Mai vàng Bình Định, chỉ dẫn địa lý đầu tiên của miền đất võ

Theo thông tin của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định, tỉnh này vừa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cây mai vàng Bình Định. Đây là sản phẩm chỉ dẫn địa lý đầu tiên của vùng 'đất võ, trời văn'.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài giới thiệu khu trưng bày chỉ dẫn địa lý mai vàng Bình Định. Ảnh: Ái Trinh

Ngày 26/1/2024, tại làng mai truyền thống lâu đời Trung Định, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, đã diễn ra Lễ khai mạc “Triển lãm mai vàng nghệ thuật An Nhơn kết hợp với Hội thi tay nghề tạo dáng mai vàng nghệ thuật năm 2024” với 5.300 cây mai được trưng bày. “Triển lãm mai vàng nghệ thuật An Nhơn không chỉ là sân chơi vui Xuân, đón Tết, mà còn là nơi giao lưu của các nghệ nhân và là hoạt động để quảng bá thương hiệu mai vàng Bình Định đến với người yêu cây trên khắp cả nước, góp phần kết nối giữa người sản xuất và tiêu dùng về sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của thị xã An Nhơn cũng như tỉnh Bình Định" - ông Mai Xuân Tiến, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Trưởng ban tổ chức triển lãm cho biết.

Luật Sở hữu trí tuệ cho phép bảo hộ các tài sản trí tuệ dưới dạng rất nhiều hình thức như nhãn hiệu, chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, một số kiểu dáng công nghiệp, một số sáng chế, giải pháp, trong đó, đăng ký bảo hộ về sở hữu công nghiệp có hình thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý về nguồn gốc phải có chất lượng cao nhất và yêu cầu khắt khe nhất. Hiện nay, toàn quốc có số lượng rất ít sản phẩm của địa phương được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, tại tỉnh Bình Định, cây mai vàng là sản phẩm đầu tiên từ trước đến nay được Luật Sở hữu trí tuệ bảo hộ.

Tại khu triển lãm, bà con và du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những cây mai cảnh đẹp, nghệ thuật do các nghệ nhân có tay nghề cao của Bình Định tạo dáng, mà còn được tham quan khu trưng bày và giới thiệu về chỉ dẫn địa lý Bình Định cho cây mai vàng.

Bình Định là một trong những tỉnh phát triển nghề trồng mai lớn của cả nước. Từ cây hoang dại trong rừng núi đã được người dân dày công gây trồng, lai tạo từ thế hệ này truyền lại cho thế hệ sau vốn kinh nghiệm quý báu. Đến nay, mai vàng của tỉnh Bình Định đã mang những nét đặc trưng riêng được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến. Thị xã An Nhơn được xem là thủ phủ mai vàng, là vựa mai đặc trưng và lớn của khu vực miền Trung. Ở đây có hàng nghìn hộ dân trồng mai với hơn 2 triệu chậu mai trên diện tích 145ha. Trong những năm gần đây, doanh thu của cây mai vàng An Nhơn đạt trên 100 tỉ đồng/năm.

Bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định cho biết: Mai có rất nhiều loại như mai miền Nam, mai Huế, hoặc mai vàng Yên Tử, nhưng để Cục Sở hữu trí tuệ công nhận là sản phẩm trí tuệ, sản phẩm kết tinh từ lao động sáng tạo và trí tuệ của người dân Bình Định so với các sản phẩm mai của các tỉnh khác thì phải chứng minh cho được nguồn gốc xuất xứ, phải là giống bản địa. Thời gian vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định được sự ủy quyền của UBND tỉnh đứng ra đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng Bình Định.

Trong khuôn khổ dự án 30 tháng triển khai, nhóm nghiên cứu đã cùng địa phương phân tích rất sâu về thổ nhưỡng, giống, phương pháp canh tác và điều kiện chăm sóc của bà con nhằm chứng minh được sự khác biệt mai vàng của Bình Định mang yếu tố đặc thù và chịu ảnh hưởng của các yếu tố đặc thù. Phương pháp canh tác của Bình Định hoàn toàn khác biệt, người dân Bình Định có tính chịu thương chịu khó, thổi hồn vào cây mai. Người Bình Định chơi mai từ gốc, dáng, thế rồi mới đến hoa. Nếu nhìn bằng cảm quan thì mai Bình Định với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên có sức sống mãnh liệt hơn, vỏ cây sần sùi hơn.

Nghệ nhân Trần Ngọc Tuấn (ngoài cùng bên trái) cùng sản phẩm mai vàng “dáng long bay” đã đạt giải 3 tại triển lãm sinh vật cảnh miền Trung và Tây Nguyên năm 2023. Ảnh: Ái Trinh

Ông Trần Ngọc Tuấn, nghệ nhân mai vàng Bình Định chia sẻ: “Cây mai vàng muốn trở thành tác phẩm nghệ thuật, phải quý mến nó như vợ, con mình. Mỗi ngày phải hình dung được nó, tưởng tượng ra nó, tạo nghệ thuật và hình dung trong tâm trí của mình cái khung, sau đó bắt tay vào làm, nếu làm không được thì hình dung ra một khung khác. Cây phải có dáng thế với rễ đế tròn đều trong chậu, không bên nào khuyết rễ. Sau khi tạo thế rễ cân bằng xong thì tạo thế cây bay nhẹ. Cây xù nu, tạo điểm nhấn, phân chi cân bằng từ chi một đến chi hai, chi ba. Cây cảnh là muôn hình muôn vẻ, miễn sao là phù hợp tầm nhìn mọi người”.

Được biết, ngày 25/1/2024, sau 25 tháng thực hiện dự án, sản phẩm mai vàng Bình Định đã được Cục Sở hữu trí tuệ chính thức ký văn bằng bảo hộ với 2 giống mai cúc và mai giảo. Phạm vi chỉ dẫn địa lý là toàn tỉnh và có giá trị vô thời hạn.

“Đây không chỉ là niềm tự hào rất lớn cho Bình Định, đặc biệt cho bà con trồng, chăm sóc và kinh doanh sản phẩm mai vàng Bình Định mà còn khẳng định được vị thế, nét đặc trưng và sự đặc sắc của mai vàng Bình Định, tạo được thương hiệu và niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới, với nền tảng ban đầu được đăng ký bảo hộ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục truyền thông cho bà con trồng mai tuân thủ các quy trình để sản phẩm mai vàng Bình Định được bảo hộ, thực sự có chất lượng và tạo được niềm tin cho khách hàng và phát triển mạnh về sau” - bà Võ Cao Thị Mộng Hoài phấn khởi thông tin thêm.

Ái Trinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mai-vang-binh-dinh-chi-dan-dia-ly-dau-tien-cua-mien-dat-vo-post472426.html