Mang Tết đến với giáo viên vùng cao Đồng Văn

Trong cái rét cuối năm hoa lê, hoa mận đã nở trắng dọc theo Con đường Hạnh phúc trên cao nguyên đá Đồng Văn, báo hiệu mùa xuân năm nay đến sớm.

Với các thầy, cô giáo của cụm Trường Mầm non, PTDTNT Tiểu học và THCS Tả Lủng, Trường THPT Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cái Tết như đến sớm hơn khi đón nhận niềm vui bất ngờ từ những người thầy đã trực tiếp giảng dạy mình khi ở Trường Đại học Sư phạm – ĐH Thái Nguyên đến tặng hoa nhân ngày Tết giáo viên (20/11) và động viên và chia sẻ những khó khăn, vất vả trong công tác giảng dạy

Cái Tết nhà giáo khó quên

Xuất phát từ ý tưởng của GS.TS Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường: Trong những ngày lễ, Tết, ngày Tết giáo viên (Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11) thì ở vùng xuôi, ở những miền đô thị ngập tràn hoa chúc mừng nhà giáo. Trong khi đó, với các thầy, cô giáo vùng cao thì hoa là cái gì đó xa xỉ. Đến chung vui và cả chia sẻ khó khăn với các thầy cô giáo vùng cao trong những dịp này thì mới là những món quà đặc biệt ý nghĩa.

Càng ý nghĩa hơn khi hiện nay có đến trên 40% giáo viên trực tiếp đứng lớp và trên 70% cán bộ quản lý giáo dục các cấp của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc là cựu sinh viên nhà trường. Nói là làm, GS.TS Phạm Hồng Quang đã tổ chức cho đoàn cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đi “tặng hoa nhà giáo vùng cao” tại huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Đón nhận những món quà ý nghĩa từ PGS.TS Mai Xuân Trường – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cô Lương Thị Ngọc – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Văn vốn là cựu sinh viên nhà trường xúc động chia sẻ, cảm ơn những tình cảm nồng ấm mà các thầy dạy cũ dành cho mình và các đồng nghiệp. Tết thầy cô này, cũng như Tết cổ truyền năm nay các cô có thêm niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao khi được các thầy trực tiếp tặng quà và thăm nơi ăn, ở, dạy và học của các cô cậu sinh viên trước kia.

Nghĩa cử này thật bất ngờ cho các thầy giáo, cô giáo nơi đây bởi chưa từng có trong tiền lệ từ trước đến nay, các thầy thăm và tặng hoa cho học trò cũ của mình.

Cô Ngọc chia sẻ, mùa đông này học sinh nhà trường có thêm áo ấm để chống chọi với cái giá lạnh của cao nguyên đá và có thêm sách vở để học tập. Các thầy, cô giáo có nguồn cổ vũ lớn lao, tiếp thêm sức mạnh để dìu dắt học trò của mình là con em đồng bào các dân tộc nơi đây đến với chân trời tri thức, học cao hơn để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế của huyện vùng cao khó khăn như Đồng Văn, đúng theo tâm nguyện của các thầy, cô khi ngồi trên ghế trường đại học thường căn dặn giáo sinh của mình.

Tiếp nhận những chiếc áo ấm, những bộ đồ dùng cho học sinh, cô Đỗ Thị Thu – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tả Lủng - cảm động nói: Đã lâu lắm rồi bản thân và các cô giáo nhà trường mới có được niềm vui như ngày hôm nay.

Cô cho biết: Đặc điểm của giáo dục mầm non nơi đây huy động trẻ rất khó khăn, phải đến tận nhà, đón từng cháu đi học đầu năm. Do bố mẹ trẻ còn chưa nhận thức được cái lợi của việc đưa trẻ đến trường nên phải vất vả lắm các cô mới đảm bảo tỷ lệ huy động trẻ đến lớp.

Vì vậy làm gì có hoa vào ngày lễ, ngày Tết giáo viên; nhiều dịp khi đến những nơi khác thấy hoa và quà ngày lễ, Tết mà cô thấy chạnh lòng. Những món quà và hoa của cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đã thắp lên ngọn lửa niềm tin trong cô Thu và những cô giáo ở đây gắn bó với ngôi trường để nuôi dạy tốt các cháu.

Quan tâm đến cái Tết của giáo viên vùng khó

Tại mỗi trường đến tặng quà, các cán bộ, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đều thăm hỏi đời sống của học sinh, giáo viên, những khó khăn trong cuộc sống thường nhật, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Với niềm vui của học trò khi đón các thầy đến nhà chơi dịp Tết, thầy Vũ Ngọc Doãn – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Đồng Văn - cho biết: sách, vở, đồ dùng học tập, đồ dùng bán trú của đoàn rất thiết thực cho đời sống bán trú học sinh nhà trường. Là trường bán trú nên tập thể sư phạm nhà trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn để huy động học sinh đến trường, duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần.

Thầy Doãn tâm sự: Tết này cũng như dịp Tết của thầy, cô giáo (20/11) và các ngày lễ khác trong năm, nhà trường phối hợp với công đoàn chuẩn bị các phần quà tặng cho các thầy, cô giáo; Đồng thời với đó là tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao hoặc tọa đàm chuyên môn để giáo viên phấn khởi yên tâm công tác. Bên cạnh đó, để ổn định đời sống cho giáo viên ở xa, về phía chi bộ nhà trường đã chỉ đạo cho tổ chức công đoàn hỗ trợ bếp ga, bếp điện, chăn màn để các thầy, cô giáo trẻ bớt khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Mong mỏi lớn nhất của thầy Doãn là với học sinh bán trú, được quan tâm nhiều hơn nữa đến chế độ chính sách để các em có chế độ, khẩu phần ăn cao hơn, cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng hàng ngày cho các em, tiếp đó là đồ dùng, sách vở học tập, đồ dùng bán trú; Xây dựng thêm nhiều nhà ở nội trú, nhà ở công vụ cho giáo viên để học sinh có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, giáo viên có điều kiện ổn định cuộc sống yên tâm với sinh hoạt hàng ngày, nhất là trong các dịp lễ, Tết để gắn bó với trường với lớp.

Chuyến đi về cao nguyên đá Đồng Văn với vẻ đẹp mê hồn của những ruộng hoa tam giác mạch, những sườn vách đá tai mèo đã lùi xa, nhưng những cảm xúc, ấn tượng đẹp nhất với cán bộ, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên là tình cảm của giáo viên các trường vùng cao; các thầy cô giáo chính là những minh chứng sinh động nhất cho tấm gương vượt khó của giáo dục miền núi khó khăn của các tỉnh phía Bắc. Những tấm gương của thầy cô giáo khiến các em có thêm rất nhiều động lực phấn đấu ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường sư phạm…

Chuyến đi còn nhằm giúp cho các cán bộ, giảng viên nghiên cứu thực tế giáo dục phổ thông để phục vụ công tác phát triển chương trình đào tạo sư phạm; đồng thời để sinh viên nhà trường thấy được thực tế dạy và học của giáo viên vùng khó khăn nhằm tạo động lực học tập, phấn đấu.

Giang Đông

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/mang-tet-den-voi-giao-vien-vung-cao-dong-van-2833339-b.html