Luật sư điểm mặt những 'điểm hở' trong vụ tòa trả hồ sơ do lái xe khách kêu oan

Liên quan đến vụ xe cứu thương húc xe biển xanh chở Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương, tài xế xe khách bị bắt giam, luật sư Tạ Ngọc Bảo nhận định, cơ quan tiến hành tố tụng TP Hải Dương đã vi phạm tố tụng.

Vi phạm tố tụng hình sự:

Theo luật sư Tạ Ngọc Bảo phân tích: Quá trình giải quyết vụ án hình sự, VKS, TAND TP Hải Dương đã nhiều lần có quyết định về việc trả lại hồ sơ vụ án hình sự, yêu cầu điều tra bổ sung vì chứng cứ chưa đầy đủ, chưa làm rõ các tình tiết khách quan trong vụ án.

Cụ thể, đã có những vi phạm tố tụng như: Về thời hạn điều tra quy định tại khoản 1 và điểm c, Khoản 2, Điều 119 BLTTHS (tổng cộng không quá 12 tháng); Về thời hạn tạm giam để điều tra quy định tại khoản 1 và điểm c, Khoản 2 Điều 120 BLTTHS (tổng cộng không quá 09 tháng).

Đặc biệt, điều luật này quy định: Trong khi tạm giam, nếu xét thấy không cần thiết phải tiếp tục tạm giam thì Cơ quan điều tra phải kịp thời đề nghị VKS hủy bỏ việc tạm giam để trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Xe chở Viện trưởng VKSND tỉnh Hải Dương Nguyễn Huy Thái bị nát phần đầu.

Khi hết thời hạn tạm giam, người ra lệnh tạm giam phải trả tự do cho người bị tạm giam hoặc xét cần thì áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Tuy nhiên, bị cáo Hồng và người nhà bị cáo đã có đơn đề nghị bảo lãnh, đơn xin tại ngoại nhưng không được cơ quan điều tra xem xét, giải quyết.

Xét thấy, bị cáo Hồng có nhân thân tốt, địa chỉ rõ ràng (cơ quan làm việc và nơi cư trú), hoàn cảnh gia đình: vợ mới sinh con đầu lòng, bị cáo phạm tội lần đầu, thành thật khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, con thương binh có công với nước… chỉ với những tình tiết giảm nhẹ và theo quy định của pháp luật những trường hợp này không áp dụng hình thức tạm giam để điều tra.

Nhưng đáng tiếc, cơ quan điều tra đã ra lệnh tạm giam bị cáo Hồng từ ngày 06/6/2014 đến nay. Việc làm như vậy là lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng tố tụng hình sự, để lại những hậu quả pháp lý nặng nề.

Tôi kiến nghị HĐXX cần làm rõ những vi phạm tố tụng này trong giai đoạn điều tra để thấy động cơ gì đằng sau việc tạm giam bị cáo Hồng.

Luật sư Tạ Ngọc Bảo và đại diện VKSND TP Hải Dương đã tranh luận gay gắt trong ngày thứ 2 xét xử vụ án tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 5

Về thời hạn điều tra bổ sung quy định tại khoản 2, Điều 121 BLTTHS: Trong trường hợp vụ án do Viện Kiểm sát trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá hai tháng; nếu do Tòa án trả lại để điều tra bổ sung thì thời hạn điều tra bổ sung không quá một tháng.

Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ được trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung không quá hai lần. Thời hạn điều tra bổ sung tính từ ngày Cơ quan điều tra nhận lại hồ sơ vụ án và yêu cầu điều tra.

Như vậy, xét trong hồ sơ vụ án này đã có vi phạm tố tụng hình sự về thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam và điều tra bổ sung.

Vụ án hình sự có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ

Luật sư Bảo cũng cho rằng: Tại bản Cáo trạng của Viện KSND TP Hải Dương đọc tại phiên tòa sơ thẩm còn cho thấy việc truy tố và căn cứ buộc tội chưa phù hợp với diễn biến khách quan vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, quá trình thu thập chứng cứ và điều tra có vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự nhận định được lỗi của xe nào gây ra. Tuy nhiên, tài xế xe khách Tạ Quang Hồng vẫn bị khởi tố và giam gần 2 năm.

Cụ thể: Đại diện VKS có đính chính về thời gian: Ngày 04/12/2015 và ngày 04/12/2013 là ngày xảy ra TNGT. Tuy nhiên, còn nhiều điểm khác cáo trạng lần này vẫn giữ nguyên như những lần trước khi cho rằng xe khách 29B- 059.84 đi với tốc độ: từ 60-78 km/h tại thời điểm gây tai nạn.

Như vậy, đã bác bỏ chứng cứ giám sát hành trình thu thập trong giai đoạn bổ sung điều tra tại Công ty Bình An, tốc độ xe khách là: 59 km/h. Tôi xin nhấn mạnh thiết bị giám sát hành trình trên xe khách theo quy định tại Điều 12 của Nghị định số 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và do chính cơ quan điều tra thu thập vì vậy phải là chứng cứ hợp pháp.

Xác định lỗi vi phạm của bị cáo Hồng, cáo trạng cho rằng: “Do không đi đúng làn đường và không giữ khoảng cách an toàn theo quy định đối với xe phía trước cùng chiều” dẫn đến va chạm?

Tôi xin tranh luận tại phần đối đáp đề nghị đại diện VKS làm rõ: Thế nào là đi đúng làn đường, xe khách phải đi theo làn đường nào? Quy định tại văn bản nào? Và giữ khoảng cách an toàn theo quy định là bao nhiêu? Quy định tại văn bản nào?

Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung của TAND TP Hải Dương.

