Ly kỳ phim về vụ chặt xác gây chấn động Hong Kong

Đây cũng là tác phẩm điện ảnh giúp Quách Phú Thành trở thành Ảnh đế LHP Kim Tượng Hong Kong 2016.

Từ vụ án chặt xác kinh hoàng ở xứ cảng năm 2008

Đạp huyết tầm mai/Port of Call là bộ phim thuộc thể loại phá án hình sự, kinh dị lẫn các tình tiết bí ẩn của đạo diễn kiêm biên kịch nổi tiếng Ông Tử Quang dàn dựng.

Bộ phim viễn tưởng về tương lai đen tối của Hong Kong vào năm 2025 được coi là một tác phẩm gai góc nhận hàng loạt giải thưởng này nhưng lại bị chính quyền Trung Quốc cấm chiếu.

Những hình ảnh trong phim.

Những hình ảnh trong phim.

Đạo diễn Ông tiết lộ thực hiện bộ phim dựa trên vụ án có thật gây rúng động Hong Kong năm 2008.

Cô gái 16 tuổi Vương Gia Mai (Xuân Hạ) cùng mẹ (Kim Yến Linh) lưu lạc từ Hồ Nam đến Hong Kong. Tại đây mẹ cô tái giá với người đàn ông khác khiến nảy sinh mâu thuẫn giữa cô nữ sinh đảm đang và tài năng với dượng.

Cô gái trẻ 16 tuổi Gia Mai.

Đây chính là lúc cô lầm đường lạc lối hành nghề mại dâm, từ đó gặp phải những khách làng chơi biến thái. Sau cùng, Gia Mai bị sát hại và chặt xác ra thành nhiều mảnh một cách vô dùn dã man, mà theo truyền thông Hong Kong đưa tin thì những bộ phận cơ thể của cô gái đáng thương bị vứt vương vãi khắp trên phố.

Lúc này A Tạng (Quách Phú Thành) cùng đồng nghiệp là Yên Sạn (Đàm Diệu Văn) điều tra vụ án và phát hiện những chứng cứ về gã tài xế xe tải cục súc Đinh Tử Thông (Bạch Chỉ).

Cảnh sát Tạng tài năng, thông thái.

Chính A Tạng đã buộc Thông tự thú và khai ra toàn bộ vụ việc. Tuy nhiên A Tàng cảm thấy vẫn còn điều khả nghi, anh quyết định điều tra những người xung quanh Mai và Thông, để rồi phát hiện ra chân tướng phía sau vụ án.

Trailer phim "Đạp huyết tầm mai/Port of Call"

Từ một vụ án có thật thành hai

Ngay tiêu đề phim, “Đạp huyết tầm mai” khiến người xem có dự cảm đầy ám ảnh và kinh hoàng. Bộ phim hình sự lấy bối cảnh phố thị sầm xuất, phồn hoa của Hong Kong. Phim cũng bám sát những tình tiết về cô gái Gia Mai trẻ di cư đến Hong Kong, làm nghề mãi dâm, tình tiết thân xác bị chặt làm nhiều mảnh...

Bên cạnh đó đạo diễn còn đi sâu khai thác quá trình điều tra phá án đầy bí ẩn và ly kỳ. Một đạo diễn xuất thân từ biên kịch như Ông Tử Quang đã đưa lên màn ảnh một vụ án có thật đầy kỳ bí bằng ngôn ngữ điện ảnh giàu hình tượng, xúc tích và chân thật.

Một điểm đáng lưu ý khác, phim không chỉ đi sâu khai thác một vụ án có thật từng gây rúng động xã hội Hong Kong cách đây gần 10 năm. Trong hồi ức của cảnh sát Tạng, anh nhớ đến một vụ án rùng rợn đầy kì bí khác.

Đó là về trường hợp một cô gái gọi trong một căn hộ thuộc khu chung cư cũ nát, bị đám trai làm nhục liên tục cho đến lúc nạn nhân tử vong.

Từ chỗ Tạng gần như bế tắc khi phá án về cái chết của nạn nhân, rút cục anh phát hiện ra đầu mối giấu trong đầu chú mèo đồ chơi bị chôn dưới đất. Tình tiết này khiến người dân Hong Kong lập tức nhớ lại một trong 10 vụ án kinh điểm ở xứ cảng thơm – Vụ án Hello Kitty.

Những nhân vật và diễn viên sáng giá

Trong phim đáng chú ý hình tượng nhân vật Gia Mai, sở hữu cặp mắt to tròn, ngấn nước, ngấn hận thù và chất chứa cả những ngây thơ, hoài bão của tuổi trẻ. Cô gái từng thất bại trong thi cử, theo đuổi nghề mẫu bình dân ở Vân Nam nhưng bị từ chối.

