“Mạnh ai nấy làm”

(VOH) - Hiện nay, người dân ở phường 5, quận 8 hay phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân và một số khu dân cư của quận Bình Thạnh và Gò Vấp – TP.HCM đang kêu cứu về việc nhiều năm nay vẫn không có nước sạch để sử dụng. Đây là vấn đề khó có thể chấp nhận khi diễn ra ngay tại những khu vực nội thành TP.HCM. Vậy nguyên nhân của sự việc này là như thế nào và cách giải quyết ra sao?

Các hộ dân chưa có nước sạch sử dụng phải mua lại nước sạch với giá cao (ảnh: vietnamnet)

Khó có thể hình dung là, đến lúc này, ở nội thành TP.HCM vẫn còn có những hộ dân chưa có nước máy để sử dụng. Không nói đâu xa, đó là khu dân cư Hiệp Ân, phường 5 quận 8 sử dụng nước từ nguồn nước giếng khoan của công ty TNHH xây dựng thương mại, dịch vụ du lịch Hiệp Ân với giá cao mà chất lượng nước không bảo đảm vệ sinh. Ông Nguyễn Văn Kháng, chủ hộ nhà số 90 đường số 1 than thở rằng, nước của công ty Hiệp Ân cung cấp bị nhiễm phèn, mùi hôi tanh, có màu vàng. Nhiều hộ dân ở đây đã phản ảnh với chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhưng chất lượng nước vẫn không thay đổi. Dân cư ở các hẻm 382, 384, 386 khu phố 8 phường Bình trị Đông A quận Bình Tân cũng kêu cứu nhiều năm về việc không có nước máy, họ buộc phải sử dụng nước giếng tự khoan bị nhiễm phèn nặng. Người dân muốn có nước sạch để uống, nấu ăn phải mua lại nước máy của các hộ dân có nước máy với giá 2.000 đồng 1 can nước 20 lít. Tại quận Gò Vấp và quận Bình Thạnh cũng có hộ dân không có nước máy. Khi họ kiến nghị Công ty cổ phần cấp nước Gia Định thì được trả lời, muốn có nước máy thì hộ dân tự bỏ tiền ra xây dựng đường ống cấp 3 mới có nước máy vì hiện nay chưa có đường ống cấp 3 dẫn vào khu dân cư. Nhiều hộ dân ở các quận thuộc công ty quản lý không đồng thuận với cách giải thích của Công ty. Nếu các hộ dân bỏ tiền ra xây dựng rồi đường ống cấp nước này nối với đường ống cấp 2 thì sau này đường ống này cũng thuộc quản lý của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn là vô lý.

Một đơn vị tư nhân mua nước lại của Công ty cổ phần cấp nước Chợ Lớn rồi phân phối lại cho các hộ dân ở khu dân cư Trung Sơn và Himlam huyện Bình Chánh với giá từ 9.195 đến 14.375 đồng/m 3 . Trong khi giá trong định mức 4m 3 là 5.300 đồng/m 3 , còn giá ngoài định mức, đơn vị này thu cao hơn nhiều so với giá quy định của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn. Ông Nguyễn Văn Trường, Cán bộ của Huyện Bình chánh cho biết thêm:

Còn tại xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn và ở phường Thạnh Lộc, quận 12, các hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng hàng tháng đồng hồ không có chỉ số nước máy tiêu dùng. Nghịch lý ở chỗ, vùng thiếu nước thì chờ nước máy, vùng có nước máy thì hộ dân lại không sử dụng nước máy. Đúng là trớ trêu! Điều này cũng xuất phát từ đầu tư nguồn nước, mạng cấp nước không đồng bộ và thiếu sự phối hợp nên cho đến nay nhiều nơi còn thiếu nước máy, nhất là ở 5 huyện ngoại thành: Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy mới đạt từ 30- 50%. Trong đó, đặc biệt là ở huyện Cần Giờ tuy có nhiều thành phần tham gia cung cấp nước nhưng ở vùng sâu luôn thiếu nước sạch và nếu có nước sạch thì giá nước không ai kiểm soát được.

TP.HCM hiện có hai nguồn cung cấp nước, đó là nguồn của Sawaco và của Trung Tâm nước sạch vệ sinh môi trường thuộc Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn TP.HCM. Trung Tâm này có 123 trạm cung cấp nước sạch. Bình quân mỗi ngày Trung tâm cung cấp 47.000m 3 cho hơn 320.000 người ở ngoại thành. Hiện Trung tâm đang có kế hoạch thực hiện chương trình nước nông thôn với 28 công trình sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2015, nhằm tăng thêm lượng nước sạch phục vụ cho các huyện ngoại thành. Kế hoạch này giống như phương án tăng cường đầu tư nguồn nước và mạng cấp nước của Sawaco để tăng tỷ lệ sử dụng nước máy ở các huyện.

Với hai nguồn cung ứng nước sạch như vậy nhưng từ trước đến nay, mỗi nơi hoạt động độc lập, mạnh ai nấy làm, thiếu sự liên kết, phối hợp. Điều này đã dẫn đến hậu quả có những vùng đầu tư mạng trùng lắp gây lãng phí tiền vốn đầu tư. Từ đó, mỗi nơi thu giá nước không thống nhất theo quy định của UBND TP.HCM và phê duyệt của HĐND TP.HCM, gây bức xúc trong nhân dân và doanh nghiệp. Đã vậy, quy chế cấp phép đào đường để xây dựng mạng cấp 3 hoặc cấp 2 không còn phù hợp với tình hình phát triển TP.HCM như hiện nay cũng tạo thêm nhiều cản trở và làm chậm tiến độ thi công công trình mạng cấp nước. Nhiều quận, huyện và các Công ty cấp nước trong buổi làm việc với Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM kiến nghị Sở GTVT sớm điều chỉnh lại quy chế này để tạo thuận lợi cho đầu tư mạng kịp thời cung cấp nước cho hộ dân. Ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận quy chế đào đường cần phải điều chỉnh lại:

Có thể nói, trên đây là những việc mà ngành cấp nước TP.HCM cần phải tiếp tục làm. Nhất là việc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) và Trung Tâm nước sạch vệ sinh môi trường cần sớm ngồi lại bàn bạc với nhau, đưa ra phương án phối hợp trong quản lý và đầu tư công trình sao cho hợp lý. Khi có dự án đầu tư nguồn nước hoặc đầu tư mạng nên có lộ trình phối hợp với quận, huyện, phường xã và mặt trận tổ quốc công khai kế hoạch để dân biết, dân bàn, góp ý thì dự án đầu tư sẽ hợp lòng dân hơn. Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM cho đây là sự phối hợp cần thiết.

Trong điều kiện kinh tế, ngân sách còn khó khăn, bên cạnh các giải pháp khắc phục những tồn tại trên, thành phố cũng cần sớm có cơ chế vay vốn dưới nhiều hình thức để ngành cấp nước thành phố có thêm vốn đầu tư nguồn nước, mạng cấp nước. Cơ chế này hướng đến năm 2015, TP.HCM có thêm 800.000m 3 nước, nâng sản lượng nước máy của Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn lên 2,4 triệu m 3 /ngày và Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường TP.HCM nâng lượng nước sạch cung cấp mỗi ngày lên hơn 100.000 m 3 /ngày. Đồng thời, đầu tư mạng cấp 2, cấp 3 để dẫn nước sạch vào các khu dân cư. Có như vậy, mới nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh ở các địa bàn TP.HCM, tránh tình trạng còn vùng thiếu nước máy và người dân phải chịu nhiều giá nước khác nhau.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=61694