Mạnh tay xóa nạn trộm,cướp

Người dân đừng mang theo nhiều tài sản ra đường. Công an nên tăng cường tuần tra, kiểm soát, truy quét tội phạm.

Ngày 15-8, Pháp Luật TP.HCM đăng bài “Xóa nạn cướp giật gây bất an phố cổ”, phản ánh sự quyết liệt trấn áp tội phạm của TP Hội An (Quảng Nam). Nhiều bạn đọc đồng tình với cách làm này và mong muốn TP.HCM cùng các địa phương khác có những biện pháp tích cực xóa nạn cướp giật, móc túi… để người dân bớt lo âu.

Người dân tham gia bắt hai tên cướp giật trên đường phố ở TP.HCM. Ảnh: MINH PHONG

“Tôi thấy không chỉ Hội An mà trên cả nước, trong đó có TP.HCM cũng thường xuyên xảy ra những vụ án tương tự. Vừa qua, tôi cũng bị kẻ xấu giật mất điện thoại…” - bạn đọc nguyenguyen (trannguyeyen@...) nêu ý kiến.

Việc này, bạn đọc Cao Thị Hồng Nhụy (hongnhuycao@...) chia sẻ: “Tôi được mọi người phản ánh và chính mắt tôi chứng kiến vụ cướp giật trên đường Lý Thường Kiệt (TP.HCM). Cụ thể, hôm bữa trưa, tôi đi trên đường này hướng về đường Ba Tháng Hai. Gần đến ngã tư thì bất ngờ một nam thanh niên áp sát vào hai phụ nữ đi xe máy, giật dây chuyền rồi bỏ chạy mất dạng. Sự việc trước mặt tôi làm tôi bàng hoàng, sau đó thì rất bức xúc. Mong cơ quan chức năng vào cuộc để đoạn đường này nói riêng và tất cả đoạn đường khác nói chung giảm đi nạn cướp giật trắng trợn như thời gian vừa qua”.

“Không thể chấp nhận tình trạng trộm cướp xảy ra càng ngày càng manh động. Tôi đề xuất lực lượng cảnh sát cơ động phải tăng cường tuần tra, phản ứng nhanh trước các hành vi phạm tội. Lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) hỗ trợ tích cực, truy bắt các đối tượng vi phạm vì CSGT được bố trí nhiều ở các ngã ba, ngã tư. Tôi cũng chứng kiến cảnh một nhóm thanh niên dàn cảnh móc túi. Nạn nhân tri hô nhưng mọi người cứ nhìn nhìn, không ai hô theo hoặc nhảy vào can thiệp. Trường hợp này mọi người cùng đồng lòng ùa vào bắt thì kẻ xấu khó thoát” - bạn đọc Lê Tư (TP.HCM) cho biết.

“Nhà nước tạo công ăn việc làm ổn định cho mọi người để tránh nhàn cư vi bất thiện. Chúng ta cũng cần kiểm soát chặt chẽ nhân khẩu, từng cơ sở phải nắm được đối tượng nào có nhân thân xấu để giáo dục họ không đi vào con đường xấu. Người dân chúng ta đừng mang theo nhiều tài sản ra đường. Nếu có thì phải cảnh giác, đừng tạo cơ hội cho bọn xấu ra tay. Có như thế thì cũng góp phần bài trừ tội phạm” - bạn đọc lethiy (ley@...) có thêm đề xuất.

Thường xuyên mở chiến dịch truy quét. Tôi nghĩ rằng khi các cơ quan chức năng quyết tâm làm thì không có gì là không thể. Đơn cử như việc truy quét các tệ nạn ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) vừa qua, lãnh đạo TP quyết liệt làm là được. Hiện nay báo chí cũng đã kiểm tra lại thì thấy tình hình ổn, nhiều điểm “tươi mát” đóng cửa. Tuy nhiên, chúng ta không loại trừ là nó sẽ tái diễn nên cứ chà đi xát lại thì chắc chắn tội phạm không dám lộng hành. Việc trấn áp các tội phạm khác cũng vậy.

Nguyễn Thị Thương (TP.HCM)

Đừng đấu tranh bằng phong trào. Trừng trị tội phạm phải tính chuyện lâu dài như chấn chỉnh lại hệ thống pháp luật từ con người đến tổ chức và hệ thống văn bản pháp quy đảm bảo pháp luật nghiêm minh, công bằng. Bên cạnh đó, xem lại đường lối, chính sách giáo dục nhân bản hơn. Trước mắt dẹp bỏ các ổ tội phạm..., tránh đấu tranh tội phạm bằng phong trào vì chẳng đâu ra đâu hết.

Lê Mau (quynhthudan@...)

TS

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130815100836794p1027c1098/manh-tay-xoa-nan-tromcuop.htm