Luật sư Mỹ nặng lòng với trẻ em Việt Nam

Quỹ từ thiện ChildCare Vietnam được luật sư Larry Borten lập ra để giúp đỡ trẻ em Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Trở về Mỹ từ sau chuyến thăm một trung tâm bảo trợ xã hội tại Đà Nẵng năm 2011, luật sư người Mỹ Larry Borten vẫn không thôi trăn trở về những gì ông nhìn thấy. Hai năm sau, Larry thành lập tổ chức từ thiện mang tên ChildCare Vietnam, bắt đầu cuộc hành trình mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em bé nơi đây.

Trò chuyện cùng Larry qua điện thoại một buổi chiều giữa tháng 6, ông cho biết đang gấp rút chuẩn bị các công đoạn trong đêm nhạc gây quỹ từ thiện cho ChildCare Vietnam. Giữa những tiếng còi xe không ngừng nghỉ của thành phố New York, Mỹ, ông kể lại hành trình xây dựng tổ chức này từ những ngày đầu.

Luật sư Larry Borten, người sáng lập ChildCare Vietnam.

"Làm sao để các dự án từ thiện đủ kinh phí cũng khiến tôi có thêm vài sợi tóc bạc", ông cười nói. "Khi bạn xây dựng cái gì đó từ con số 0, nhiều lúc cũng không tưởng tượng được dự án sẽ thành công", Larry nhớ lại những ngày đầu thành lập ChildCare Vietnam.

Phong thái cẩn trọng ở một luật sư lâu năm thể hiện cả trong giọng nói nghiêm túc của ông. Larry trầm tĩnh kể lại lý do đã đưa ông đến với các em bé tật nguyền tại Quảng Nam.

"Tôi chỉ khoảng 6-7 tuổi khi chiến tranh Việt Nam bắt đầu" Larry kể. "Tôi phản đối gay gắt cuộc chiến và rất sợ sẽ phải tham gia nó".

Hồi ức của Larry về cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ gói gọn trong những hình ảnh chiếu trên TV. Mặc dù cuộc chiến kết thúc trước khi ông đủ tuổi nhập ngũ, cảm giác rằng Mỹ không nên có mặt tại Việt Nam vẫn còn đó. Ông bắt đầu nghĩ tới một ngày nào đấy sẽ tới thăm mảnh đất bên kia bán cầu.

Nhiều năm sau, ông lên kế hoạch đến Việt Nam. "Những người bạn của tôi từng du lịch Việt Nam đều nói đấy là một nơi tuyệt vời", Larry chia sẻ lý do thứ hai khiến Việt Nam trở thành một nơi "phải tới" trong danh sách của ông.

Năm 2003, khi đang làm luật sư cho một tổ chức bảo vệ quyền lợi trẻ em ở New York, Larry Borten có chuyến thăm Việt Nam đầu tiên. Yêu mến mảnh đất này từ lần đầu gặp gỡ, ông quyết định trở lại Việt Nam năm 2011 với tư cách một tình nguyện viên dạy tiếng Anh tại Đại học Quảng Nam.

Trong chuyến đi cách đây 6 năm, ông được giám đốc chương trình tình nguyện dẫn tới một trung tâm bảo trợ xã hội ở Đà Nẵng, cách trường đại học một giờ lái xe. Ấn tượng sâu sắc từ chuyến thăm đầu tiên, ông tiếp tục trở lại Tam Kỳ để thăm các trung tâm chăm sóc trẻ em mồ côi và người khuyết tật khác trong khu vực.

Larry vẫn nhớ rõ hình ảnh những em bé tại các trung tâm ông tới thăm. Bé trai tên Trúc biết nói tiếng Anh chỉ qua những lần gặp gỡ khách nước ngoài đến thăm hay bé gái 4 tuổi tên Duyên với ánh mắt rực sáng mỗi khi được bế ẵm trên tay.

Nhiều năm làm công việc liên quan đến trẻ em, Larry day dứt về điều kiện chăm sóc, cơ sở vật chất và tinh thần thiếu thốn tại đây. Ông hiểu rõ quãng thời gian đầu đời quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của các em về sau. Suy nghĩ ấy ám ảnh ông ngay cả khi đã trở về Mỹ. "Tôi biết mình cần phải làm gì đó", Larry cho hay.

Sau chuyến thăm năm 2003, Larry đã trở lại Việt Nam 12 lần. Ông tranh thủ các kỳ nghỉ trong năm để tham gia công tác tình nguyện ở Việt Nam. "Đồng nghiệp của tôi đều nghĩ tôi 'khác người' nên mới sử dụng số ngày nghỉ theo cách như vậy", ông cười nói.

Năm 2013, Larry sáng lập ChildCare Vietnam với số tiền ủng hộ ban đầu từ một người thân trong gia đình. Cùng thời điểm này, ông từ bỏ công việc tại cơ quan cũ và mở văn phòng luật riêng mang tên Lawrence Borten.

"Một phần lý do là tự mở văn phòng luật giúp tôi tự chủ về thời gian, có thể tới Việt Nam khi tôi muốn", ông nói. "Tôi chủ động nhận ít việc hơn để dành thời gian cho Việt Nam".

Điều hành một tổ chức từ thiện đã khó, làm điều ấy khi cách xa nửa vòng Trái Đất càng không đơn giản. Năm 2015, Larry tới Việt Nam cùng cộng sự tại ChildCare Vietnam, anh Duy Ngô, một tư vấn viên hiện làm việc cho tập đoàn PwC ở New York, để tìm giám đốc điều hành cho chương trình.

Từ đó tới nay, ChildCare Vietnam đã có thêm 9 thành viên là các cô giáo, điều dưỡng viên làm việc trực tiếp với những cán bộ, nhân viên làng trẻ em Hòa Bình ở Quảng Nam. Không chỉ giúp các em chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, chương trình còn hỗ trợ để các em được đi học ngay tại trung tâm, có thêm cơ hội phát triển khả năng.

Các cô giáo của Childcare Vietnam.

Ở New York, Larry thường xuyên tiếp nhận báo cáo về chương trình gửi từ Việt Nam qua. Mỗi thay đổi tích cực trong sự phát triển của các em đều mang tới cho ông niềm vui.

"Tôi được nghe kể mỗi buổi sáng, các em đều tới gặp giám đốc điều hành chương trình, nhìn qua cửa sổ và hỏi 'hôm nay có đi học không ạ?'", Larry chia sẻ, không giấu nổi niềm tự hào khi nhắc tới một chi tiết nhỏ nhưng khiến ông hạnh phúc về những thành quả mà chương trình đạt được.

Larry tháng 7 này sẽ trở lại Việt Nam trong khoảng 2 tuần để tiếp tục những kế hoạch mới với đứa con tinh thần của mình. Việt Nam với ông giờ đây là bạn bè, là những mối quan hệ, là một chương trình ông hết mực nâng niu. Trong suy nghĩ của người luật sư tâm huyết với sự phát triển trẻ em nơi đây, Việt Nam vẫn luôn là mảnh đất "phải tới" cho những việc "phải làm".

Theo Hoàng Phương/Vnexpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/luat-su-my-nang-long-voi-tre-em-viet-nam-192649/