Lý do ông Trump vẫn 'chắc ghế' nếu có đại cử tri 'bất trung'

Ngày 19/12 (giờ địa phương) đại cử tri Mỹ đi bỏ phiếu để bầu Tổng thống. Cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là khó đoán và kịch bản ông Trump không đủ tối thiểu 270 phiếu cũng được bàn luận tới.

Theo tờ Independent, có 30 đại cử tri đảng Cộng hòa sẵn sàng thay đổi ý kiến và lá phiếu của mình để ngăn cản ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, giáo sư Luật đại học Harvard, Larry Lessig nhận định.

Ông Lessig đang làm nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho một số đại cử tri có ý định bỏ phiếu theo ý kiến của mình chứ không phụ thuộc vào đầu phiếu phổ thông đã kiểm ở bang của họ trong cuộc bầu cử đầu tháng 11 vừa qua.

Dù đa số các bang quy định các đại cử tri phải bỏ phiếu theo lựa chọn của phiếu phổ thông, theo luật liên bang nhưng theo ông Lessig đã có những tiền lệ về việc các đại cử tri bỏ phiếu theo quyết định cá nhân của mình, không phụ thuộc vào đảng mà họ là thành viên.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Và đến nay chỉ duy nhất một đại cử tri đảng Cộng hòa là Chris Suprun của bang Texas tuyên bố không bỏ phiếu cho ông Donald Trump trong ngày 19/12. Đại cử tri này đưa ra lý do cho quyết định này của mình là vì Tổng thống đắc cử không đủ năng lực lãnh đạo.

Nhưng khi chia sẻ với MSNBC vào đầu tuần vừa qua, ông Lessig cho biết có nhiều đại cử tri cũng đang xem xét việc thay đổi lá phiếu của mình và nếu con số này lên tới 37 người thì tổng số phiếu đại cử tri của ông Donald Trump sẽ thấp hơn 270, số phiếu đại cử tri tối thiểu các ứng cử viên cần có để chính thức trở thành Tổng thống Mỹ.

"Khảo sát trên 3 nhóm đại cử tri đảng Cộng hòa cho thấy hiện nay có 20 người sẽ thay đổi lá phiếu, con số này có thể cao hơn, khoảng 30 người", ông Lessig cho biết.

Ông Trump đang hơn bà Hillary Clinton tới 2,8 triệu đầu phiếu phổ thông và ông Trump cũng giành lợi thế từ các thành viên Cử tri đoàn.

Hơn nữa lịch sử Mỹ chưa có trường hợp nào lá phiếu đại cử tri có thể thay đổi kết quả bầu cử phổ thông nên phần thắng sẽ nghiêng nhiều về phía ông Trump.

Tuy vậy, theo bình luận của tờ Express, khi ngày càng nhiều đại cử tri Mỹ tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Trump thì một kịch bản tuy ít có khả năng xảy ra song cũng không thể loại trừ đó là ông Trump có thể sẽ không đủ phiếu để trở thành chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng.

Nếu cuối cùng ít nhất 37 đại cử tri quyết định bất trung với Tổng thống đắc cử, ông Trump sẽ không có đủ phiếu để trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ.

Và trong trường hợp các đại cử tri “nổi loạn” chống lại ông Trump và số phiếu đại cử tri của ứng viên Clinton vượt quá ngưỡng tối thiểu 270 phiếu, kết quả sẽ bị đảo ngược, nhưng điều này gần như là không thể.

Bà Clinton và ông Donald Trump.

Nhưng trường hợp cả 2 ứng viên đều không đủ tối thiểu 270 phiếu thì cũng hoàn toàn có khả năng xảy ra. Và trong trường hợp này, hạ viện Mỹ sẽ vào cuộc để bỏ phiếu chọn ra 1 trong 3 ứng viên nhiều phiếu nhất.

Tuy nhiên, theo ông Lessig, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát khi đó chắc chắn sẽ lại nghiêng về ông Trump. Nếu muốn ngăn ông Trump chiến thắng, các nghị sĩ Cộng hòa phải đồng lòng ủng hộ bà Clinton, nhưng điều này theo ông Lessig là không thể.

Theo một phân tích của New York Times, trong lịch sử Mỹ, việc “đảo chiều” lá phiếu đại cử tri là rất hiếm. Hơn 99% đại cử tri của nước này đã bỏ phiếu theo cam kết.

Đại cử tri "bất trung" gần đây nhất “đảo chiều lá phiếu” là vào năm 2004 và là một đại diện đến từ Minnesota. Người này bỏ phiếu cho John Edward thay vì ứng viên đảng Dân chủ John Kerry như đã cam kết, song điều này không đem lại thay đổi gì khi ông Bush cuối cùng vẫn giành 286 phiếu đại cử tri để tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng.

Việc bỏ phiếu trái cam kết của đại cử tri chỉ bị cấm ở 29 bang trên toàn nước Mỹ và chưa từng có đại cử tri “bất trung” nào thay đổi được kết quả của cuộc bầu cử.

Nhưng ngay cả khi điều đó xảy ra, Quốc hội mới do đảng Cộng hòa kiểm soát họp vào ngày 6/1 vẫn có thể bỏ phiếu để ngăn cản bất cứ hành vi bất trung nhằm giữ nguyên vị trí chiến thắng cho ông Trump.

Nếu đến ngày 20/1/2017 mà Hạ viện vẫn không thể bầu ra tổng thống duy nhất thì phó tổng thống do Thượng viện bầu ra sẽ được chỉ định làm quyền tổng thống cho tới khi Hạ viện bầu được.

Nếu phó tổng thống cũng chưa được lựa chọn, chủ tịch Hạ viện đang tại vị sẽ có quyền tổng thống cho đến khi Quốc hội giải quyết được vấn đề.

Ngược lại, trong trường hợp Hạ viện bầu được tổng thống, nhưng Thượng viện không bầu được phó tổng thống, khi đó tổng thống sẽ có quyền lựa chọn một ứng viên tổng thống và chờ Quốc hội phê duyệt.

Đào Vũ

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/ly-do-ong-trump-van-chac-ghe-neu-co-dai-cu-tri-bat-trung-a309775.html