'Lùm xùm' sáp nhập TTGDTX Hà Tây: Thời khắc tối tăm nhất

25 năm lịch sử tồn tại và 4 tháng kể từ thời điểm bị yêu cầu sáp nhập, có lẽ hiện tại chính là thời khắc tăm tối nhất đối với tập thể cán bộ, giáo viên cũng như học sinh, sinh viên đang công tác và học tập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hà Tây (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội).

Giữa muôn trùng gian khó

TTGDTX Hà Tây vào những ngày cuối cùng của năm âm lịch 2016. Phải có mặt ở đây thời gian này, mới có thể thấu hiểu hết nỗi gian truân, vất vả của những con người đã và đang dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục tại trung tâm.

Với họ, việc có còn được tiếp tục hay không, dẫu biết đang là bài toán khó với những cơ quan có trách nhiệm, nhưng không phải là không có lời giải. Đặc biệt là khi, ngay trong buổi họp hôm 5.1.2017, trước câu hỏi của đông đảo công chức, viên chức TTGDTX Hà Tây về Quyết định 5399 trái Luật Giáo dục, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội đã không sao đưa ra câu trả lời, giải thích thỏa đáng.

Một cán bộ đang công tác tại trường xót xa tâm sự: “Nếu sáp nhập, lương và mọi việc chi tiêu của Trung tâm sẽ do UBND quận Hà Đông quản lý. Nhưng suốt thời gian qua, do việc này vẫn chưa ngã ngũ nên trong khi quận Hà Đông chưa đủ căn cứ để trả lương, phía Sở Giáo dục đã buông bỏ nên chẳng ai trong chúng tôi nhận được đồng lương nào. Chắc chắn Tết này sẽ chẳng thể trọn vẹn...".

Biên bản cuộc họp ngày 5.1.2017 chưa giải đáp hết các khúc mắc được đưa ra bởi TTGDTX Hà Tây.

Bước sang phòng học tin học, các em học sinh tại đây đang bước vào giờ thực hành. Trang thiết bị tại Trung tâm rất đầy đủ, một dàn máy vi tính hiện đại được trang bị cho các em học sinh có thể thực hành. Nhưng, thứ còn thiếu ở đây, là mạng internet. Mạng internet ở đây đã bị cắt, vì Trung tâm không có ngân sách để chi trả.

Nhưng sự đỉnh điểm của thiếu thốn đối với các em học sinh kia, có lẽ không chỉ dừng lại ở đường truyền mạng, mà đó là, nước để đi vệ sinh. Nước đã bị cắt, các em học sinh đang phải hết sức tiết kiệm, khi lượng nước dự trữ dành cho việc đi vệ sinh cũng sắp kiệt. “Chúng tôi chưa tìm ra phương án để giải quyết vấn đề này”, vị bảo vệ nhà trường khó khăn chia sẻ.

Một quyết định cần được sửa sai

Chính từ những bức bối rất cấp bách này, mới đây, tập thể cán bộ, giáo viên và nhân viên của TTGTTX Hà Tây đã cùng ký vào đơn kiến nghị gửi tới các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong vụ việc này.

Theo đó, hai ông Phạm Đức Tài – Trưởng phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ và ông Trần Huy Sáng – Giám đốc sở này - đã bị trung tâm nêu đích danh trong đơn với kiến nghị rằng đã tham mưu sai cho lãnh đạo UBND thành phố ban hành Quyết định số 5399/QĐ-UBND vừa sai Luật Giáo dục, vừa vi phạm hàng loạt các Thông tư, Nghị định, Nghị quyết...

Bên cạnh đó lá đơn cũng nêu rõ, việc ông Sáng - với tư cách giám đốc Sở Nội vụ - tham mưu đưa trường Bồi dưỡng Cán bộ giáo dục Hà Nội (vốn không có cơ sở pháp lý để tồn tại) vào danh sách đơn vị công lập trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội thay cho Trung tâm GDTX cấp tỉnh (thành phố) là sai so với các quy định hiện hành. Hay nói cách khác, đơn vị không cần thì lại tham mưu giữ, còn đơn vị cần thì lại tham mưu bỏ, khiến câu chuyện giảm biên chế - vốn là mục đích chính - mới chỉ giải quyết ở mặt hình thức...

Về phía Trung tâm, tập thể cán bộ, giáo viên tại đây mong muốn rằng, UBND TP.Hà Nội sẽ xem xét và đề nguyên trạng cho Trung tâm là trung tâm cấp thành phố, trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.

Khung cảnh quạnh quẽ, u sầu bao trùm TTGTX Hà Tây.

Trước đó, như báo Lao Động đã đưa tin, ngày 28.9.2016, TTGDTX Hà Tây nhận được Quyết định số 5399 của UBND TP.Hà Nội trong đó có nội dung sáp nhập TTGDTX Hà Tây và Trung tâm Kỹ thuật, hướng nghiệp, dạy nghề Hà Tây thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Hà Đông, trực thuộc quận Hà Đông.

Điều đáng nói, nếu đưa TTGDTX Hà Tây là trung tâm cấp tỉnh, thành phố sáp nhập về cấp quận thì trên địa bàn Hà Nội không còn trung tâm cấp tỉnh, thành phố (xóa bỏ đi ngành học giáo dục thường xuyên cấp tỉnh). Điều này không đúng với Luật Giáo dục và Nghị định của Chính phủ.

Ngay từ khi quyết định này ra đời đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của dư luận xã hội, giới chuyên gia giáo dục, luật sư cũng như các các bộ, học sinh, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại trường. Cũng chính vì sự bất hợp lý này nên dù 4 tháng đã trôi qua, hàng trăm cuộc họp, tiếp xúc đã được tiến hành nhưng việc sáp nhập vẫn không thể tiến hành nổi.

Vẫn ngóng chờ ý kiến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ngày 1.12.2016, TTGDTX Hà Tây đã có đơn gửi Bộ Giáo dục đào tạo tại Công văn số 107/CV-TTGDTXHT khẩn thiết đề nghị cơ quan này có quan điểm chính thức về Quyết định 5399. Tuy nhiên cho đến nay, cơ quan này vẫn chưa có bất cứ ý kiến chính thức nào để bảo vệ cơ cấu giáo dục quốc dân, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao phó.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Nội và Bộ Nội vụ mặc dù đã có văn bản phúc đáp kiến nghị của TTGDTX Hà Tây nhưng về cơ bản chỉ trả lời chung chung chứ không đi đúng vào trọng tâm những câu hỏi về việc văn bản 5399 có trái luật hay không.

Nhóm PV

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/lum-xum-sap-nhap-ttgdtx-ha-tay-thoi-khac-toi-tam-nhat-630868.bld