M&A hứa hẹn bùng nổ tại Việt Nam

Theo báo cáo của Cty kiểm toán Pricewaterhouse Coopers, tổng số hợp đồng mua bán sáp nhập tại VN trong 6 tháng đầu năm 2010 đạt 172 với giá trị 584 triệu USD, so với 112 hợp đồng và 232 triệu USD của cùng kỳ năm 2009. Như vậy, hoạt động M&A ở VN năm 2010 hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng so với năm 2009.

Thực trạng M&A tại VN (Nguồn: Thomson Reuters); Nếu như trong giai đoạn 2007 – 2008, đa số các thương vụ M&A của VN đều có yếu tố nước ngoài tham gia với vai trò là bên mua thì đến thời kỳ 2009 - 2010, các DN VN đã chủ động hơn và dần chiếm ưu thế trên thị trường M&A. Đây có thể coi là điểm sáng cho thấy xu hướng cũng như tiềm năng phát triển hoạt động M&A ở VN trong thời gian tới. Cụ thể, trong năm 2009, mặc dù các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của DN VN vẫn tiếp tục diễn ra, song số lượng các DN VN mua DN VN đã tăng vọt, chiếm đến 40% tổng số giao dịch toàn thị trường. Nổi bật trong năm 2009 là Viettel, sau khi trở thành đối tác chiến lược của NHTMCP Quân đội MB, Viettel đã mua 35 triệu cổ phần của Vinaconex – một trong những tập đoàn hàng đầu tại VN trong lĩnh vực xây dựng. Hay thú vị hơn là DN VN mua lại DN nước ngoài cũng chiếm tới 4.62% tổng số giao dịch năm 2009, tiêu biểu là thương vụ BIDV mua lại một Ngân hàng tư nhân của Campuchia. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng tích cực, hoạt động M&A hiện vẫn còn nhiều hạn chế và khó khăn. Một là VN chưa có khung pháp lý riêng cho hoạt động M&A. Hiện tại, có thể tìm thấy nhiều quy định cho hoạt động M&A ở các văn bản pháp luật khác nhau như trong Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Cạnh tranh 2004... song một hành lang pháp lý riêng cho hoạt động M&A vẫn còn thiếu. Điều này hiện đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý, các DN cũng như các tổ chức tư vấn tài chính. Hai là đứng trước hoạt động M&A phức tạp và mới mẻ, các tổ chức tham gia như doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, tổ chức tư vấn... đã bộc lộ những hạn chế. Trong khi các DN còn thiếu kinh nghiệm cũng như hiểu biết về M&A dẫn đến những khó khăn trong định giá, chuẩn bị hồ sơ... (tiền M&A), sự hòa nhập, tổ chức quản trị... (hậu M&A), thì mức độ tham gia của các tổ chức tư vấn mới chỉ ở mức độ xây dựng hồ sơ, thủ tục pháp lý. Chức năng tư vấn trước và sau M&A còn rất hạn chế. Tuy nhiên với những bước tiến đáng ghi nhận trong giai đoạn 2007 – 2009, và xu thế DN “nội” ngày càng chủ động trong M&A cho thấy các DN trong nước đã bắt đầu có sự quan tâm, tích lũy kiến thức và đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm tìm kiếm động lực, sức mạnh tăng trưởng. Có thể thấy, hoạt động thâu tóm, sáp nhập ở VN là rất tiềm năng, cùng với kỳ vọng về sự phục hồi, phát triển của kinh tế, M&A tại VN hứa hẹn sẽ có những bước phát triển trong dài hạn, mở ra cơ hội cho mọi chủ thể DN, nhà đầu tư cũng như các tổ chức tư vấn tài chính trong và ngoài nước. (Chuyên mục hợp tác với Cty chứng khoán Phố Wall)

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20100830043940245cat91/ma-hua-hen-bung-no-tai-viet-nam.htm