Vì chịu áp lực và tủi nhục từ gia đình nên đã tìm vui nơi đầu đường hè phố, nhẫn nhịu đi khách mua vui. Chỉ đến khi cô bị phụ lòng mới trở nên tuyệt vọng và luôn im lặng. Hình ảnh Gia Mi khiến người xem luôn cảm nhận thấy sự gấp gáp, thảng thốt và chấn động tâm lý.

Để hóa thân thành nhân vật Gia Mai đầy cô độc và đáng thương, nữ diễn viên 9X Xuân Hạ tiết lộ cô đã nhiều ngày giam mình trong những quán bar, khách sạn ở Hong Kong.

Cũng lạ nước lạ cái, ngôn ngữ không thạo, lang thang không trở về nhà, từ đây cô vô tình được trải nghiệm cuộc sống đầy mới mẻ và cảm nhận được cảm xúc của nhân vật: “Tôi giống như một cốc nước, điện ảnh muốn tôi có màu sắc gì thì tôi có màu như vậy”, Xuân Hạ tâm sự.

Còn đạo diễn Tử Quang đánh giá ông luôn chú trọng đến Xuân Hạ bởi “cô ấy hiểu chuyện và luôn biết lý do tôi muốn làm bộ phim này. Cô ấy cũng biết tâm tư của Gia Mai”.

Ngoài cô gái bán dâm trẻ tuổi, viên cảnh sát trung niên A Tạng của Quách Phú Thành cũng gây chú ý bởi không chỉ tài năng phá án mà còn ở thân phận nhiều thăng trầm của bản thân.

Một cảnh sát đam mê phá án, sống xa nhà sau cuộc hôn nhân đổ vỡ và luôn mang bên mình chiếc máy ảnh Polaroid để “tự sướng” tại hiện trường mỗi vụ án. Những bức ảnh này sau đó được Tạng dán khắp các bức tường trong nhà như một chiến tích.

Quách Phú Thành nhập vai hết sức tự nhiên, diễn mà như không hề diễn. Tuổi tác giúp anh hóa thân cảnh sát Tạng tuổi trung niên mà không cần hóa trang. Một viên cảnh sát đứng tuổi nhưng vẫn xông pha liều lĩnh, tài giỏi với kinh nghiệm phá án đầy mình.Sự dí dóm và hài hước của Tạng cũng như bản thân Quách Phú Thành ngoài đời.

Một diễn viên khác cũng thể hiện xuất sắc vai diễn của mình là Mỵ Phụng, bà mẹ cay nghiệt từng là ca sĩ hộp đêm của Vương Gia Linh.

Nữ diễn viên Kim Yến Linh là danh ca kiêm ngôi sao dòng phim người lớn tên tuổi của điện ảnh Hong Kong một thời. Cô gây ấn tượng với cảnh bà mẹ gào thét trong tuyệt vọng và đau khổ, vì bất lực khi không thể tìm ra tung tích của cô con gái xấu số mà bà bấy lâu vẫn ruồng bỏ.

Trong cảnh nhận xác con, bà mẹ thẫn thờ nhưng hết sức bình tĩnh, bởi bà hiểu mình còn may mắn hơn nhiều người khi biết con mình chết vì đâu trước thực tại “mỗi giờ lại có một người mất tích ở Hong Kong” - theo lời một cảnh sát nói trong phim.

Khoảnh khắc này Yến Linh đưa nỗi đau đã lên đến tột cùng đỉnh điểm, trở thành cao trào của bộ phim. Và vai diễn này đã giúp bà nhận đượcxướng tên hạng mục Nữ diễn viên phụ xuất sắc của LHP Kim Tượng.

Đảo lộn quy tắc dòng phim hình sự

Đạp huyết tầm mai/Port of Call phá vỡ những quy tắc thường thấy ở một phim hình sự điều tra. Với lối kể chuyện theo trình tự thời gian bị đứt gãy, phim không diễn giải theo trình tự của một vụ án với cái kết là tìm ra thủ phạm mà thủ phạm lộ diện ngay từ giữa phim.

Tình tiết bộ phim thường qua lại giữa các năm 1998, 2008 và 2009 để làm sáng tỏ thêm về nguồn gốc của Tạng, Mai và Thông. Đây cũng là cách mà Tử Quang kết nối với giữa con người xã hội và con người trong phim.

Cụ thể phim được làm ba phần: Phần đầu kể về quá trình phát hiện ra vụ án mạng của cảnh sát. Phần thứ hai kể về câu chuyện quá khứ của nạn nhân, những nỗi niềm riêng của cô.

