'Lương duyên' giữa điện hạt nhân Nga và Việt Nam

Theo một số chuyên gia, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ có công nghệ thế hệ 3 được Tập đoàn Năng lượng hạt nhân quốc gia Nga (Rosatom) cải tiến nhiều từ thế hệ 2 trong nhiều năm qua, nhất là sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Nhà máy này có khả năng thuộc dạng lò phản ứng năng lượng làm chậm và tải nhiệt bằng nước nhẹ (VVER-1000/AES-91 hoặc VVER-1000/AES-92), có 4 bình sinh hơi nằm ngang, được thiết kế chủ yếu theo tiêu chuẩn an toàn của Nga và một số tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU). Sau khi nghiên cứu công nghệ điện hạt nhân VVER-1000/AES-92 của Nga, EU cho rằng thời gian thay nhiên liệu hạt nhân dài hơn 8 ngày so với quy định của khối (28 so với 20 ngày), bể chứa bó nhiên liệu đã cháy tương đối nhỏ (chỉ có 642 chỗ so với 738 chỗ), và thời gian xây dựng nhà máy trong vòng 60 tháng là khó đảm bảo. Nhiều chuyên gia về điện hạt nhân cho rằng, Việt Nam nên yêu cầu Rosatom chia sẻ với Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về kinh nghiệm, quy trình vận hành an toàn nhà máy điện hạt nhân dùng công nghệ thế hệ 3 mà Rosatom đúc kết được ở ở Nga, Ukraine, Bulgaria, Iran, Trung Quốc, Ấn Độ… Nhà máy điện hạt nhân Novovoronezh, Trường Đại học Kỹ thuật năng lượng nguyên tử, Viện Kurchatov… ở Nga đang đào tạo nhân lực điện hạt nhân cho Trung Quốc, Ấn Độ, Iran… trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 3 năm. Theo bản ghi nhớ giữa Bộ GD-ĐT Việt Nam và Rosatom về các dự định đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực nguyên tử của Việt Nam ký hồi tháng 3 tại Nga, Rosatom sẽ đào tạo chuyên gia cao cấp cho Việt Nam trong lĩnh vực này. Ông Sergey Kirienko, Tổng giám đốc Rosatom, cho biết, Rosatom sẽ tiếp nhận chuyên gia Việt Nam sang học tại thủ đô Moskva của Nga từ tháng 9. Về vấn đề an toàn của nhà máy điện hạt nhân, các cơ quan giám định độc lập độ an toàn về nguyên tử của Nga sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam thành lập đơn vị giám định riêng. Giới chuyên gia kinh tế Nga ước tính, từ nay đến năm 2030, mỗi năm nước này sẽ bổ sung 2-3 GW điện hạt nhân cho lưới điện quốc gia, và xuất khẩu lò phản ứng sang nhiều nước. Tháng 1/2010, chính phủ Nga phê duyệt chương trình mục tiêu liên bang về nền tảng công nghệ điện hạt nhân mới dựa trên lò phản ứng nhanh. Chiến lược đến năm 2050 của Rosatom là chuyển sang phát triển các nhà máy điện hạt nhân sử dụng lò phản ứng nhanh với vòng đời nhiên liệu khép kín. Sản xuất điện của Nga đạt 1.016 tỷ kWh trong năm 2007, trong đó 16% đến từ điện hạt nhân, 67% từ khí và than, 18% từ thủy điện. 6 lò phản ứng điện hạt nhân đang xây dựng ở Nga Minh Long (tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://www.baodatviet.vn/Home/KHCN/Luong-duyen-giua-dien-hat-nhan-Nga-va-Viet-Nam/20105/94847.datviet