'Lùm xùm' sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây (Hà Nội): Không có chủ trương xóa bỏ các Trung tâm GDTX cấp thành phố

Phản biện quan điểm của Sở Nội vụ Hà Nội rằng việc sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) Hà Tây là thực hiện “chủ trương”, nhiều chứng cứ đưa ra cho thấy, HĐND cũng như UBND thành phố Hà Nội không có chủ trương xóa bỏ các Trung tâm GDTX cấp thành phố.

>>Đưa Trung tâm GDTX cấp tỉnh về cấp huyện, TP. Hà Nội áp dụng sai luật?

Liên quan đến việc “lùm xùm” sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây (TP.Hà Nội), chiều 9/1, bà Khuất Thị Hoa Oanh, Giám đốc Trung tâm GDTX Hà Tây cho PV báo Điện tử Congluan.vn biết, sau khi Trung tâm có đơn khiếu nại về việc sáp nhập, các sở ngành của TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp “7 bên” để giải quyết kiến nghị, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố. Tuy nhiên, cả hai cuộc họp tổ chức vào các ngày 27/12/2016 và 5/1/2017 đều chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng.

Như Congluan.vn đã thông tin, ngày 28/9/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 5399/QĐ-UBND, theo đó sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông. Quyết định này đã bị các cán bộ, viên chức của Trung tâm phản ứng vì họ cho rằng áp dụng sai đối tượng đồng thời dư luận và nhiều chuyên gia pháp lý cũng nhận xét văn bản này có sai sót về kỹ thuật soạn thảo, phủ định những cơ sở pháp lý mà chính quyết định này lấy làm căn cứ, dẫn đến những “lỗ hổng” pháp lý, không thể áp dụng được…

Trở lại hai cuộc họp gần đây về vấn đề sáp nhập Trung tâm GDTX Hà Tây, theo bà Khuất Thị Hoa Oanh, nhiều ý kiến trong cuộc họp đã cho thấy có sai sót từ phía Sở Nội vụ trong việc tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5399/QĐ-UBND.

Theo đó, phát biểu ý kiến tại cuộc họp, ông Phạm Tiến Lực, Phó trưởng phòng Tổ chức – Cán bộ Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định trong đề án thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên trực thuộc quận huyện, thị xã phía Sở GD-ĐT gửi Sở Nội vụ và UBND thành phố Hà Nội không có tên Trung tâm GDTX Hà Tây vì đây là Trung tâm cấp tỉnh, không thuộc diện sáp nhập.

Ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm GDTX Hà Tây thực hiện tốt, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDTX cấp tỉnh, thành phố.

Còn theo ý kiến của Sở Nội vụ, việc sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố (trong đó có Trung tâm GDTX Hà Tây) mà TP Hà Nội hiện đang triển khai là thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ…

Phản biện nội dung này, 100% cán bộ, viên chức, người lao động của Trung tâm GDTX Hà Tây đều nêu ý kiến cho rằng, việc đưa Trung tâm cấp tỉnh vào đối tượng sáp nhập cấp quận huyện là trái với Luật giáo dục và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật giáo dục. Mặt khác, trong các văn bản về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức của Đảng, Nhà nước đều không có bất kỳ quy định nào về việc xóa sổ các Trung tâm GDTX cấp tỉnh (Về vấn đề này, báo Điện tử Congluan.vn đã phản ánh).

Ông Phạm Hữu Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Hà Tây: “TP Hà Nội không có chủ trương xóa bỏ Trung tâm GDTX cấp thành phố”

Là người am hiểu về lĩnh vực GDTX, ông Phạm Hữu Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Hà Tây cung cấp thông tin: Ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020” trong đó tại mục 3b, phần 2, Điều 1 xác định rõ phải củng cố, phát triển mạng lưới giáo dục “mở rộng quy mô hợp lý, nâng cao chất lượng, năng lực của Trung tâm GDTX cấp tỉnh, cấp huyện”.

Tiếp đó, ngày 4/12/2013, UBND TP Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 177 về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013-2020, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2015 “nâng cấp 1 Trung tâm GDTX cấp huyện thành Trung tâm GDTX cấp thành phố” và trong phần nhiệm vụ và giải pháp cũng có nêu: “Nâng cấp từ 2 đến 3 Trung tâm GDTX cấp huyện thành Trung tâm GDTX cấp thành phố để phục vụ nhu cầu học tập của nhân dân ở các vùng miền trên địa bàn thành phố”.

Trước đó, HĐND thành phố cũng ban hành Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 5/4/2012 và ngày 12/7/2012 UBND TP Hà Nội cũng đã có Quyết định số 3075/QĐ-UBND về quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rất rõ: “Phấn đấu xây dựng cơ sở vật chất cho 8 Trung tâm GDTX (trong đó có 2 Trung tâm GDTX cấp thành phố)”.

Mới đây, ngày 3/8/2016, HĐND thành phố Hà Nội lại có Nghị quyết số 08/2016/NQ-HĐND; UBND thành phố có Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố có ghi: “Đầu tư xây mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng các trường công lập gồm: trường Đại học Thủ đô, các trường cao đẳng, trường bồi dưỡng cán bộ giáo dục; các Trung tâm GDTX cấp thành phố, các trường trung cấp,…”

Ông Hùng cho rằng, như vậy, theo các dẫn chiếu pháp lý nêu trên, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đều chủ trương khẳng định vai trò của hệ thống GDTX, tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các Trung tâm GDTX cấp thành phố chứ không có chủ trương xóa bỏ các Trung tâm này.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/khong-co-chu-truong-xoa-bo-cac-trung-tam-gdtx-cap-thanh-pho/