Phần thứ ba đi vào khai thác động cơ của chính kẻ xác nhận và hé lộ sự thật đằng sau vụ án rùng rợn. Người xem biết về hung thủ rất sớm nhưng hoàn toàn mù mờ về động cơ của hắn cho đến khi ngỡ ngàng khám phá ra sự thật.

Hơn hết vẫn là tầng lớp ý nghĩa được chuyển tải qua những khuôn hình đậm chất điện ảnh quen thuộc của nhà quay phim Christopher Doyle, từng mang đến thành công cho các phim của Vương Gia Vệ trước đó.

Những khung hình của Doyle không khiến người xem hài lòng trước những hình ảnh long lanh, quyến rũ hay đèm đẹp dễ chịu. Nó nhấn mạnh vào sự tối tăm, bụi bặm, nhếch nhác và ẩm thấp nhằm đối lập lại hình ảnh một Hong Kong xa hoa, sạch sẽ và kiêu hãnh.

Hong Kong trong phim là một khu ổ chuột nhung nhúc người với những giấc mơ tan vỡ, những gia đình và thân phận mạnh ai nấy sống và bế tắc.

Đạp huyết tầm mai là một bước tiến vượt bậc của Ông Tử Quang trong vai trò là biên kịch kiêm đạo diễn phim. Đây là bộ phim thứ ba sau hai tác phẩm bị chê là xa lạ và cô đơn gồm Glamorous Youth (2009) và May We Chat (2013).

Theo chia sẻ của đạo diễn, sự thật không phải là mối quan tâm chính mà bộ phim muốn đề cập tới. Đằng sau cái chết trong hoàn cảnh bí ẩn của nạn nhân, Mai có thể đã yêu cầu kẻ giết người kết liễu cuộc đời cô vì chính cô.

Tử Quang khiến khán giả không quan tâm tới lý do vì sao cô gái muốn chết mà quan trọng hơn, tại sao một người hoàn toàn xa lạ lại buộc phải làm việc này đồng thời phơi bày cuộc sống của tất cả những người liên quan, của hệ thống xã hội vốn tưởng như rất ổn định vận hành bằng pháp trị.

“Mưa giải thưởng” tại “Oscar Hong Kong”

Đạp huyết tầm mai ra rạp tại Hong Kong vào tháng 12.2015, thành công vang dội với tổng cộng 13 đề cử tại LHP Kim Tượng Hong Kong lần thứ 35 năm 2016, một điều hiếm thấy trong nhiều năm gần đây.

Chỉ một điều đáng tiếc duy nhất là hạng mục quan trọng Phim hay nhất lại lọt về phim Thập niên/Ten Years. Tuy vậy phim vẫn giành chiến thắng áp đảo ở 7 hạng mục cùng 5 tượng vàng dành cho các diễn viên trong phim.

Đáng chú ý tại giải thưởng điện ảnh uy tín trên, divo Hong Kong Quách Phú Thành đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn thám tử điều tra. Đây là lần đầu tiên anh đoạt giải thưởng "Oscar của điện ảnh Hong Kong" sau 5 lần được đề cử và để hụt tượng vàng.

Tài tử 50 tuổi tâm sự: "Tôi thấy hạnh phúc và bất ngờ vì không nghĩ mình đoạt giải. Tôi xin cảm ơn những người hợp tác cùng mình và muốn chia sẻ hạnh phúc này với mẹ. Tương lai, tôi muốn thử làm đạo diễn".

Phim còn mang về cho bạn diễn của Quách Phú Thành là nữ diễn viên sinh năm 1992 Xuân Hạ giải Nữ diễn viên chính xuất sắc sau khi đánh bại hàng loạt tên tuổi sao nữ đình đám như Thang Duy, Trương Ngải Gia, Lâm Gia Hân và Dương Thiên Hoa.

Trong vòng bầu chọn cuối cùng của Hiệp hội Nhà sản xuất phim Hong Kong, bộ phim vượt qua bom tấn Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì để có thể nhận tấm vé dự tranh Oscar 2017.

Để hụt giải Phim hay nhất của LHP Kim Tượng, đổi lại phim đoạt giải Phim hay nhất tại lễ trao giải của Hiệp hội các nhà Phê bình Điện ảnh Hong Kong (Trung Quốc-HKFCS) lần thứ 22.

Hiện tại Đạp huyết tầm mai nhận được đánh giá cao từ người yêu phim quốc tế, trên trang dữ liệu phim quốc tế IMDb, phim nhận điểm số khá cao 6,9/10 qua gần 1.000 lượt nhận xét từ người hâm mộ.

Long Hy

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giai-tri/ly-ky-phim-ve-vu-chat-xac-gay-chan-dong-hong-kong-710677.html