Mảnh ký ức không quên của 'người mẹ đào hầm từ lúc tuổi còn xanh'

Dẫu chiến tranh đã lùi xa, những ký ức bi thương về chiến tranh từ chính gia đình mình vẫn cháy mãi như ngọn lửa trong lòng mẹ.

Ngôi nhà của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Mễ, bí danh Nguyễn Thị Thưởng (1917) nằm sâu trong thôn Viêm Tây 3, xã Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã từng là căn cứ bí mật của nhiều cán bộ, chiến sĩ Cách mạng ở đất Quảng Nam trong kháng chiến, là nơi “người mẹ đào hầm” Nguyễn Thị Mễ gắn bó và trải qua những năm tháng bi thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng.

Những ký ức bi thương

Trong câu chuyện ngược dòng lịch sử được mẹ kể lại bằng sự minh mẫn hiếm thấy ở một người đã sống cả thế kỷ, kinh qua hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc, là những nỗi đau, những lần khóc cạn khi chồng và con ngã xuống dưới làn đạn của địch.

Mẹ có 9 người con, trong đó 5 người đã ra đi trong kháng chiến. Hiện mẹ sống với cô con gái Lê Thị Thiết.

Ở tuổi 100, mẹ Nguyễn Thị Mễ vẫn nhớ như in từng vị trí hầm trong vườn nhà.

Mẹ đã 2 lần vào tù. Lần đầu là trước năm 1964 khi mẹ đang mang thai người con thứ 9, một cán bộ của ta bị địch bắt, người này không chịu nổi tra tấn nên đã khai ra điểm hầm tại nhà mẹ.

Kẻ địch đến nhà lùng sục nhưng mẹ đã nhanh trí phá hầm khi cán bộ rời đi. Chúng giam mẹ suốt 8 tháng trời cho tới ngày mẹ chuẩn bị chuyển dạ. Lần thứ hai là năm 1964, khi chồng mẹ - liệt sĩ Lê Phỉ Mễ bị địch sát hại.

Liệt sĩ Lê Phỉ Mễ bí mật tham gia Cách mạng từ năm 1941. Mẹ kể, cứ sáng sớm lại thấy chồng gánh dầu lạc đi bán, có khi 2-3 ngày mới về, lúc đầu ai cũng nghĩ ông đi bán ở xa. Số ngày mà người cán bộ Cách mạng Lê Phỉ Mễ xa nhà cứ tăng dần.

Mãi đến năm 1945, mẹ mới biết chồng mình đang hoạt động Cách mạng ngầm, là cán bộ nằm vùng tại địa phương. Sau nhiều phen vào sinh ra tử, năm 1964 ông bị gián điệp hãm hại rồi ngã xuống trên mảnh đất quê nhà. Kẻ thù kéo xác ông về đồn rồi đến nhà tìm bắt mẹ.

Mẹ Mễ thắp nhang tại bia di tích trong vườn nhà.

Mẹ nói, chuyện chỉ như mới hôm qua. Mẹ vẫn thấy đâu đây hình ảnh ông bị địch sát hại, nằm đắp chiếu trong đồn địch, vẫn cảm thấy nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khi bị địch tra khảo, đánh đập bên thi thể chồng...

Mẹ kể về ngày chồng bị địch sát hại, khi ấy ông Mễ đã hoàn toàn bất động với viên đạn xuyên qua thái dương. Cả gia đình làm đơn xin được chở xác ông về. Đám tang ông cả xóm làng không ai dám đến vì sợ gián điệp dòm ngó. Đến lúc qua đời, trong đầu ông vẫn còn một mảnh đạn sót lại từ trận đánh tại cứ điểm Bồ Bồ (xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn) năm 1953.

“Ngày tham gia Cách mạng, ổng dặn tôi hễ có kẻ địch tra hỏi thì cứ xem như không thấy gì, không liên quan gì. Nhỡ hai vợ chồng bị bắt hết thì ai nuôi con. Tôi chỉ biết nuốt nước mắt và thù hận vào lòng, im lặng ra về…”, mẹ Mễ hồi tưởng.

