Mánh khóe lừa gạt của những kẻ ngoại tình, nghiện rượu và hậu quả đau đớn

Do ngoại tình, do nghiện rượu hay cờ bạc… những người chồng/vợ đã luôn dùng những lời nói dối chắc như đinh đóng cột, các mánh khóe lừa gạt… để làm cho nạn nhân cảm thấy mình là người đa nghi, phán xét, sai trái, và hoàn toàn điên rồ…

Những lời nói dối đó, những mánh khóe lừa gạt đó là một sự tàn nhẫn, để lại những hậu quả cực kỳ kinh khủng, khiến cho nạn nhân có một cuộc sống tinh thần trong địa ngục.

Hương, một phụ nữ có chồng nghiện rượu cho biết, cô quen anh 1 năm trước khi hai người cưới nhau.

Trong suốt thời gian họ chung sống, anh ta đã thuyết phục được vợ rằng, cô là kẻ có vấn đề, rằng cô quá dễ xúc động và tinh thần không ổn định. Thậm chí khi anh ta trở về nhà chân nam đá chân chiêu, người nồng nặc mùi rượu. Khi việc này ngày càng tái diễn thường xuyên hơn, anh ta hoặc là phủ nhận chuyện uống rượu hoặc là nói rằng đó là do tính chất công việc và anh ta phải uống để có thể hòa nhập với mọi người, hoặc phải làm vui lòng một vị khách hàng nào để anh ấy dành được hợp đồng…

Anh ta luôn có một cái cớ cho những lần say xỉn, về muộn… và luôn khiến chị Hương cảm thấy rằng, chị đang tưởng tượng ra mọi thứ, hoặc mình quá nhạy cảm, quá đa nghi nếu chị cứ tra hỏi anh ta. Lâu dần, chị Hương tin vào lời nói dối của chồng, rồi tự nghĩ rằng, bản thân mình đã không công bằng với chồng và có cảm xúc bất ổn… cho đến khi anh ta bị đuổi việc vì luôn say xỉn ở cơ quan.

Trên đây chỉ là một trường hợp điển hình của hành vi thao túng người thân dạng Gaslighting.

Theo chuyên gia của Tổ chức NGO Fontana, hành vi thao túng người thân dạng Gaslighting là một hình thức lạm dụng tâm lý khi người vợ hoặc chồng hay một người gần gũi, gắn bó với nạn nhân đưa ra những thông tin sai sự thật, khiến cho nạn nhân nghi ngờ những nhận thức, phán đoán, kí ức, và thậm chí là sự tỉnh táo của chính bản thân mình.

Loại hành vi này thường gắn liền với sự không chung thủy trong hôn nhân. Trong những trường hợp này, người bị hại (vợ hoặc chồng) có cùng một đặc điểm chung, đó là trực giác và hiện thực của họ luôn bị đánh lừa bởi sự phủ nhận kéo dài thậm chí hàng năm trời từ người bạn đời không chung thủy của họ, kẻ liên tục khăng khăng rằng anh ta hay cô ta không hề lừa dối, rằng anh ta hay cô ta thực sự phải ở lại chỗ làm đến tận nửa đêm, rằng anh ta hay cô ta không hề thờ ơ hay lạnh nhạt, và rằng sự lo lắng đó của người vợ hay người chồng chỉ là sự hoang tưởng, nghi ngờ vô căn cứ, và vô cùng bất công.

Theo cách đó, người bị phản bội dần bị dẫn dắt và trở thành cảm thấy dường như bản thân họ mới là người có vấn đề và dường như rắc rối nằm ở chính sự bất ổn định về cảm xúc của họ. Theo thời gian, những cá nhân này mất niềm tin vào khả năng phán đoán và nhận thức hiện thực của họ, và họ bắt đầu đổ lỗi cho chính bản thân về những suy nghĩ và cảm giác của chính mình.

Nhưng không chỉ những người bạn đời không chung thủy mới có hành vi thao túng dạng Gaslighting. Những người nghiện rượu, cờ bạc, chơi game, mua sắm hay một sở thích nào đó cũng có những hành vi thao túng giống y hệt. Họ nỗ lực hết sức để thuyết phục người bạn đời, gia đình, bạn bè, sếp của họ và tất cả những người khác rằng họ (những người nghiện) không hề làm gì sai cả, và nếu mọi việc trông có vẻ giống như thế, thì đó chính là do người kia (những người không nghiện) đang nhận thức sai về tình huống đó.

Những lời nói dối mà những người nghiện chủ tâm thực hiện với người thân để họ có thể tiếp tục hành vi nghiện ngập mà không bị can thiệp là vô cùng tàn nhẫn. Thường thì họ chỉ cần đưa ra những lý lẽ nghe có vẻ hợp lý để khiến mọi thứ có thể là thật. Và khi những hành vi thao túng này tiếp diễn liên tục trong một thời gian đủ dài, người bị lừa dối sẽ trở nên nghi ngờ chính những phán đoán và cảm xúc của bản thân.

