Luật sư phải tố giác thân chủ nếu có vi phạm về tội xâm phạm an ninh Quốc gia

Trách nhiệm hình sự của luật sư và những điều khoản bất cập cần sửa đổi, hoàn thiện…

Sáng 13/4/2017, tại trường Đại học Luật Hà Nội đã diễn ra Hội thảo góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại Hội thảo (Ảnh Lương Liễu).

Tới dự Hội thảo có Trung tướng Trần Văn Độ, nguyên Chánh án, Tòa án quân sự Trung ương, Phó chánh án TANDTC. Luật sư Hoàng Huy Được, Phó Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP Hà Nội; TS Lê Đăng Doang, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Đại học Luật Hà Nội… và nhiều Tiến sĩ Luật, Luật sư đại diện của một số tỉnh cùng tham dự.

Tại buổi Hội thảo, Luật sư Hoàng Huy Được nêu một số vấn đề lớn của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, liên quan tới trách nhiệm hình sự của Luật sư. Trong đó có những điểm bất cập và xung đột cần xem xét sửa đổi.

Trong đó, ông đồng tình với bản tham luận, góp ý của Luật sư Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Liên quan đến Điều 19 không tố giác tội phạm; Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 quy định: Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự, trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sư.

Luật sư Hoàng Huy Được cho rằng đây là một quy định rất rộng, có đến 83 tội. Như vậy, phạm vi các tội mà người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự cũng tăng theo. Điều này sẽ tác động xấu tới tâm lý người bào chữa, nỗi lo và tai nạn nghề nghiệp.

Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) là hai Bộ luật gắn bó hữu cơ với nhau. Quy định của BLHS có thực hiện được phải dựa vào BLTTHS.

Theo đó, BLTTHS, 2015 đã quy định; Luật sư không được tiết lộ thông tin của khách hàng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thế nhưng, Khoản 3 Điều 19 BLHS 2015 quy định; Tiết lộ thông tin khách hàng, cung cấp ở cấp độ cao hơn là tố giác họ phạm tội.

Điều này trái với đạo đức của nghề Luật sư, làm xấu đi tình trạng của thân chủ do mình bào chữa. Như vậy, thì Luật sư thực hiện theo Luật nào?

Nhiều quan điểm đưa ra tại Hội thảo cho rằng, như vậy trong hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư phải tố giác thân chủ. Và điều này không chỉ đi ngược với đạo đức của người hành nghề Luật sư mà còn xung đột, mâu thuẫn trong Bộ luật.

Nhiều ý kiến tham luật cho rằng, cần để cho Luật sư lựa chọn trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đưa ra, cần đặt lợi ích của Quốc gia lên trên hết.

Do đó, quy định trong hoạt động nghề nghiệp của mình, Luật sư phải tố giác thân chủ trong trường hợp có vi phạm về các tội xâm phạm an ninh Quốc gia.

Vấn đề trên còn nhiều tranh cãi về trách nhiệm hình sự của Luật sư trong hoạt động nghề nghiệp.

Tiến sĩ Luật Chương Văn Dũng phát biểu tại Hội thảo (Ảnh Lương Liễu).

Đồng quan điểm, Trung tướng Trần Văn Độ chỉ ra rằng những bất lợi và cả rủi ro trong hoạt động nghề nghiệp của những người hành nghề Luật sư, nếu quy định mới được thông qua. Đặc biệt, Trung tướng nhấn mạnh: “Pháp luật cần phải quy định rõ ràng, cụ thể, tránh hiểu nhầm hoặc ngầm hiểu”.

Lương Liễu

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/luat-su-phai-to-giac-than-chu-neu-co-vi-pham-ve-toi-xam-pham-an-ninh-quoc-gia-d40430.html