Luôn hết lòng vì thương binh, bệnh binh và người bệnh

Nhiều lần chúng tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với các thành viên trong đại gia đình của Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân, GS, TSKH, Thầy thuốc Nhân dân Lê Thế Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quân y (HVQY). Con trai ông-Thiếu tướng, GS, TS, Nhà giáo Ưu tú Lê Trung Hải, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Quân y 103, nguyên Phó cục trưởng Cục Quân y, hiện là Phó chủ tịch, kiêm Trưởng tiểu ban Ngoại khoa của Hội đồng Khoa học y học quân sự Bộ Quốc phòng.

Hơn 20 năm trước, chúng tôi thường tìm hiểu công việc của GS Lê Thế Trung để viết về những thành công của ông trong lĩnh vực điều trị bỏng (nhất là thảm họa bỏng) và ghép tạng. Trên cương vị Giám đốc HVQY, GS Lê Thế Trung đã sớm nghiên cứu, khởi xướng việc ghép thận. Năm 1992, HVQY tổ chức thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam. Năm 2004, trên cương vị đồng Chủ tịch Hội đồng chuyên môn ghép tạng Việt Nam, ông cùng GS Phạm Gia Khánh và các đồng nghiệp tổ chức thành công ca ghép gan đầu tiên tại Việt Nam. Sau này có dịp gặp lại, GS Trung tự hào chia sẻ, các cháu của mình đều học hành tiến bộ; hai cháu nội hiện là bác sĩ quân y...

GS Lê Thế Trung và GS Lê Trung Hải nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2005.

Được biết về sự nghiệp và những cống hiến của GS Lê Thế Trung, chúng tôi thêm cảm phục. Từ một chiến sĩ Vệ quốc đoàn, ông theo học khóa 1 y tá Vệ quốc đoàn, tiếp đó là lớp y sĩ khóa 1, Trường Quân y sĩ Việt Nam. Ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều chiến dịch khác trên cương vị chủ nhiệm quân y trung đoàn. Trực tiếp chứng kiến những hy sinh to lớn của bộ đội, thương binh, bệnh binh, thầy thuốc quân y Lê Thế Trung luôn trăn trở làm thế nào để góp sức mình giúp bộ đội có sức khỏe tốt nhất, thương binh, bệnh binh được điều trị nhanh khỏi nhất, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong… Những năm 1965-1966, ông trực tiếp vào chiến trường Liên khu 5 kiểm tra công tác quân y và tham gia cứu chữa thương binh; năm 1968 ông làm Trưởng đoàn chuyên viên vào chiến trường Khe Sanh để nghiên cứu về ngoại khoa trong chiến tranh và đã hoàn thành công trình “Nghiên cứu về tổn thương do sóng nổ, xử trí ngoại khoa và bỏng chấn thương, ghép da tự thân tại chiến trường”.

Vừa cứu chữa thương binh, bệnh binh, ông vừa tập trung nghiên cứu và có nhiều thành công về ngoại khoa dã chiến, xử trí vết thương chiến tranh. Sau này, trên cơ sở Khoa Bỏng của Bệnh viện Quân y 103, ông đã đề xuất thành lập Viện Bỏng Quốc gia và ông là giám đốc đầu tiên của viện, đồng thời là Chủ tịch Hội Bỏng Việt Nam. Chúng tôi khá bất ngờ khi được biết, trong đại gia đình của GS Trung có tới 12 thành viên đã và đang công tác, cống hiến trong LLVT nói chung, trong ngành quân y nói riêng. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1981, sau khi tốt nghiệp HVQY, bác sĩ trẻ Lê Trung Hải đã tham gia phục vụ chiến đấu, trực tiếp cứu chữa thương binh, bệnh binh trên biên giới phía Bắc, tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Không ít đêm, anh thức trắng cùng đồng nghiệp phẫu thuật, cấp cứu thương binh, bệnh binh. Và ở chính nơi gian khổ, ác liệt này, đã ra đời đề tài nghiên cứu khoa học “đầu tay” của anh: “Cơ cấu tổn thương và công tác xử lý thương binh trong chiến đấu”.

GS Lê Trung Hải cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu về ghép tạng ở Việt Nam. Với hàng trăm ca ghép tạng thành công, anh cùng các đồng nghiệp đã góp phần mang lại sự sống cho nhiều người bệnh; đồng thời cùng các giáo sư, bác sĩ ở Bệnh viện Quân y 103 “chuyển giao công nghệ” và đến nay, nhiều bệnh viện lớn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... đã tiến hành nhiều ca ghép tạng thành công.

Điều đặc biệt của Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2005, đó là cả hai cha con GS Lê Thế Trung-GS Lê Trung Hải đều được vinh danh với vai trò đồng tác giả Cụm công trình ghép tạng. Người con trai út của GS Trung, Đại tá, Thạc sĩ Lê Trung Thắng (công tác tại HVQY) cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2010, với vai trò là đồng tác giả của Cụm công trình Kết hợp quân dân y.

“Hậu phương” vững chắc của GS, TS Lê Trung Hải là Đại tá, PGS, TS, Thầy thuốc Ưu tú Phan Việt Nga, Chủ nhiệm Bộ môn Nội thần kinh, Bệnh viện Quân y 103, người luôn làm tốt cả “ba vai”: Điều trị cho thương binh, bệnh binh, bệnh nhân; giảng dạy và nghiên cứu khoa học; đồng thời luôn cảm thông, chia sẻ tạo điều kiện để chồng, con cống hiến hết mình cho y học. Truyền thống “sáng y đức, giỏi y thuật” luôn được các con trai, con dâu, các cháu trong gia đình GS Lê Thế Trung tiếp nối và phát huy. GS Lê Trung Hải chia sẻ: “Thành công của gia đình có được là nhờ phát huy truyền thống, nỗ lực học tập chuyên môn, nghiên cứu khoa học, hết lòng vì thương binh, bệnh binh, vì người bệnh và học viên, luôn lấy cái Tâm, cái Đức làm đầu... như bố tôi thường căn dặn".

ANH QUÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su-nhan-vat/luon-het-long-vi-thuong-binh-benh-binh-va-nguoi-benh-513374