Lương bèo bọt, đừng ru ngủ “có việc làm”, ít thất nghiệp

NDĐT - Sáng 5-8, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức hội thảo tham vấn về dự án Luật Việc làm. Đây là dự án luật cần thiết để thể chế hóa quan điểm “Tạo môi trường và điều kiện để mọi người lao động có việc làm và thu nhập tốt hơn”.

Cần tạo môi trường và điều kiện làm việc để người lao động có mức sống ngày càng khá hơn

Hỗ trợ nhóm lao động yếu thế

Dự án Luật Việc làm gồm có sáu chương, 78 điều, quy định các vấn đề như: phát triển việc làm, phát triển kỹ năng nghề, dịch vụ việc làm, tuyển, đăng ký sử dụng lao động và bảo hiểm việc làm….

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, Bộ luật Lao động hiện mới chỉ điều chỉnh đối với khu vực có quan hệ lao động chiếm khoảng 33% lực lượng lao động làm công ăn lương, còn 67% lao động còn lại chưa được điều chỉnh.

Trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có hơn 1,2 triệu người vào độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động đang cao hơn tỷ lệ phụ thuộc là điều kiện thuận lợi, nhưng cũng là thách thức. Luật việc làm được xây dựng với mong muốn điều chỉnh đối tượng lao động ở nông thôn, khu vực lao động phi kết cấu, giúp việc… Đây là đối tượng yếu thế cần được quan tâm điều chỉnh.

Dự án Luật thiết kế một chương riêng về chính sách hỗ trợ việc làm gồm: tín dụng tạo việc làm, hỗ trợ chuyển dịch việc làm cho lao động nông thôn, hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên, chính sách việc làm công và hỗ trợ phát triển thị trường lao động.

Nhà nước sẽ thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác.

Bà Makiko Mátumoto, chuyên gia việc làm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng, cách thức tiếp cận nguồn vốn tín dụng này cũng như số tiền được vay đã được luật định rõ, nhưng chưa có điều khoản về cách thức hoàn trả số tiền vay.

“Điều gì xảy ra nếu người vay không hoàn vốn đã vay. Cơ quan nào sẽ quản lý? Chính sách tín dụng phải quản ra sao, thực hiện thế nào?”- Bà Makiko Matumoto đặt vấn đề.

“Cần tập trung vào địa phương cụ thể để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Bên cạnh đó còn phải tính đến có mục thế chấp bằng tài sản để khi không hoàn vốn còn có biện pháp khắc phục”, bà Makiko Mátumoto nhấn mạnh.

Mắt xích “mỏng” giữa đào tạo và nhu cầu

Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, phải định nghĩa lại “thế nào là có việc” vì nếu theo dự luật, có việc làm chỉ đơn giản là: “Có thể tạo ra thu nhập bằng việc làm hợp pháp”, thì Việt Nam không có người thất nghiệp!

Điều đó cũng lý giải tại sao, những năm qua ở các nước phát triển, tỷ lệ người thất nghiệp tăng vọt thì ở ta ngược lại, số người có việc làm ngày càng tăng cao. Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam năm 2013 là ….2%.

Nhưng có một nghịch lý là, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam thấp nhất thế giới, nhưng chúng ta vẫn nằm trong top những nước nghèo. Điều đó chỉ có thể lý giải được rằng, người lao động vẫn “có việc”, vẫn “làm ra tiền”, nhưng số tiền kiếm được lại dưới mức chuẩn nghèo. Thu nhập không thể nuôi sống bản thân mà gọi là “có việc làm” là không hợp lý.

Góp ý nhiều điều khoản trong dự luật, ông Đặng Như Lợi thẳng thắn nhận định, dự thảo luật co hẹp dần điều khoản cần thiết đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Luật mới chỉ tập trung giải quyết vấn đề bảo hiểm thất nghiệp, còn điều khoản khác chỉ mang tính “tuyên ngôn”.

Ông Nguyễn Ngọc Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình lo ngại “làm thế nào kết nối đào tạo và nhu cầu xã hội vì đây là vấn đề rất khó”. Các nhà làm luật phải thiết kế sao để người lao động được đào tạo xong ra có việc làm, tránh tính trạng Nhà nước đầu tư nhưng ra phải đào tạo lại hoặc không có việc làm.

Theo các chuyên gia về việc làm của ILO, việc hỗ trợ cho người dân khu vực nông thôn đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa không dễ. Muốn đạt được phải có tiêu chí cụ thể. Việc hỗ trợ doanh nghiệp tạo việc làm cho lao động nông thôn phải nêu cao vai trò Nhà nước trong tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tại địa phương.

Về sự thiếu kết nối giữa việc làm và dạy nghề, cần phải xem đâu là điểm chưa làm được để tìm cách sửa. Trách nhiệm của nhà hoạch định chính sách đến đâu. Chính sách nếu chưa phù hợp thì cần thay đổi, giảm bớt gánh nặng cho người đã được đào tạo nhưng chưa tìm được việc làm.

H.N

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/xahoi/tin-tuc/item/20923802-l%c6%b0%c6%a1ng-b%c3%a8o-b%e1%bb%8dt,-%c4%91%e1%bb%abng-ru-ng%e1%bb%a7-%e2%80%9cc%c3%b3-vi%e1%bb%87c-l%c3%a0m%e2%80%9d,-%c3%adt-th%e1%ba%a5t-nghi%e1%bb%87p.html