Lý do nhiều người dân thủ đô Indonesia phải mua nước sạch từ hàng xóm

Đối với ngư dân có tên Samsi, việc có được nước sạch để tắm rửa sau ngày dài làm việc không hề đơn giản. Ông Samsi, giống như nhiều người Indonesia khác, hiện phải mua nước sạch từ hàng xóm.

Người dân lấy nước giếng để sử dụng tại Jakarta. Ảnh: CNA

Người dân lấy nước giếng để sử dụng tại Jakarta. Ảnh: CNA

“Rất khó có được nước sạch. Lần đầu tiên tôi lắp máy bơm, nước không chảy ra”, người đàn ông 63 tuổi sống ở Kalibaru thuộc khu vực Cilincing ven biển North Jakarta (Indonesia) than phiền.

Hiện khoảng 65% người dân Jakarta có thể tiếp cận nước sạch và chính quyền thủ đô Indonesia đặt mục tiêu nâng mức này lên 100% vào năm 2030. Chính phủ cũng đang đẩy nhanh việc xây dựng đường ống dẫn nước sạch.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên nước Jakarta chia sẻ các đường ống ở Đặc khu thủ đô Jakarta đang được thi công để mang nước đến tất cả các khu vực chưa được cấp nước máy. Mục đích là để hệ thống đường ống dẫn nước khiến người dân ngừng bơm nước giếng, vốn làm tăng nguy cơ sụt lún đất, đặc biệt là ở một số khu vực như Bắc Jakarta.

Cô Yulia Mayau, một công dân Jakarta, phải mua nước sạch từ hàng xóm. Việc đổ đầy nước trong một giờ khiến Yulia Mayau tốn khoảng 1,85 USD (47.000 đồng) và lượng nước cũng chỉ đủ dùng trong ba ngày. "Nó quá đắt. Đó là một khoản chi phí rất lớn. Nếu muốn lắp máy bơm, đường ống nước, nhà cung cấp dịch vụ nói rằng họ cần ít nhất 10 hộ gia đình đăng ký”, Yulia Mayau kể.

Về phần những người bán nước cho hàng xóm, họ chia sẻ với hãng tin CNA (Singapore) rằng họ không được phép làm điều đó một cách hợp pháp và máy bơm trong nhà họ chỉ dành cho tiêu dùng cá nhân.

Một người dân bị bắt quả tang bán nước sau khi bị chính quyền kiểm tra cho biết cô bị phạt 300 USD.

Các nhà phân tích cho rằng chính quyền cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn cải thiện tình trạng nước ở Jakarta. Thành phố có thể xem xét hợp tác với các nước phát triển, đặc biệt là trong việc chuyển giao công nghệ.

Chuyên gia quy hoạch đô thị Nirwono Joga tại Đại học Trisakti, cho biết: “Chúng ta phải bắt đầu nâng cao tiêu chuẩn để biến Jakarta trở thành thành phố toàn cầu, cụ thể là bằng cách cung cấp nước uống từ vòi. Đây là thách thức lớn nhất mà chúng ta phải giải quyết”.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo CNA)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/ly-do-nhieu-nguoi-dan-thu-do-indonesia-phai-mua-nuoc-sach-tu-hang-xom-20240521171141561.htm