hồng Hiển.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dự thảo Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự cũng chỉ quy định Luật sư chỉ phải tố giác thân chủ của mình trong trường hợp thân chủ phạm các tội xâm phạm về an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, theo ông nếu quy định như vậy thì có hợp lý không?

Đúng là dự thảo Khoản 3 Điều 19 quy định Luật sư chỉ phải chịu trách nhiệm nếu không tố giác khách hàng phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc một số tội đặc biệt nghiêm trọng khác. Nhưng như tôi đã phân tích, sự không phù hợp và bất hợp lý của Khoản 3 Điều 19 không hoàn toàn nằm ở mức độ nghiêm trọng của tội phạm, mà bản chất nằm ở chỗ và ở quy định trong Hiến pháp:

Theo Hiến pháp năm 2013 và kể cả các bản Hiến pháp trước đây cũng như trong Bộ luật Tố tụng hình sự đều quy định một nguyên tắc rất quan trọng mà bất kể sinh viên học Luật cũng biết đó là nguyên tắc suy đoán vô tội và quy định không ai bị coi là có tội nếu chưa có bản án kết tội đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Điều này có nghĩa là khi tiếp xúc và chỉ qua lời kể của thân chủ đối với hành vi phạm tội khác (đối với hành vi phạm tội đang nhờ luật sư bào chữa cho mình thì có nghĩa là lúc này khách hàng đã bị Cơ quan điều tra phát hiện khởi tố nên vấn đề tố giác không đặt ra) thì làm sao luật sư có thể xác định rõ được hành vi phạm tội khác của thân chủ là như thế nào, có thuộc trường hợp phải tố giác hay không để mà tố giác?

Và nếu không biết rõ hành vi phạm tội của thân chủ có phải là tội phạm hay không và nếu là tội phạm thì có phải thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng hay không, bởi cùng một tội danh nhưng có thể thuộc khung khoản khác nhau, mức độ nghiêm trọng khác nhau, thì làm sao có thể đi tố giác thân chủ? Đó là chưa kể đến các khía cạnh đạo đức và đặc thù nghề nghiệp như đã nói ở trên.

Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, có nhiều ý kiến đều đồng tình và cho rằng quy định phải tố giác đối với loại tội phạm này là cần thiết, bởi an ninh quốc gia là quan trọng nhất, nếu an ninh quốc gia không còn thì sẽ không còn gì, bao gồm cả nghề luật sư, ý kiến của ông như thế nào?

Tôi cho rằng lập luận và so sánh như vậy là không đúng với bản chất vấn đề đang đặt ra, lập luận này dễ dẫn đến việc dư luận hiểu nhầm rằng luật sư đang đặt lợi ích của bản thân và nghề nghiệp lên trên lợi ích quốc gia.

Thực chất không phải như vậy, bởi thực tế trong lịch sử và trên thế giới không có nước nào bị mất an ninh quốc gia chỉ vì luật sư không tố giác thân chủ phạm tội này.

Hơn nữa, chúng ta đang bảo vệ quyền con người, cụ thể là quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, những quyền này đã được Hiến định và hơn nữa nếu quy định như dự thảo thì sẽ dẫn đến xung đột Luật và một loạt các hệ quả tiêu cực như tôi đã phân tích ở trên.

Xin cảm ơn Luật sư về cuộc trò chuyện này!

Theo Thương Trường

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/luat-su-co-nghia-vu-to-giac-than-chu-de-dan-den-xung-dot-luat-p49711.html