Lục địa đen - hành trình dọc 5 nước Tây Phi qua ống kính người Việt

Châu Phi, vùng đất khắc nghiệt và nghèo đói nhất thế giới, đang nỗ lực phát triển từ tiềm năng sẵn có dù phải đối mặt với tham nhũng, khủng bố và nguy cơ xung đột vẫn chưa mất đi.

Trẻ em vùng Sahel, phía bắc Nigeria, khu vực đang bị sa mạc hóa. Nơi đây thường xuyên xảy ra khô hạn nghiêm trọng và nạn đói khiến trẻ em bị suy dinh dưỡng. Châu Phi hay còn gọi là lục địa đen là một vùng đất giàu tiềm năng nhưng lại phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, nghèo đói, nội chiến và xung đột sắc tộc.

Người dân nghèo ở thành phố Kano, bắc Nigeria. Ảnh chụp trong chuyến đi nghiên cứu từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 6 qua các nước Nigeria, Sierra Leone, Gambia và Senegal ở Tây Phi. Từ nhiều năm nay, khi nói đến châu Phi, người ta nghĩ ngay đến những gì khắc nghiệt nhất mà con người thậm chí không muốn nghĩ tới.

Một bãi rác ở thành phố Kano, bắc Nigeria. Nigeria hiện rơi vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng sau 4 thập kỷ phát triển vượt bậc. Nhiều nước châu Phi ngày nay đang bắt đầu khai thác tiềm năng để phát triển sau khi giành được hòa bình. Tuy nhiên, họ lại phải đối mặt thêm với nạn tham nhũng, tội phạm, khủng bố, trong khi nghèo đói, bệnh tật vẫn còn. Ngoài ra, họ cũng phải giải quyết những vấn đề như thiếu nước, môi trường xuống cấp và chênh lệch giàu nghèo.

Một người bán hàng rong ở thành phố Lagos, Nigeria. Lagos là thành phố lớn nhất Nigeria và là một trong những thành phố đông dân nhất châu Phi. Thành phố là trung tâm tài chính của Nigeria và từng là thủ đô của quốc gia này. Đây là nơi có mức sống cao, có nhiều người giàu nhưng chênh lệch giàu nghèo cũng rất lớn.

Một cửa hiệu bán Hệ điều hành Windows 95 ở Sân bay Kano, Nigeria. Ba nước Nigeria, Sierra Leone, Gambia đều sử dụng tiếng Anh, riêng người Senegal sử dụng tiếng Pháp.

Hòm thư chống tham nhũng của Bộ Nội vụ Nigeria. Chính phủ Nigeria đang nỗ lực đẩy lùi nạn tham nhũng phổ biến ở nước này. Trong chỉ số nhận thức tham nhũng của tổ chức minh bạch quốc tế, Nigeria đứng thứ 31 từ dưới lên.

Quân đội vùng Casamance ở Senegal đảm bảo an ninh cho đoàn công tác vì e ngại các phần tử nổi loạn giáp biên giới Guinea-Bissau.

Người dân thị trấn ven biển Lungi ở Sierra Leone. Sierra Leone từng là thuộc địa của Anh và trải qua nhiều năm nội chiến.

Sân bay Quốc tế Lungi và thủ đô Freetown của Sierra Leone bị biển ngăn cách. Vì từ sân bay tới thủ đô không có cầu nên người dân thường đi lại bằng đò để tiết kiệm chi phí hoặc di chuyển bằng tàu với mức phí cao hơn.

Người dân thủ đô Freetown của Sierra Leone thiếu nước sạch để sử dụng. Điều kiện vệ sinh ở đây cũng không được đảm bảo.

Một phụ nữ trên đường phố Gambia. Người dân ở Gambia phải vất vả kiếm việc làm. Tổng thống Adama Barrow của nước này đã đánh bại người tiền nhiệm Yahya Jammeh trong cuộc bầu cử hồi đầu năm. Ông Yahya Jammeh được mệnh danh là tổng thống "tỷ năm" của Gambia sau 22 năm nắm quyền.

Nguyễn Thế Hồng (từ Senegal)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/luc-dia-den-hanh-trinh-doc-5-nuoc-tay-phi-qua-ong-kinh-nguoi-viet-post753560.html