Luôn dành cho đối tượng truy nã một lối về

Tiếp xúc với những chiến sĩ Cảnh sát truy nã tội phạm, tôi nhận ra một điều: Nếu không có trái tim bao dung, luôn muốn người lầm lỡ có điều kiện hòa nhập với cộng đồng, chuộc lại lỗi lầm, thì không thể nghĩ ra và thực hiện được những việc đầy ý nghĩa nhân văn như thế…

Thượng tá Trương Minh Y - Trưởng phòng PC52 Công an Cần Thơ kể, Tết năm 2011, có nhiều Việt kiều sau khi về quê "ăn Tết" cùng gia đình, đã thanh thản ra đầu thú. Trong số này có Việt kiều Nguyễn Thị P. (28 tuổi). Trước đó 7 năm, trong lúc lái môtô trên QL91, chẳng may chị va quệt khiến một phụ nữ tử vong. Ngày 28/9/2004, chị P. bị khởi tố với tội danh vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cấm đi khỏi nơi cư trú.

Tuy nhiên, trước đó, chị đã được cấp hộ chiếu rồi đến ngày 13/10/2004, chị được giải quyết thủ tục cuối cùng trong việc kết hôn với ông H. (ngụ tại TP Đài Trung, Đài Loan). Gần cuối năm 2004, chị xuất cảnh theo chồng và đã nhập quốc tịch Đài Loan. Cho tới khi cơ quan điều tra phát hiện ra thực tế này thì đã muộn. Ngày 2/5/2005, lệnh truy nã đối với chị P. được phát đi.

Trước Tết Tân Mão vừa qua, lãnh đạo PC52 cử cán bộ đến gia đình động viên và trao Thư kêu gọi ra đầu thú. Nhận được thư, gia đình P. một mặt gọi điện báo tin cho chị P., một mặt cử em trai P. đến PC52, nộp đơn xin cho chị được sớm ra đầu thú. Đúng như cam kết của gia đình, chị Phượng đã được gia đình đưa đến đơn vị PC52... Trước khi về Tân Lộc ăn Tết cùng gia đình, chị P. còn được lời động viên, ai ủi ấm tình người của lãnh đạo Phòng PC52.

Thượng tá Trương Minh Y kể thêm, đơn vị đã tham mưu cho Ban giám đốc cùng với Viện KSND và TAND TP Cần Thơ thống nhất và cùng ký tên vào Thư kêu gọi người phạm tội ra đầu thú. Trong thư nêu rõ chính sách khoan hồng của pháp luật Việt Nam .

Ngay sau khi ra đầu thú, những trường hợp như chị P. không chỉ được tại ngoại (cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử) mà còn được xem xét áp dụng miễn hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt một cách thỏa đáng theo quy định của pháp luật. Thư cũng ghi rõ số điện thoại di động của người đại diện của 3 ngành Công an, VKS và Tòa án để đối tượng tiện liên hệ, được hướng dẫn, tư vấn, giải thích thêm... Thông qua cách làm mới và nhân văn này, trong năm 2011, hàng chục trường hợp phạm tội ra đầu thú, trong đó có những Việt kiều như chị P.

Ở Bạc Liêu, đơn vị PC52 đã tập trung xây dựng một mô hình hỗ trợ tội phạm truy nã đầu thú. Theo đó, với những đối tượng truy nã đầu thú và có quá trình cải tạo tốt sẽ được hỗ trợ nhiều mặt để có điều kiện hoàn lương tốt nhất. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể của đối tượng mà các anh chọn cách hỗ trợ phù hợp, không phải chỉ hỗ trợ, an ủi, động viên về mặt tinh thần mà còn thiết thực bằng vật chất, bằng gạo, tiền, cây, con giống…

Đại tá Bùi Thanh Hòa (phải) cùng cán bộ Công an huyện Hòa Bình (trái) động viên bị can Tôn Tấn Luật.

