Luật sư phân tích những tình tiết có dấu hiệu oan sai trong vụ khởi tố nguyên Phó Viện trưởng VKSND Thái Nguyên

Vụ án này đến nay đã qua nhiều lần, nhiều cấp xét xử, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện nay, nhiều tình tiết trong vụ án vẫn đang còn là ẩn số.

Để làm rõ hơn về vụ việc, Phóng viên Pháp luật Plus đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla về những vấn đề pháp lý xoay quanh vụ án của vợ chồng Quỳnh Anh và Khánh Dương.

Luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng VP Luật sư Interla.

PV: Luật sư có thể cho biết việc kê biên tài sản được pháp luật quy định như thế nào?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế nhằm đảm bảo việc thi hành án. Trong thời gian kê biên, đối tượng bị áp dụng bị hạn chế quyền về tài sản.

Việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với đối tượng là bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định có thể bị phạt tiền hoặc tịch thu tài sản cũng như đối với người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên không phải tất cả các tài sản của những người thuộc các đối tượng trên đều bị kê biên. Khi tiến hành kê biên phải tuân theo các nguyên tắc sau:

Chỉ kê biên phần tài sản tương ứng với mức có thể bị tịch thu, phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại.

Trong trường hợp có thể bị tịch thu toàn bộ tài sản thì việc kê biên vẫn phải để lại một phần tư liệu sinh hoạt tối thiểu, cần thiết cho gia đình bị can, bị cáo có điều kiện sinh sống như lương thực, thuốc men, đồ đạc, dụng cụ sản xuất, chăn, màn, quần áo…

Chỉ kê biên phần tài sản thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo hoặc người có trách nhiệm bồi thường.

PV: Theo luật sư tại thời điểm ban hành các Lệnh kê biên tài sản trong vụ án của Quỳnh Anh và Khánh Dương thì CQCSĐT đã có đầy đủ căn cứ pháp lý hay chưa?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Việc khởi tố ông Hợp bắt nguồn từ việc ông Hợp ra các quyết định hủy bỏ các lệnh kê biên tài sản của Cơ quan cảnh sát điều tra – CA tỉnh Thái Nguyên trong vụ án Võ Khánh Dương, Nguyễn Thị Quỳnh Anh phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Tuy nhiên, tại thời điểm ông Hợp ký các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên thì Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) chưa chứng mình được số tiền mà vợ chồng Quỳnh Anh sử dụng để mua những tài sản hiện đang bị kê biên có phải có nguồn gốc từ số tiền chiếm đoạt của 27 bị hại hay không?

(Nếu có thì chiếm đoạt của ai? Vào thời gian nào? Số tiền chiếm đoạt bao nhiêu? Được sử dụng vào những việc gì?).

Điều này được khẳng định ngay trong chính Quyết định giám đốc thẩm số 03/2016/HS-GĐT ngày 15/6/ 2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: “CQĐT chưa điều tra làm rõ tài sản nào vợ chồng Dương, Anh sử dụng tiền vay của những người bị hại trong vụ án để mua, tài sản nào do phạm tội mà có, là vật chứng của vụ án, tài sản nào thuộc diện kê biên.....để làm căn cứ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.”

Trước đó, CQCSĐT cũng chưa có đủ căn cứ chứng minh Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, chưa chứng minh được Quỳnh Anh và Khánh Dương sử dụng tiền vay vốn vào mục đích bất hợp pháp, chưa định giá được giá trị tài sản và khả năng thanh toán công nợ của Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương.

Tài liệu có trong hồ sơ cũng chưa có căn cứ vững chắc xác định Nguyễn Thị Quỳnh Anh và Võ Khánh Dương bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đồng nghĩa với việc có dấu hiệu vợ chồng Quỳnh Anh không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, trong khối tài sản mà CQCSĐT kê biên thì có tài sản đã được vợ chồng Quỳnh Anh chuyển nhượng cho người khác trước thời điểm khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, bỏ qua tất cả những sai sót trên, CQĐT vẫn ra các lệnh kê biên tất cả tài sản được cho là của vợ chồng Quỳnh Anh và chuyển toàn bộ hồ sơ sang VKSND tỉnh Thái Nguyên để tiến hành việc truy tố.

Như vậy, việc CQCSĐT kê biên một số tài sản trong vụ án này theo tôi là không đủ căn cứ pháp lý.

PV: Luật sư có đánh giá như thế nào về những tình tiết chưa được làm rõ trong vụ án này?

Luật sư Trương Quốc Hòe: Trước hết, việc khởi tố Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” bắt nguồn từ việc một số chủ nợ làm đơn tố cáo đến CQCSĐT về hành vi vay tiền của vợ chồng Quỳnh Anh nhưng có dấu hiệu bỏ trốn, không trả nợ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của họ.

Quá trình giải quyết vụ án, CQCSĐT đã kết luận vợ chồng Quỳnh Anh có hành vi vay tiền với số lượng lớn, trả lãi suất cao cho các bị hại từ 2,5% đến 16,5%/tháng.

Tuy nhiên, CQCSĐT lại không xem xét triệt để đến việc có hay không hành vi cho vay nặng lãi của những người cho vay là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc mất khả năng thanh toán của vợ chồng Quỳnh Anh. Cũng tại giai đoạn điều tra, vợ chồng Quỳnh Anh trình bày là trả lãi cho các chủ nợ với lượng tiền rất lớn nhưng CQCSĐT vẫn chưa điều tra làm rõ vấn đề này.

Cũng theo hồ sơ vụ án, khoảng cuối tháng 10/2008 khi vợ chồng Quỳnh Anh đang ở Gia Lai thì một số chủ nợ (cùng với một số người tự xưng là Công an Gia Lai) đã đến khống chế, gây áp lực buộc vợ chồng Quỳnh Anh phải chuyển nhượng tài sản cho một số chủ nợ với giá rẻ mạt để cấn trừ nợ.

Tuy nhiên, CQCSĐT cũng đã bỏ qua những tình tiết, hành vi trên của một số chủ nợ, mặc nhiên công nhận các giao dịch bị cưỡng ép giữa một số chủ nợ (“bị hại”) và vợ chồng Quỳnh Anh trước khi vụ án bị khởi tố.

PV: Xin cảm ơn ông!

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Vinh Bá - Đình Quyết

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/luat-su-phan-tich-nhung-tinh-tiet-co-dau-hieu-oan-sai-trong-vu-khoi-to-nguyen-pho-vien-truong-vksnd-thai-nguyen-d52382.html