Mạng xã hội và câu chuyện lòng tốt đặt nhầm chỗ

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các mạng xã hội (MXH), đặc biệt là facebook trở thành công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các mạng xã hội (MXH), đặc biệt là facebook trở thành công cụ hữu ích trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống. Đã có những sự kiện, hành động hết sức nhân văn được thực hiện hoặc thông qua facebook mà lan tỏa mạnh mẽ. Tuy nhiên, mọi việc đều có hai mặt và trang MXH này cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mới đây, sự thật về câu chuyện “ông bố cõng con đi nhặt rác trong đêm” khiến cộng đồng facebook xôn xao nhiều ngày qua bị phơi bày là bài học cảnh giác, nhắc nhở mọi người tránh để lòng tốt trao nhầm địa chỉ qua MXH.

Dựng kịch để xin… lòng thương

Những ngày cuối năm 2016, cư dân mạng rầm rộ chia sẻ một câu chuyện cảm động về ông bố 9X gầy gò, tiều tụy địu con đi nhặt rác trong đêm khuya trên các phố phường Hà Nội. Theo thông tin trên MXH, người vợ của thanh niên này đã bỏ đi từ khi con út mới được 1 tháng tuổi. Một mình nuôi 3 đứa con nhỏ, anh phải đi nhặt phế liệu để mưu sinh ngày qua ngày đã khéo léo lấy đi nước mắt của không ít độc giả. Ngay sau khi được lan truyền rộng rãi, hoàn cảnh khó khăn của ông bố trẻ trong bài đăng đã khiến nhiều người vô cùng thương xót. Cư dân mạng cũng kêu gọi ủng hộ những khoản tiền, quần áo ấm, đồ dùng cũ để đỡ đần phần nào cho người đàn ông “gà trống nuôi con” này. Nhưng rồi tất cả đều phải ngã ngửa khi sự thật về ông bố này được phơi bày, chân dung “kịch sĩ” được hé lộ cũng nhanh như lúc được cộng đồng mạng phát hiện và giúp đỡ. Đỉnh điểm của vụ việc này là đoạn video ghi lại hành động bạo hành con dã man bằng thắt lưng của anh ta trước sự chứng kiến của nhiều người tại quán ăn. Thậm chí, khi người xung quanh lên tiếng can ngăn hành vi hành hạ trẻ em tàn bạo này, người đàn ông vẫn bỏ ngoài tai và ngang nhiên nói không biết xấu hổ: “Dạy con là việc của tôi. Không cần các người quan tâm”.

Hình ảnh ông bố cõng con nhặt rác mưu sinh trong đêm đầy thương cảm đã đánh lừa cộng đồng mạng xã hội.

Được biết, người đàn ông trong câu chuyện có tên đầy đủ là Đào Đức Khiêm, sinh năm 1990, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội. Khác với hình ảnh ông bố tận tụy vì con vì cái trong câu chuyện từng được đăng tải, Khiêm là đối tượng khá nguy hiểm, có tiền án tiền sự về tội trộm cắp, thậm chí đang bị nghi ngờ có dấu hiệu sử dụng ma túy. Thiếu tá Nguyễn Công Hưng - Phó Trưởng Công an phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội cũng xác nhận thanh niên này từng có tiền án, tiền sự, từng bán cả nhà bố mẹ nuôi vì nợ nần, cờ bạc.

Trước đó, cũng là một câu chuyện trên MXH khi hoàn cảnh đáng thương của một phụ nữ cùng 2 đứa con nhỏ được nhiều người chia sẻ. Theo thông tin được cư dân mạng chia sẻ, người phụ nữ trông dáng bộ rất tội nghiệp, dắt theo 2 đứa trẻ nhếch nhác. Khi có người hỏi thăm, chị ta khóc lóc kể rằng, mình bị lừa bán sang Trung Quốc, lấy một ông nông dân già hơn 60 tuổi và sinh được 3 đứa con, 2 gái 1 trai. Chị thường xuyên bị chồng đánh đập dẫn đến mất trí nhớ. Vì không có tiền sinh sống nên chị đã phải bán đi một đứa con, sợ phải bán thêm con nữa nên chị đã ôm 2 đứa trẻ trốn về Việt Nam. Một mình ôm con nhỏ vượt đường rừng núi, cuối cùng chị cũng về được Việt Nam, nhưng không nhớ quê mình ở đâu, chỉ nhớ là Thanh Lan hay Thanh Lam, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, ở gần cầu Lai Vu.

