Lương kỳ vọng khác xa lương thực tế

JobStreet.com Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát về lương, cho thấy mức lương kỳ vọng của những sinh viên mới ra trường thường cao hơn mức lương đề nghị của nhà tuyển dụng.

Sinh viên mới ra trường ở Việt Nam thường yêu cầu mức lương chỉ bằng 1/3-1/4 so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Ảnh: JobStreet.com

Theo JobStreet.com, mức lương trung bình hàng tháng mà nhà tuyển dụng đề nghị dao động trong khoảng 500–604 đô la Mỹ (khoảng 11,4-13,8 triệu đồng) trong khi mức lương kỳ vọng của những sinh viên mới tốt nghiệp lên đến gần 850 đô la Mỹ (gần 20 triệu đồng).

Sự chênh lệch giữa mức lương kỳ vọng và thực tế tại Việt Nam cũng là một trong ba yếu tố hàng đầu được nhà tuyển dụng đánh giá là khiến cho thời gian tìm việc của người mới ra trường kéo dài hơn. Nếu ứng viên đặt mức lương kỳ vọng quá cao, nhà tuyển dụng sẽ khó lòng chấp nhận.

Theo khảo sát của JobStreet.com Việt Nam thực hiện vào quí 1-2016 với gần 400 nhà tuyển dụng, việc “chấp nhận mức lương công ty đề nghị” là yếu tố quan trọng dẫn đến quyết định tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp. Điều này cho thấy kỳ vọng về mức lương của sinh viên mới tốt nghiệp được các nhà tuyển dụng đánh giá là chưa thật sự hợp lý.

Trước đó, Universum đã khảo sát về việc xếp hạng các nền kinh tế lớn tại châu Á liên quan đến kỳ vọng về mức lương của các cử nhân tốt nghiệp ngành kinh tế và kỹ thuật, các nhân viên thuộc thế hệ Y (thế hệ Thiên niên kỷ, Millennials) của hai chuyên ngành trên tại Hàn Quốc đòi hỏi mức lương cao nhất, theo sau là Nhật Bản, Singapore và Hongkong.

Còn mức lương kỳ vọng của các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ lại chỉ gần bằng ½ những quốc gia phát triển nêu trên. Trong khu vực Đông Nam Á (trừ Singapore), Thái Lan dẫn đầu về mức lương kỳ vọng, theo sau là Malaysia, Indonesia, Philippines và cuối cùng là Việt Nam.

Bà Angie SW Phang, Tổng giám đốc JobStreet.com Việt Nam, nhận định các quốc gia và vùng lãnh thổ phát triển như Hongkong và Singapore có sự kỳ vọng cao về mức lương được hình thành khi sinh hoạt phí tại đây ngày càng đắt đỏ, kèm theo sự đô thị hóa cao trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp.

Trong những quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia và Thái Lan đang chuyển mình từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang mức cao. Hai quốc gia này cũng đang gặp nhiều khó khăn để kiểm soát lao động nước ngoài với yêu cầu mức lương thấp hơn những người lao động nội địa. Do đó, sự chênh lệch giữa mức lương kỳ vọng và thực tế tại các quốc gia kể trên còn phụ thuộc vào nguồn lao động “giá rẻ” từ các quốc gia có mức sống thấp hơn.

Theo một số chuyên gia về thị trường lao động, việc yêu cầu mức lương cao có thể xuất phát từ việc các lao động trẻ thuộc thế hệ Millennials lớn lên từ một môi trường mà đa số các yêu cầu đều được đáp ứng. Họ cũng sớm tiếp xúc với những dịch vụ trả phí, tiện nghi và giải trí. Những trải nghiệm này "thẩm thấu" dần trong họ và tạo ra một phong cách sống mà tại đó họ cần nhiều điều kiện vật chất cao hơn, do đó kỳ vọng về mức lương cũng tăng tương ứng.

Theo ghi nhận từ Nielsen Việt Nam, thế hệ Millennials chiếm khoảng 30% dân số của Việt Nam, tương đương với khoảng 27 triệu người. Thế hệ này đã và đang có một tác động đáng kể đến cảnh quan người tiêu dùng và lực lượng lao động tại thị trường Việt Nam.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/157755/luong-ky-vong-khac-xa-luong-thuc-te.html/