Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước: Dân đang bơi trong 'biển' văn bản

TP - Hiện từ cấp xã đến cấp trung ương có hơn 25.000 cơ quan giải quyết bồi thường, gây khó khăn trong việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, dẫn tới hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận bắt tay chúc mừng ông Huỳnh Văn Nén tại buổi công khai xin lỗi đầu tháng 12/2015. Ảnh: CTV.

Ngày 7/9, tại TP Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN) sửa đổi.

Thủ tục bồi thường quá rườm rà

GS.TS Lê Minh Tâm, Phó chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, cho rằng: So với thực tế hiện nay, Luật TNBTNN có không ít hạn chế. Người dân đang phải “bơi” trong “biển” văn bản, gây phiền hà, kéo dài thời gian chi trả bồi thường hậu quả do người thi hành công vụ thực hiện sai.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, trình tự thủ tục bồi thường của Luật TNBTNN năm 2009 chưa chặt chẽ, thiếu tính toàn diện, rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường… Hầu như chưa có vụ việc nào cấp kinh phí bồi thường, chi trả tiền bồi thường đúng thời hạn.

Ông Hậu đưa ra ví dụ trường hợp “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén. Ngày 11/4/2016, ông Nén gửi đơn tới TAND tỉnh Bình Thuận yêu cầu bồi thường thiệt hại 18 tỷ đồng. Nhưng đến nay trải qua nhiều thủ tục phức tạp, nhiều lần thương lượng, ông Nén vẫn chưa nhận được mức bồi thường thỏa đáng để bù đắp những thiệt hại mà ông và gia đình phải gánh chịu suốt 17 năm.

Cũng theo ông Hậu, Luật TNBTNN năm 2009 quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo mô hình phân tán, theo đó, cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ. Trong khi từ cấp xã đến cấp trung ương có tới hơn 25.000 cơ quan giải quyết bồi thường. Việc này gây khó khăn cho việc xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, dẫn tới hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc giải quyết bồi thường do chính cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện đang tạo tâm lý không tin tưởng từ người dân… Ngoài ra, mức hoàn trả chưa đảm bảo tính răn đe, chưa nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ. Ví như vụ việc Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Thuận bồi thường cho công dân Lê Thị Kim Thanh hơn 1 tỷ nhưng người thi hành công vụ sai chỉ phải nộp hơn 6 triệu đồng.

TS Nguyễn Văn Tuân cho rằng, địa vị người bị thiệt hại trong các vụ án oan thường ở thế yếu hơn so với người có trách nhiệm phải bồi thường. Họ thường có trình độ thấp, kém hiểu biết pháp luật và là người có khó khăn về kinh tế. Vì vậy, họ gặp không ít khó khăn để tìm căn cứ yêu cầu bồi thường, thu thập tài liệu chứng minh thiệt hại của mình trước cơ quan có trách nhiệm… Mặt khác, cơ quan có trách nhiệm chưa tạo điều kiện, thậm chí còn gây khó khăn cho họ.

Nâng mức bồi thường và cho tạm ứng tiền bồi thường

Ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước (Bộ Tư pháp) nói: Luật TNBTNN sửa đổi làm rõ hơn các thủ tục trong yêu cầu bồi thường theo hướng công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại cũng như sai phạm của người thi hành công vụ.

Về mức bồi thường, Luật TNBTNN mới sẽ nâng cao mức bồi thường thiệt hại. Cụ thể, trước đây quy định mức bồi thường là 3 ngày lương/ngày phạt tù, nay nâng lên 5 ngày lương/ngày phạt tù. Tuy nhiên, theo ông Hưng mức bồi thường này trên thực tế cũng khó đáp ứng được hậu quả mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.

Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm trong dự thảo luật, là việc tạm ứng kinh phí bồi thường cho người bị hại. Quy định mới trong dự thảo Luật TNBTNN: theo đề nghị của người yêu cầu bồi thường ngay sau khi thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường, người giải quyết bồi thường xác định một khoản tiền cho các thiệt hại có thể tính được ngay thì có trách nhiệm đề xuất thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường tạm ứng kinh phí để chi trả một phần khoản tiền đó cho người yêu cầu bồi thường…

Theo ông Hưng, đây là phương án tối ưu, đang được lấy ý kiến rộng rãi để hoàn thiện và bổ sung vào luật. Việc người bị hại được tạm ứng tiền bồi thường oan là rất cần thiết. Vì hầu hết người bị oan sai, bị hại sau thời gian thụ án khi ra tù đều rất khó khăn về kinh tế.

Ông Huỳnh Văn Nén chưa được tạm ứng tiền bồi thường

Ông Trần Việt Hưng cho biết: Xuất phát từ việc ông Nén và một số người bị thiệt hại khác có yêu cầu tạm ứng tiền bồi thường nên Cục mới đưa ra quy định tạm ứng tiền bồi thường vào dự thảo luật. Tuy nhiên, trường hợp ông Nén hiện chưa được tạm ứng tiền bồi thường, vì phải chờ luật mới được thông qua.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/luat-trach-nhiem-boi-thuong-nha-nuoc-dan-dang-boi-trong-bien-van-ban-1047511.tpo