Chưa dừng lại ở nỗi đau mất chồng, mẹ còn mất thêm một người con là liệt sĩ  Lê Phỉ Phương (SN 1944), anh Phương hy sinh năm 1969 trong một trân chiến với Mỹ - Ngụy. Rồi một số người con cũng lần lượt từ giã cõi đời vì nhiều lý do khác nhau.

Dẫu chiến tranh đã lùi xa, những ký ức bi thương về chiến tranh từ chính gia đình mình vẫn cháy mãi như ngọn lửa trong lòng mẹ.

Khu vườn của mẹ Mễ đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.

“Mẹ đào hầm từ lúc tóc còn xanh…”

Mẹ dẫn chúng tôi ra khu sau nhà, nơi từng là căn cứ bí mật của nhiều cán bộ trong hai cuộc kháng chiến.

Mẹ vẫn còn nhớ rất rõ vị trí của từng căn hầm, hầm nào lớn, hầm nào nhỏ mẹ đều thuộc như lòng bàn tay. Trong vòng hơn 10 năm (1958-1959), mẹ đã đào 12 căn hầm cho cán bộ trú ẩn và 1 căn hầm cất giấu tài liệu, vũ khí. Hầm lớn nhất chứa đủ 3 người nằm, có 2 lỗ thông gió khoảng bằng ngón chân cái để hít thở.

Suốt hơn 10 năm đó cho đến bây giờ, mẹ vẫn còn nhớ rõ những đoàn cán bộ tới lui liên tục tại nhà mình, cùng ăn với gia đình mẹ chén cơm, đĩa rau hay chút mắm cá.

Mẹ nhớ rõ tên từng đồng chí cán bộ của Huyện ủy Điện Bàn và Tỉnh ủy Quảng Đà năm xưa,… Hầu hết giờ đã thành người thiên cổ. Có những người sinh thời sau giải phóng có quay lại thăm mẹ, có người đã ra đi vì bệnh tật và cũng có người đã nằm lại chiến trường.

Thiệp mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước Trần Đại Quang gửi đến mẹ Mễ.

Nhờ có sự cảnh giới của gia đình mẹ, những căn hầm tồn tại qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, qua nhiều phen mưa bão và đạn bom mà chưa một lần bị kẻ thù phát hiện. Mẹ kể, khi du kích chạy trốn hay cán bộ nằm vùng rời đi, mẹ lấp ngay miệng hầm để phi tang, tránh trường hợp cán bộ bị bắt, không chịu nổi tra tấn sẽ khai ra nơi ẩn nấp của những người còn lại. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, mẹ trồng dứa và phủ đất đá, lá cây ngụy trang, che mắt quân địch.

Nơi hầm tối là nơi sáng nhất. Từ căn cứ bí mật này, nhiều tài liệu quan trọng đã được cất giữ, bảo vệ; nhiều đồng chí cán bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào thắng lợi chung của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Có lẽ chính kẻ thù cũng không thể ngờ rằng, trên mảnh đất khô cằn lại có một chiến hào bí mật ngay dưới chân chúng.

Tháng 4 vừa qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thiệp mừng thọ mẹ 100 tuổi, chính quyền địa phương đã đến động viên, thăm hỏi mẹ. Bản thân mẹ đã được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất. Chồng mẹ là liệt sĩ Lê Phỉ Mễ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba.

Năm 1981, gia đình mẹ được tặng Bảng vàng danh dự chống Mỹ cứu nước. Khu vườn rộng 1.000 mét vuông dùng để xây hầm bí mật năm xưa nay đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2015.

Hòa bình đã lập lại. Mẹ Mễ vẫn ở đó, vẫn là nhân chứng sống của hai cuộc kháng chiến. Có khách đến nhà, mẹ vẫn giữ nguyên thói quen tiếp đãi cán bộ khi xưa, đó là “Các anh có đến gặp mẹ thì ăn cùng mẹ một bữa cơm, trò chuyện với mẹ, thế là mẹ vui lắm rồi”.

Chào tạm biệt mẹ, trong đầu chúng tôi văng vẳng lên lời bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ thơ Dương Hương Ly: “Đất quê ta mênh mông/Lòng mẹ rộng vô cùng".

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-nhanh/manh-ky-uc-khong-quen-cua-nguoi-me-dao-ham-tu-luc-tuoi-con-xanh-c4a552713.html