Cuối cùng, họ bắt đầu tin tưởng vào những lời dối trá và lý do biện minh nhằm thao túng của người nghiện. Khi điều này xảy ra, các nạn nhân thường tự nhận lấy trách nhiệm cho sự trục trặc trong mối quan hệ, mặc dù phần lớn những vấn đề này bắt nguồn từ phía người nghiện.

Phần thực sự đáng lo ngại là ngay cả những người có trạng thái cảm xúc ổn định cũng dễ trở thành nạn nhân của hành vi thao túng kiểu Gaslighting, chủ yếu là bởi nó diễn ra từ từ chậm rãi theo thời gian.

Hãy tưởng tượng nó giống như việc bạn đặt một con ếch vào trong một chậu nước ấm và sau đó bắt đầu đun chậu nước. Do nhiệt độ tăng lên một cách từ từ, con ếch sẽ không thể nhận ra được nó đang bị nấu chín.

Đôi khi những người bạn đời và người yêu của những người nghiện có thể trở thành người bị đồng lệ thuộc với người nghiện, có nghĩa là họ cảm thấy bắt buộc phải hỗ trợ và tiếp tay cho người nghiện với thói nghiện ngập của anh ấy hoặc cô ấy, thậm chí ngay cả khi “sự trợ giúp” của họ không mang lại mục đích tích cực nào cả mà trên thực tế nó còn gây tổn hại.

Về bản chất, họ trở thành người chăm sóc và tạo ra môi trường/tạo điều kiện cho thói nghiện ngập của người nghiện. Khi hình thức đồng lệ thuộc không lành mạnh này bị kết hợp với hành vi thao túng kiểu Gaslighting sẽ gây ra hậu quả là hội chứng chia sẻ rối loạn tâm thần – một ảo giác, hoặc ảo tưởng được chia sẻ bởi hai (hoặc nhiều hơn hai) người có quan hệ tình cảm gần gũi nhau.

Những hành vi thao túng dạng này thường gây ra sự đau khổ lớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà người nghiện muốn che đậy. Đối với những người vợ có chồng nghiện rượu, điều làm họ đau đớn nhất không phải là việc chồng họ đã uống rượu quá nhiều như một thói quen và thi thoảng lại biến mất trong những lần uống đến say bí tỉ quên trời đất, mà là anh ấy đã nói dối về nó và làm cô ấy cảm thấy mình thật điên rồ và sai lầm vì đã nghi ngờ những cái cớ giống nhau để hợp lý hóa mọi chuyện hết lần này đến lần khác hay thậm chí những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt của anh ta.

Có rất nhiều loại tổn thương, nhưng đau đớn và để lại hậu quả lâu dài nhất là tổn thương liên quan đến sự phản bội lòng tin trong một mối quan hệ. Những tổn thương này bắt nguồn từ những hành vi có chủ ý của sự ngược đãi, thờ ơ, lạm dụng và thậm chí hành vi bạo lực gây ra bởi những cá nhân có mối quan hệ gần gũi với nạn nhân.

Theo thời gian, những tổn thương mãn tính do bị phản có thể gây ra những căng thẳng chồng chất, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, mất đi sự tự tin, lòng tự trọng thấp, mất đi sự gắn bó, v.v…

Chuyên gia của tổ chức NGO Fontana khẳng định rằng, các hành vi tình dục cụ thể hay hành vi nghiện ngập không phải là nguyên nhân gây ra hầu hết những nỗi đau về cảm xúc, mà chính là những lời nói dối chắc như đinh đóng cột, mánh khóe lừa gạt và việc làm cho nạn nhân cảm thấy mình là người đa nghi, phán xét, sai trái, và hoàn toàn điên rồ.

Không phải là sự ngoại tình, hoặc việc người kia nghiện rượu mà chính là do những hành vi phủ nhận sự thực và thực tế đã gây ra những tổn thương ấy. Và khi cuối cùng, những người thân của họ nhanạ ra rằng, họ đã luôn đúng trong hầu hết thời gian mà họ bị lừa thì những phản ứng của họ lúc đó đôi khi giống như người điên.

"Điều đó có gì là quá đáng không?” - chắc chắn là không! Để sống sót trong một thời gian dài với những tổn thương do bị phản bội mãn tính, sẽ là hoàn toàn tự nhiên khi nạn nhân trở nên phẫn nộ, giận giữ, sợ hãi hoặc bất cứ cảm xúc nào khác.

Đây chính là sự lạm dụng tâm lý mà người ngoại tình, người nghiện rượu cố ý gây ra đối với người bạn đời, gia đình, bạn bè của họ - tất cả chỉ để giúp cho việc họ có thể tiếp tục ngoại tình hoặc tiếp tục sự nghiện ngập của mình.

Khi nhận ra sự thật đó, người bị lừa dối có thể quyết định tiếp tục ở lại chịu đựng hoặc sẽ ra đi, họ đều không hề sai. Nhưng quan trọng hơn hết thảy, cho dù người bị phản bội chọn ở lại hay ra đi, đó là họ sẽ sống tiếp thế nào sau sự mất mát to lớn này.

Hoàng Hải (ghi)

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201708/manh-khoe-lua-gat-cua-nhung-ke-ngoai-tinh-nghien-ruou-va-hau-qua-dau-don-577201/