Trường hợp đầu tiên mà PC52 Công an Bạc Liêu vận dụng chủ trương hỗ trợ là đối tượng Tôn Tấn Luật, 29 tuổi. Trực tiếp lái xe chở tôi về Công an huyện Hòa Bình - nơi Luật đang chờ ngày ra Tòa, Đại tá Bùi Thanh Hòa - Trưởng phòng kể, nhà Luật ở Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình. Đó là một vùng quê nghèo, cách biển chỉ vài cây số. Luật là con trai thứ ba trong nhà có 7 anh em; học tới lớp 5 rồi dở dang do nhà quá nghèo khó.

Luật bộc bạch với tôi: "Em coi chú Ba như ân nhân và không bao giờ quên cái tình của đơn vị chú ấy dành cho. Không có chú ấy, bây giờ em vẫn trốn chui trốn lủi và không biết tới khi nào mới có điều kiện để chuộc lại lỗi lầm với cộng đồng". Luật kể ngày vào thăm con lần đầu tiên, má Luật - bà Lê Tuyết Em kể lại chuyện hôm đưa Luật đến PC52 để đầu thú trở về, bà đã xúc động đến phát khóc khi bất ngờ nhận từ tay Đại tá Hòa mấy chục ký gạo, một chiếc mùng và 200 ngàn đồng tiền xe…

Rồi Luật kể lại chuyện Luật phạm tội sau tiệc rượu bí tỉ tối 23/3/2009. Bạn nhậu tên Nhân bị Luật chém bị thương. Thấy máu, Luật tỉnh rượu rồi lo sẽ "bị ở tù rụt xương" nên đã bỏ trốn. Một hôm, thật tình cờ, thấy hình mình kèm theo nội dung lệnh truy nã trong mảnh giấy báo gói cơm hộp, cạnh đó là số điện thoại của Đại tá Hòa.

Nhớ lại lời của thằng bạn từng ở tù, Luật hơi do dự nhưng nghĩ đến gia đình, nhất là mẹ đã tuổi cao, sức yếu vẫn vất vả sớm hôm theo các con kênh rạch nhỏ ở vùng quê Vĩnh Thịnh đi mua bán trấu, kiếm từng đồng, từng cắc nuôi mấy miệng ăn… Luật gọi ngay vào số của Đại tá Hòa hỏi chuyện đầu thú. "Chú Ba rất mềm mỏng, giải thích cặn kẽ mọi chuyện có liên quan. Nghe chú nói nếu ra đầu thú thì còn có cơ hội trở về với gia đình, làm ăn lương thiện để báo đáp công ơn cho cha mẹ, em đã khóc và hứa với chú ấy".

Sau khi tìm hiểu kỹ quan hệ nhân thân của Luật, đặc biệt là trách nhiệm dân sự của Luật đối với nạn nhân, cán bộ PC52 đã đến gia đình nạn nhân giải thích, đặc biệt cho biết Luật đã ra đầu thú, gia đình đang rất khó khăn. Gia đình nạn nhân rất cảm thông "do chuyện cũng qua rồi", bớt khoản tiền chi phí thuốc men, điều trị của Nhân. Trước khi giao Luật cho Công an Hòa Bình, Phòng PC52 đã tạo điều kiện cho Luật gặp thân nhân của mình. Luật vẫn nhớ lời của người cha căn dặn: "Con phải chấp hành tốt để sớm ngày về". Luật không nói thêm được nhiều, nước mắt lăn dài trên má…

Trở về từ Hòa Bình, Đại tá Hòa bộc bạch: "Ở phương diện pháp luật, công đoạn của PC52 đã hết sau khi bắt hoặc tiếp nhận, rồi bàn giao đối tượng. Nhưng ở phương diện tình cảm, anh em chúng tôi thấy vẫn còn trách nhiệm. Chúng tôi vẫn có những chuyến công tác ngoài giờ như thế này, không mang theo Lệnh truy nã mà là gạo, đường, bột ngọt, dầu gió,… và trái tim nhân ái. Ai cũng có hoàn cảnh. Mình hiểu hoàn cảnh họ mà không giúp để họ có cơ hội nhận ra lỗi lầm thì có khi vô tình đánh mất cuộc đời họ…"

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/trongmatdan/2011/11/160641.cand