Câu chuyện được chia sẻ rộng rãi đã nhận được sự thương cảm của hàng nghìn người, nhưng sau đó sự thật mới khiến nhiều người vỡ lẽ đây là một màn kịch lừa đảo được Trần Thủy Nương - người phụ nữ “đáng thương” nêu trên, dựng lên nhằm lợi dụng lòng thương của người dân.

Niềm tin đang bị đánh cắp

Trở lại với màn kịch của Đào Đức Khiêm, chỉ trong một thời gian cư dân mạng trải qua đủ bậc cảm xúc, từ ngạc nhiên, phẫn nộ cho tới thất vọng. Mới cách đó vài ngày, phần lớn đều xót xa thương cảm cho người cha có quá khứ lẫy lừng, đang vật vã từng ngày làm lại cuộc đời và trên vai là đứa con khốn khổ. Tuy nhiên, việc Khiêm lôi con trẻ ra để lợi dụng lòng thương, làm công cụ kiếm tiền đã thực sự làm tổn thương lòng tin của rất nhiều người. Chúng ta có thể mù quáng vội động lòng trắc ẩn với một hoàn cảnh sầu thảm, nhưng cái cách một ông bố rút thắt lưng ra để quất lia lịa vào người con với tuyên bố “Tao đẻ ra được thì tao giết được”, rồi chửi bới đứa trẻ đang khóc thét lên vì sợ hãi, vì đau đớn thì ai cũng hiểu bản chất kẻ làm cha này thực sự là gì.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng phải tước bỏ hoặc hạn chế quyền nuôi con của Đào Đức Khiêm vì ở với một người cha như vậy các bé sẽ không an toàn, dễ gặp nguy hiểm. Về góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh cho biết, tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; Phá tán tài sản của con; Có lối sống đồi trụy; Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Căn cứ vào điều luật này, nếu Đào Đức Khiêm không có một trong số những hành vi nêu trên thì chưa thể bị hạn chế quyền nuôi con. Vấn đề bây giờ là 3 cháu bé rất cần được giúp đỡ, mọi người nên liên hệ với chính quyền địa phương hoặc với cá nhân, tổ chức có uy tín trong xã hội để gửi hiện vật mà các cháu bé có thể sử dụng được rồi nhờ những cá nhân, tổ chức này trao từng ít một cho Khiêm hoặc cho người nuôi dưỡng các cháu bé.

Lòng tốt và tinh thần giúp đỡ người hoạn nạn ở đâu và lúc nào cũng cần được khuyến khích, đề cao. Nhưng những màn kịch lừa đảo bị phanh phui trong thời gian qua đã khiến nhiều người bức xúc, mất niềm tin và đương nhiên lòng trắc ẩn cũng vơi dần. Những vụ việc được phanh phui cũng chỉ để người dân biết mà đề phòng, chứ hầu như chưa có đối tượng nào bị xử lý. Mà với những người đã trót mắc lừa thì chẳng ai tố cáo, cũng chỉ tặc lưỡi “rút kinh nghiệm” mà thôi. Và chính điều này đã gây nên sự mất lòng tin trong xã hội, khiến con người trở nên thờ ơ, chai sạn, cảnh giác hơn với những hoàn cảnh thương tâm vì sợ lòng tốt của mình bị lợi dụng. Trong một thế giới ảo đã vốn quá ồn ào với không ít sự lừa lọc, hy vọng rằng, những câu chuyện như Đào Đức Khiêm sẽ ngày càng ít đi và tình thương sẽ được chọn lọc, đặt đúng lúc đúng chỗ.

Hải Phong

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/mang-xa-hoi-va-cau-chuyen-long-tot-dat-nham-cho-n126601.html