Lương tăng, năng suất giảm: Nghịch lý chưa lời giải

Tiền lương tối thiểu liên tục tăng, nhưng năng suất lao động có xu hướng ngày càng giảm không chỉ khiến các doanh nghiệp lo ngại, mà còn đặt ra bài toán đầy thách thức cho cơ quan hoạch định chính sách trong việc tìm ra giải pháp dung hòa.

Tình trạng mức lương tối thiểu “tỷ lệ nghịch” với năng suất lao động đã kéo dài hơn 10 năm qua

Tình trạng mức lương tối thiểu “tỷ lệ nghịch” với năng suất lao động đã kéo dài hơn 10 năm qua

Báo cáo Tăng trưởng tiền lương và năng suất lao động ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) phối hợp với JICA Việt Nam thực hiện cho thấy, trong hơn 10 năm qua, mức lương tối thiểu đang “tỷ lệ nghịch” với năng suất lao động, làm gia tăng mối quan ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Theo TS.Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua đã tăng 4,4% do đạt được mức tăng trưởng tương đối nhanh trong giai đoạn 2004-2015. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương giai đoạn này đạt tới 5,8%, cao hơn so với tốc độ tăng của năng suất lao động, đặc biệt là từ 2009 tới nay.

“Lương tăng vượt quá năng suất lao động sẽ làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, ảnh hưởng tới động lực đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đất nước. Điều này tuy không gây ảnh hưởng xấu trước mắt, nhưng sẽ mang lại nhiều hệ lụy sau này”, ông Thành nhận định.

Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện JICA Việt Nam cho biết, mức lương tối thiểu tăng nhanh ở Việt Nam đang tạo ra sự thiếu cân xứng trong nền kinh tế.

“Đối với doanh nghiệp, lương tối thiểu tăng đồng nghĩa các chi phí cho tiền lương cũng đồng loạt tăng theo như tăng lương trung bình, tăng chi trả các khoản bảo hiểm xã hội… Trong khi đó, năng suất lao động lại không tăng tương ứng có nghĩa là sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu tình trạng này còn duy trì sẽ làm giảm động lực đầu tư của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tăng trưởng chung của nền kinh tế”, ông Yasuo nhấn mạnh.

TS.Futoshi Yamauchi, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, việc tăng lương tối thiểu không đi kèm tăng năng suất lao động cũng chưa hẳn mang lại lợi ích cho người lao động là đối tượng thụ hưởng trực tiếp từ tăng lương, mà ngược lại, lương tăng có thể sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng việc làm, đặc biệt là ở các doanh nghiệp có quy mô lớn.

“Ở các doanh nghiệp lớn, mức độ tăng trưởng việc làm lớn hơn so với doanh nghiệp nhỏ vì họ cần số lượng lao động lớn. Khi lương tăng, chi phí cho lương lao động ở các doanh nghiệp lớn cũng tăng mạnh hơn nhiều so với doanh nghiệp nhỏ. Bởi vậy, với doanh nghiệp lớn, tăng lương gây tác động tiêu cực hơn, nên họ có xu hướng phải giảm nhiều lao động hơn so với doanh nghiệp nhỏ”, ông Yamauchi phân tích.

Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Tiến Dũng, Chuyên gia nghiên cứu tại VEPR chia sẻ, lương tối thiểu tuy tăng, nhưng thực tế, người lao động làm thuê cho hộ kinh doanh cá thể vẫn nhận mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu và phần lớn không có hợp đồng lao động. Theo nghiên cứu của VEPR, tỷ lệ lao động nhận lương thấp hơn lương tối thiểu tăng trong những năm qua, từ 10% trong năm 2011 đã tăng lên 33% năm 2014.

“Khi lương tối thiểu được Nhà nước điều chỉnh tăng thì mức tuân thủ của doanh nghiệp và chủ lao động lại giảm. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu thực tế không bảo vệ được người lao động, bởi quy định lương tối thiểu chỉ áp với lao động có hợp đồng kinh tế, trong khi vẫn còn tới gần 60% lực lượng lao động trong khu vực kinh doanh cá thể đang không có hợp đồng lao động”, ông Dũng nhận xét.

Cũng theo chuyên gia này, tăng lương tối thiểu mà không đi kèm tăng năng suất lao động vừa ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp, vừa chưa chắc tác động tích cực tới người lao động.

“Do đó, cần xem xét lại hiệu quả và cơ chế tăng lương tối thiểu để đảm bảo hài hòa với tăng năng suất lao động, cũng như dung hòa lợi ích tổng thể của người lao động”, ông Dũng đề xuất.

Để giải tỏa nghịch lý trên, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Chính phủ cần lựa chọn thúc đẩy năng suất lao động như một mục tiêu quan trọng hàng đầu trong kế hoạch trung và dài hạn, từ đó có những cải cách trong hệ thống lương tối thiểu theo hướng phù hợp với tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tình hình sản xuất kinh doanh.

“Cần xác định rõ các tiêu chí để thiết lập và điều chỉnh mức lương tối thiểu, bao gồm cả giỏ hàng hóa tính toán các nhu cầu cơ bản. Các điều chỉnh phải được thực hiện phù hợp với mức độ tăng trưởng kinh tế và hướng tới tăng năng suất lao động, vừa là công cụ để hỗ trợ người lao động, song cũng tạo điều kiện và phù hợp với khả năng của doanh nghiệp”, TS.Nguyễn Đức Thành khuyến nghị.

Mai Phương

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/luong-tang-nang-suat-giam-nghich-ly-chua-loi-giai-200480.html