Theo như sơ đồ hiện trường lập hồi 8 giờ 20 phút ngày 04/12/2013 (bút lục số 21) thì xe ô tô BKS 30K-8365 (xe đầu tiên) nằm ở vị trí trên cùng (chiều HP- HN) cách vị trí xe mô tô BKS 34-086 KC bị va chạm đổ nghiêng là 17,60 m; tiếp đến cách khoảng gần 3m là 04 xe ô tô nằm ở các vị trí gần như ngang hàng nhưng khác nhau về hướng: xe ô tô BKS 30Z-1277 xoay ngang mũi đâm thẳng vào dải phân cách cứng, xe của VKS 34A-001.40 nằm tại làn số 2 mũi xe chếch về phía thành cầu Phú Lương, xe cứu thương 14M-001.16 đổ nghiêng xoay 45 độ mũi về phía dải phân cách sát với xe 30Z-1277, phần đít xe chạm với đít xe VKS, xe khách 29B-059.84 nằm hoàn toàn ở làn số 1, mũi xe bên phải sát thành cầu, bên trái gần sát mũi xe VKS.

Theo sơ đồ hiện trường như vậy, không thể xác định xe nào đâm vào xe nào. Để làm rõ các tình tiết khách quan, tôi sẽ trình bày rõ hơn ở phần sau của luận cứ này.

Tuy nhiên, điều thấy rõ nguyên nhân dẫn đến va chạm liên hoàn tiếp theo ngay sau đó của các xe ô tô là lỗi của người đi xe máy đã vi phạm không đi đúng phần đường quy định (làn 1) mà bất ngờ chuyển hướng rẽ trái cắt ngang quốc lộ 5 (đoạn không được phép cắt qua đường vì có dải phân cách cứng) đã làm xe ô tô BKS 30K-8365 phía sau đâm vào xe máy và dừng lại đột ngột.

Sau ba ngày xét xử, HĐXX TAND TP Hải Dương quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tiếp theo là các xe ô tô phía sau đều bị bất ngờ và xử lý theo các cách khác nhau: Xe ô tô BKS 30Z- 1277 húc vào sau xe BKS 30K-8365; Đặc biệt: xe ô tô BKS 34A-001.40 đang chở Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hải Dương húc thẳng vào phía sau xe BKS 30Z- 1277;

Đặc biệt hơn, trong lúc này: Xe cứu thương BKS 14A-001.16 chở người bệnh hấp hối (Bệnh viện Thụy Điển, QN trả về, đang bóp bóng thở) lái xe được đặt hàng chở về nhà để kịp giờ chết đã vượt xe khách BKS 29B- 059.84 chạy lên dốc cầu Phú Lương định vượt tiếp xe của VKS thì gặp sự cố đâm va dừng xe đột ngột nêu trên nên xe cứu thương đã đâm tiếp vào phía sau xe BKS 34A-001.40 chở Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hải Dương;

Xe khách BKS 29B- 059.84 do bị xe cứu thương vượt lúc vào dốc cầu Phú Lương nên bị chắn tầm nhìn.

Vì vậy, khi phát hiện xe cứu thương đâm vào xe của Viện KSND thì buộc phải phanh đột ngột và đánh lái sang phải, buộc phải va chạm vào cánh cửa bên phải phía sau xe cứu thương và lao vào thành cầu Phú Lương, dừng lại.

Việc đánh lái, phanh xe va chạm phía sau xe cứu thương và dừng tại thành cầu phù hợp với lời khai của lái xe, phụ xe, các hành khách trên xe và dấu vết hiện trường: vết phanh, vết va chạm đầu xe bên phải và thành cầu Phú Lương, vết đâm va bên trái đầu xe khách với phía sau bên phải xe cứu thương…

Qua tóm tắt diễn biến như nêu trên, có thể thấy vụ TNGT đâm xe liên hoàn trên dốc cầu Phú Lương trở thành vụ án hình sự phức tạp do có những tình tiết đặt biệt sau:

Nguyên nhân ban đầu: Do người đi xe mô tô đi trái đường nhưng không bị điều tra, truy tố. Tôi kiến nghị cần làm rõ các tình tiết liên quan đến người điều khiển mô tô BKS 34-086 KC này.

Trong vụ đâm va liên hoàn có sự góp mặt của xe ô tô chở Viện trưởng Viện KSND tỉnh Hải Dương tham gia đâm va. Theo lời khai của ông Nguyễn Huy Thái - Viện KSND tỉnh (bút lục số 441) ông ngồi ở ghế phụ phía trước của xe mặc dù trong lúc xe chạy ông ngủ.

Nhưng lời khai của ông gợi ý hướng điều tra: xe Viện KSND tỉnh không có lỗi do va chạm từ xe phía sau làm xe VKS va chạm vào xe phía trước.

Có sự nôn nóng của lái xe cứu thương chạy kịp giờ về nhà của bệnh nhân chở trên xe nên đã cố tình vượt xe khách lúc đang lên dốc cầu (tốc độ xe khách lúc đó theo giám sát hành trình là 59km/h).

Như vậy, tốc độ xe cứu thương phải trên 80 km/h khi vượt xe khách; đồng thời sau khi vượt lên trên xe khách, xe cứu thương cũng định vượt xe VKS nhưng do xe Viện KSND tỉnh Hải Dương dừng đột ngột phía trước nên đã đâm vào phía sau xe của Viện KSND tỉnh.

Cũng liên quan đến vụ việc nói trên, sau ba ngày xét xử, HĐXX TAND TP Hải Dương đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Pháp luật Plus tiếp tục thông tin về vụ việc.

Duy Khương- Luyện Vũ

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/luat-su-diem-mat-nhung-diem-ho-trong-vu-toa-tra-ho-so-do-lai-xe-khach-keu-oan-d13487.html