Lý do Kim Jong-un không dùng vũ khí hạt nhân thống nhất Triều Tiên

Phần lớn giới phân tích cho rằng, việc Triều Tiên ra sức phát triển vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn nguy cơ bị Mỹ cùng các đồng minh của Mỹ tấn công, xâm lược. Song vẫn có lo ngại về một động cơ đáng sợ hơn đó là ông Kim Jong-un có thể dùng vũ khí hạt nhân để thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Một số chuyên ga cảnh báo nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể tiếp tục khiêu khích bằng các vụ phóng tên lửa, hạt nhân mới.

Theo National Interest, có một số nhà quan sát danh tiếng tin rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un xem vũ khí hạt nhân là vũ khí chiến lược để thống nhất bán đảo Triều Tiên dưới ngọn cờ của chế độ Bình Nhưỡng.

Những nhà quan sát này lập luận, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng, việc thống nhất bán đảo Triều Tiên (hoặc ít nhất là nắm quyền quản lý Hàn Quốc) là điều cần thiết để củng cố di sản của ông cùng ông nội và cha ông.

Trong một bài bình luận, KGS Nightwatch, hãng tin an ninh toàn cầu uy tín nhấn mạnh: Các khả năng tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đều nằm trong chiến lược thống nhất bán đảo Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Những tuyên bố và hành động của Kim Jong-un phản ánh niềm tin của ông rằng, việc thống nhất đất nước hoàn toàn có thể hoàn thành dưới sự lãnh đạo của ông.

Ông Kim Jong-un được cho là muốn vượt qua cả ông nội và bố và trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ nhất trong lịch sử Triều Tiên. Nhà lãnh đạo tin rằng, Triều Tiên có thể đánh bại Hàn Quốc nếu Mỹ và Nhật Bản "bị vô hiệu hóa" và không thể can thiệp.

Tuy nhiên, như đa phần các nhà phân tích khác, ông Zachary Keck của National Interest tin rằng, ông Kim Jong-un sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để thống nhất bán đảo Triều Tiên.

Hơn nữa, theo ông Keck, khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân để thống trị Hàn Quốc là phi thực tế. Bởi để làm được điều này, ông Kim Jong-un phải ép được Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên. Nhưng điều này hoàn thoàn không thể xảy ra.

Liên Xô cũ hay Nga hiện nay cũng như Trung Quốc vốn sở hữu vũ khí hạt nhân từ lâu vẫn không thể buộc Mỹ rút khỏi châu Âu hay châu Á. Đặc biệt là hiện nay, Washington lại đang gắng sức thực thi chính sách củng cố sự hiện diện của nước này ở châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Theo đó, cường quốc quân sự số 1 thế giới chắc chắn không muốn mất các căn cứ chiến lược trong khu vực và bằng mọi giá sẽ bảo vệ chúng.

Nhưng nếu vì lý do hoặc áp lực nào đấy, Mỹ quyết định rút quân, để thống nhất bán đảo Triều Tiên, ông Kim vẫn phải đánh bại Hàn Quốc và an dân. Đây là một thách thức lớn. Bởi Triều Tiên là một quốc gia bí ẩn bậc nhất thế giới trong khi Hàn Quốc có một nền dân chủ cởi mở. Theo đó, người dân Hàn Quốc được cho là chắc chắn sẽ phản kháng mạnh để chống lại khả năng bị Triều Tiên thống trị.

Quân đội Hàn Quốc cũng được nhận định là "không thua kém" Triều Tiên khi ngày càng được trang bị nhiều vũ khí tối tân, lợi hại.

Mặc dù Triều Tiên có thể gây thiệt hại to lớn cho Hàn Quốc nếu chiến tranh nổ ra, nhưng sẽ khó lòng đánh bại quân đội nước láng giềng khi dân số Hàn Quốc nhiều gấp đôi, nền kinh tế Triều Tiên lại chỉ bằng 1% quy mô của nền kinh tế Hàn Quốc.

Ngoài ra, hàng năm Seoul chi tiêu cho quân đội gấp 10 lần Bình Nhưỡng. Nước này cũng hoàn toàn có thể theo đuổi vũ khí hạt nhân nhanh chóng trong trường hợp bắt buộc.

Cuối cùng, ông Keck nhấn mạnh, kịch bản nhà lãnh đạo Kim Jong-un dùng vũ khí hạt nhân để thống nhất bản đảo Triều Tiên là cực kỳ khó xảy ra.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/ly-do-kim-jong-un-khong-dung-vu-khi-hat-nhan-thong-nhat-trieu-tien-804080.html