Mắc bệnh mà muốn có con, phải làm sao?

Những suy nghĩ tiêu cực như cố giấu bệnh, sẵn sàng “hy sinh vì con” thường khiến người bệnh đánh mất cơ hội làm mẹ bình thường như bao bà mẹ khác

Những bệnh lý tim mạch, chuyển hóa, bệnh tự miễn… có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của thai phụ và thai nhi khi người mang thai mắc phải. Tuy nhiên, theo đà tiến bộ của y học, khá nhiều trường hợp bệnh nhân vẫn có cách để làm mẹ an toàn. Ngược lại, nếu người bệnh âm thầm trải qua một thai kỳ không được quản lý chặt chẽ thì hậu quả rất khó lường.

Không nên giấu bệnh

Chia sẻ trên Facebook vào ngày thôi nôi con trai, chị N.N.T.N (36 tuổi) kể lại chuyện 1 năm trước. Do tim mạch, huyết áp của chị không ổn định từ trẻ, chồng chị biết rõ và đã có một thỏa thuận khó khăn với gia đình hai bên rằng họ lấy nhau không cần có con vì lo cho sức khỏe của chị. Nhưng bản năng làm mẹ trong chị trỗi dậy sau một lần đi đón con giùm người bạn, chị quyết định đến bệnh viện tháo vòng tránh thai… Cho đến lần chị ngất xỉu, phải nhập viện, chồng và cha mẹ biết thì “chuyện đã rồi”, thai đã được 5 tháng.

Những tháng cuối cùng của thai kỳ thực sự là cơn ác mộng với chị và gia đình với những lần nhập viện liên miên, cuối cùng là cơn thập tử nhất sinh trên bàn sinh khi chị bị sản giật, cậu bé cũng bị ngạt, suýt không giữ được tính mạng. Điều chị hối tiếc nhất là câu mà chị vô tình nghe được bác sĩ (BS) nói với chồng mình: “Bệnh tim của cô ấy đâu quá nặng, nếu muốn có thai vẫn có cách. Đi khám sớm thì đâu phải khổ thế này…”.

Tư vấn cho thai phụ tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, nhu cầu có con của người phụ nữ là chính đáng và nếu họ đang mắc những bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai như nhóm bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy thận, bệnh tự miễn… thì việc cân nhắc khi nào thích hợp để có con, quản lý thai kỳ như thế nào… là rất quan trọng. Thứ nhất, đừng bao giờ nghĩ rằng bệnh lý ấy có thể nguy hiểm đến bản thân khi mang thai nhưng vì con nên sẵn sàng hy sinh để cứu con. Nên nhớ rằng khi sức khỏe, tính mạng của thai phụ bị đe dọa trong cuộc sinh thì sức khỏe, tính mạng của đứa bé cũng không có gì bảo đảm. Thứ hai, đừng nghĩ rằng hễ bệnh là không thể có con bởi đối với từng bệnh, có nhiều cách để cân nhắc, phối hợp giữa BS điều trị bệnh và BS sản khoa để thai phụ có thể “mẹ tròn con vuông”.

Tùy bệnh mà xử lý

PGS-TS-BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện Hùng Vương, khuyên rằng nếu một người đang mang bệnh mà muốn có con, trước hết hãy bàn bạc điều này với BS đang điều trị bệnh cho mình để tùy theo bệnh mà có kế hoạch mang thai hợp lý. Ví dụ, ở người mắc bệnh van tim hậu thấp, khi chưa mổ thì việc mang thai sẽ đem đến nhiều rủi ro nhưng sau khi được phẫu thuật thay van tim thì có thể mang thai an toàn. Người bị đái tháo đường type 1 hay bệnh tự miễn như bệnh Lupus ban đỏ thì cần được khám, theo dõi, đánh giá diễn tiến bệnh. Bệnh nhân có thể bắt đầu thai kỳ vào giai đoạn bệnh ổn định nhất.

Ngược lại, nếu người bệnh không có kế hoạch mang thai hợp lý, hậu quả rất khó lường. Ví dụ như bệnh nhân đái tháo đường mà không được kiểm soát tốt thì có thể gây dị tật thai nhi; một số bệnh lý về tim mạch, bệnh tự miễn có thể đe dọa tính mạng cả mẹ lẫn con nếu thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa BS điều trị và BS sản khoa. Điều này đồng nghĩa với việc giấu bệnh hay vì một nỗi lo mơ hồ mà không tuân thủ điều trị căn bệnh hiện hữu đều rất nguy hiểm.

Theo BS Khánh Trang, thay vì lo sợ thuốc điều trị ảnh hưởng đến thai, bệnh nhân nên thông báo tình trạng mang thai của mình cho BS điều trị để được thay thế các loại thuốc phù hợp hơn. “Để người bệnh có một thai kỳ an toàn, cách duy nhất là quản lý chặt chẽ thai kỳ ngay từ đầu” - ông nhấn mạnh. Theo ông, tốt nhất là đừng để xảy ra biến chứng vì nếu đã xuất hiện tình trạng này thì dù có được cấp cứu kịp thời vẫn khó tránh những tổn hại nhất định cho thai phụ và thai nhi.

Vai trò người chồng rất quan trọng

Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, khi một phụ nữ đang có bệnh mà muốn có con, họ phải đối mặt không ít trở ngại, lo lắng. Khi đó, sự đồng hành của gia đình - nhất là người chồng - sẽ giúp họ ổn định tâm lý và có quyết định phù hợp. “Đặc biệt, trong tình huống họ bị bệnh quá nặng hay không được BS chỉ định mang thai, người chồng nên tìm cách an ủi, khuyên giải để họ đừng có tâm lý tiêu cực. Không thể trực tiếp mang thai, các cặp vợ chồng vẫn có thể sống hạnh phúc nếu thông cảm nhau hoặc xin con nuôi. Nhờ người mang thai hộ cũng là lựa chọn phù hợp trong nhiều trường hợp” - ông khuyên.

Bài và ảnh: ANH THƯ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/mac-benh-ma-muon-co-con-phai-lam-sao-20161227212205452.htm