Lưu giữ hình ảnh quý về Quân đội anh hùng

Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam hiện lưu trữ hàng trăm nghìn file ảnh phản ánh chiều dài lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam. Trong số đó, nổi bật là những bức ảnh về Quân đội nhân dân Việt Nam của các NSNA nổi tiếng, đã được vinh danh với nhiều giải thưởng cao quý.

Sau khi đi vào hoạt động chính thức (năm 2012), Trung tâm đã nhanh chóng bắt tay vào công việc quan trọng là thu thập những bức ảnh giá trị qua các giai đoạn lịch sử. Đối với ảnh về Quân đội, Trung tâm sưu tầm qua các nguồn như: Phát động hơn 1.000 hội viên là các NSNA trong toàn quốc gửi lưu trữ, hiến tặng; thu thập những tác phẩm có giá trị từ các cuộc thi, triển lãm do Hội NSNA Việt Nam tổ chức, bảo trợ; lập các đoàn công tác đi thu thập, tìm hoặc mua các tác phẩm ảnh đang được lưu giữ trong dân; liên hệ, kết hợp trao đổi tài liệu ảnh với hệ thống các bảo tàng trên toàn quốc, các ngành, đơn vị có lưu giữ ảnh.

">

">

Bức ảnh trong cụm tác phẩm “Đường 20 Quyết thắng” đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật năm 2017 của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hứa Thanh Kiểm.Ảnh do Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam cung cấp

Số lượng ảnh bộ đội hiện nay rất lớn và có giá trị tiêu biểu về phương diện chính trị, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật. Nếu không có bộ ảnh quý hiếm “Đoàn quân Nam tiến và Toàn quốc kháng chiến 1945-1946” của NSNA Nguyễn Bá Khoản (1917-1993), công chúng ngày nay khó hình dung về Quân đội ta thuở nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới ra đời, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”. Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, huyền thoại về đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh hiện lên sinh động qua những bộ ảnh ấn tượng của Vương Khánh Hồng (1944-2018), Hứa Thanh Kiểm (1938-2021). Trên những cung đường nhỏ hẹp nhìn từ xa như “sợi chỉ”, xung quanh là cây cối cháy đen, núi đồi bị bom đạn địch cày xới, đoàn xe vận tải vẫn lăn bánh với hình ảnh những chiến sĩ lái xe Trường Sơn ánh mắt ngời sáng hướng về phía trước. Những hình ảnh minh chứng cho tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ý chí thống nhất đất nước mãnh liệt của cả dân tộc.

Với trách nhiệm và tình cảm với văn hóa đất nước, với ngành nhiếp ảnh và với người lính, Trung tâm sau khi thu thập được tư liệu ảnh đã tiến hành phân loại và xác định giá trị tư liệu cho bức ảnh bằng cách xác định niên đại, tác giả, nội dung, tính chân thực của bức ảnh. Trong trường hợp bức ảnh khó khăn trong việc phân loại và xác định giá trị, Trung tâm sẽ thành lập Hội đồng thẩm định. Nếu chưa đủ thông tin, Hội đồng thẩm định có thể đi xác minh thêm và tìm kiếm nhân chứng (nếu có). Sau đó chuyên viên xử lý kỹ thuật và phục chế ảnh, rồi đưa vào lưu trữ. Việc phân loại ảnh nhằm hướng tới hai mục đích cơ bản: Tổ chức khoa học tài liệu lưu trữ và tạo điều kiện tìm kiếm bức ảnh được dễ dàng, nhanh chóng.

Trước sự phát triển của truyền thông, nhất là mạng xã hội, những hình ảnh về các sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến Quân đội được lan truyền đôi khi thiếu chính xác, nhầm lẫn về địa điểm, thời gian, tác giả, câu chuyện đằng sau bức ảnh… Từ đó, vai trò của Trung tâm càng quan trọng vì đã cung cấp nguồn tư liệu ảnh chính xác, chính thống về Quân đội để công chúng và các cơ quan truyền thông khai thác sử dụng.

Nhờ uy tín trong hơn 10 năm qua nên nhiều tổ chức, cá nhân hiện nay tin tưởng gửi các ấn phẩm, tác phẩm nhiếp ảnh để Trung tâm lưu trữ lâu dài. Phần lớn dữ liệu ảnh tại Trung tâm được lưu trữ dạng số hóa. Các file ảnh được phân ra lưu trữ theo giai đoạn và theo tác giả, hoặc theo nội dung ảnh. Khi cần lấy ảnh phục vụ các sự kiện hoặc làm sách, căn cứ tiêu chí và nội dung cần tìm, bộ phận nghiệp vụ sẽ tìm ảnh theo các khối dữ liệu được lưu trữ. Được biết, Trung tâm đang tìm hiểu các giải pháp hiện đại nhằm tối ưu hóa việc quản lý và truy xuất dữ liệu.

NSNA Hà Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam cho biết: “Quan điểm của Trung tâm là thận trọng, làm đến đâu chắc đến đấy. Hiện nay, chúng tôi vẫn cố gắng khẩn trương tích lũy dữ liệu, xây dựng “ngân hàng ảnh” để sau này kể câu chuyện lịch sử công phu, đầy đủ, sinh động, hấp dẫn; trong đó, Quân đội và người lính là “siêu đề tài”, có giá trị đặc biệt. Qua đó để giáo dục, tuyên truyền cho các thế hệ mai sau hiểu biết, quý trọng về Quân đội, khơi dậy lòng yêu nước và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường”.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/van-hoc-nghe-thuat/luu-giu-hinh-anh-quy-ve-quan-doi-anh-hung-757815

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/632946-luu-giu-hinh-anh-quy-ve-quan-doi-anh-hung.html